Yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, say mê nghiên cứu khoa học để áp dụng vào thực tế cứu chữa bệnh nhân, đó là những cảm nhận của tôi về thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân, dân tộc Thái, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa Sơn La) sau 6 năm gặp lại chị.
Vượt khó để thực hiện ước mơ
Sinh ra và lớn lên tại bản Na Coóc, xã Viêng Lán, huyện Yên Châu trong một gia đình nông dân nghèo. Được chứng kiến người thân và người dân trong bản vì thiếu hiểu biết về công tác y tế dẫn đến những trường hợp đáng tiếc, nên Xuân mơ ước trở thành bác sỹ để chữa bệnh cho người dân nghèo. Nói về ước mơ này, bác sỹ Xuân xúc động kể: Năm 1997, bố tôi không may bị điện giật, do thiếu kiến thức, không biết sơ cứu nên ông đã mất. Lúc đó, tôi đang học lớp 10, chưa định hình nghề nghiệp tương lai cho bản thân, nhưng nguyên nhân dẫn đến mất bố khiến tôi quyết tâm trở thành bác sỹ.
Thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân chủ trì giao ban bình bệnh án tìm phác đồ điều trị hiệu quả.
Hành trình trở thành bác sỹ của chị Xuân không hề đơn giản. Bố mất, một mình mẹ bươn trải nuôi 4 chị em ăn học. Chị gái đầu phải nghỉ học phụ giúp mẹ nuôi các em. Càng khó khăn, Xuân càng quyết tâm học tốt. Năm 2000, Xuân thi đỗ 3 trường: Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Sư Phạm Xuân Hòa và Cao đẳng sư phạm Sơn La. Mặc dù phải học dự bị 1 năm, nhưng Xuân vẫn chọn nhập học Trường Đại học Y Thái Nguyên. 7 năm trên giảng đường đại học, Xuân đều đạt sinh viên xuất sắc và được nhận học bổng. Đặc biệt, năm học thứ 5, Xuân được tặng học bổng Odon Vallet - Quỹ học bổng mang tên Giáo sư người Pháp Odon Vallet dành cho học sinh, sinh viên có kết quả học tập xuất sắc. Năm 2007, tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi, Xuân nhận công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa Sơn La).
Nhiệt huyết yêu nghề
Trong 14 năm thực hiện nhiệm vụ của người thầy thuốc, chị Xuân không nhớ mình đã trực tiếp cứu sống bao nhiêu bệnh nhân và đã bao nhiêu lần thực hiện các kỹ thuật chuyên khoa sâu để cứu chữa người bệnh thoát khỏi “tử thần”. Song theo chị kể chưa một lần để xảy ra sai sót về chuyên môn và cũng chưa một lần bị bệnh nhân thắc mắc, hay khiếu kiện về tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc trong quá trình chữa trị bệnh.
Nhớ lại thời gian mới về nhận công tác tại Khoa Hồi sức cấp cứu, bác sỹ Xuân chia sẻ: 7 năm trên giảng đường đại học, tôi đã tiếp thu được nhiều kiến thức mà chủ yếu là lý thuyết. Khi bắt tay vào nhiệm vụ “trị bệnh cứu người” không tránh khỏi lúng túng. Thật may mắn, tôi được các anh chị đồng nghiệp tận tình hướng dẫn các kỹ thuật cấp cứu trên lâm sàng, kỹ thuật chuyên sâu, như: Đặt nội khí quản; thở máy; đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm... Tôi xác định rõ, chỉ chậm vài giây đồng hồ hoặc một sơ suất nhỏ trong quá trình cấp cứu cũng có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc, nên không chỉ học kinh nghiệm ở đồng nghiệp tôi còn nghiên cứu các kỹ thuật y học tiên tiến ở sách y khoa, ở tuyến y tế Trung ương.
Thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân hướng dẫn các đồng nghiệp sử dụng máy thở.
Bác sĩ Xuân nhớ lại: Sau 2 năm ra trường, tôi cùng đồng nghiệp trong khoa cứu sống 1 bé gái 2 tuổi bị ong vò vẽ đốt nhiều nốt. Khi nhập viện, bé bị suy thận, vô niệu (không đi tiểu được), nếu không cứu chữa kịp thời sẽ dẫn đến tử vong. Thời điểm đó, Bệnh viện chưa có thiết bị lọc máu, gia đình cháu bé lại khó khăn không có điều kiện chuyển y tế tuyến trên. Tôi và các đồng nghiệp bàn bạc, thống nhất thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng cho bệnh nhi. Sau 7 ngày điều trị, bé đi tiểu được, điều trị tiếp 1 tuần, trẻ ổn định và xuất viện. Việc cứu sống bệnh nhi này đã giúp tôi có thêm động lực và tự tin để làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc.
Năm 2011, chị Xuân theo học thạc sỹ tại Trường Đại học Y Hà Nội, 2 năm sau tốt nghiệp thủ khoa. Năm 2014, chị được bổ nhiệm Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, 4 năm sau được bổ nhiệm Trưởng Khoa.
Câu chuyện của chúng tôi tạm dừng do có bác sỹ trong khoa đến đề nghị chị Xuân hỗ trợ đặt đường truyền tĩnh mạch trung tâm cho 1 bệnh nhân sốc nặng vì thủ thuật thực hiện khó. Không bỏ lỡ cơ hội, tôi theo chị và các bác sỹ đến nơi cấp cứu để ghi lại hình ảnh những người thầy thuốc đang thực hiện nhiệm vụ.
Hình ảnh những người thầy thuốc tận tụy cứu chữa bệnh nhân, khiến tôi chợt nhớ đến câu hát: “...Màu áo trinh nguyên tâm hồn rộng mở/Trao cả tình thương xóa tan những nỗi đau...” trong bài hát “Khúc ca ngành Y” của tác giả Phạm Phước Nghĩa. Quả là họ đang đau cùng nỗi đau của bệnh nhân và quyết tâm chữa trị cho người bệnh.
Trở lại câu chuyện “trị bệnh cứu người” tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, bác sĩ Xuân chia sẻ: Khoa là tuyến cuối của tỉnh điều trị các bệnh nặng. Do vậy, để có phác đồ điều trị hiệu quả, đội ngũ thầy thuốc đã thường xuyên nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng xử trí những tình huống phát sinh khi cấp cứu bệnh nhân, giành lại sự sống cho nhiều người bệnh từ tay “tử thần”.
Đơn cử như hồi tháng 9/2020, bệnh nhân Tạ Thị Bằng, trú tại thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, nhập viện trong tình trạng: Sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi, suy thận, vô niệu, đái tháo đường, tăng huyết áp, thể trạng bệnh nhân quá yếu, khó có thể qua khỏi. Không bó tay, “còn nước còn tát”, bác sỹ Xuân và các đồng nghiệp đã cho bệnh nhân thở máy không xâm nhập, sử dụng thuốc vận mạch, lọc máu liên tục (CCVH) (đây là kỹ thuật mới được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Với các biện pháp tích cực, cùng với sự tận tình của đội ngũ thầy thuốc, sau 10 ngày điều trị, người bệnh được xuất viện.
Gần đây nhất, ngày 13/4/2021, trường hợp 1 lưu học sinh Lào đang học tại Trường Cao đẳng Sơn La bị rắn cạp nong cắn. Sau 30 phút được đưa vào Bệnh viện Quân y 6 cấp cứu, rồi chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng đã liệt toàn thân, suy hô hấp, không còn hy vọng được cứu sống. Thạc sỹ bác sỹ Mè Thị Xuân đã trực tiếp cấp cứu bệnh nhân bằng các biện pháp tích cực: Thở máy xâm nhập, truyền thuốc giải độc, chăm sóc toàn diện. Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân được rút máy thở, điều trị tiếp đến ngày 3/5 xuất viện.
Những câu chuyện giành lại sự sống cho người bệnh từ tay “tử thần” của Thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân rất nhiều, bởi chị và các đồng nghiệp luôn tích cực nghiên cứu và triển khai nhiều kỹ thuật y học tiên tiến để cứu chữa bệnh nhân.
Nói về bác sỹ Xuân cứu sống trong tình trạng bệnh nặng, anh Lò Văn Hoài, xã Mường Bú, huyện Mường La chia sẻ: Khi nhập viện, tôi được bác sỹ Xuân chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi nặng, nên phải điều trị tích cực. Trong suốt thời gian điều trị từ ngày 28/4 đến 19/5 tại Khoa, tôi đã được bác sỹ Xuân tận tình cứu chữa; hằng ngày chị Xuân đến giường bệnh thăm hỏi tình hình sức khỏe để chỉ đạo việc điều trị phù hợp; động viên tôi làm theo các hướng dẫn của bác sỹ để nhanh khỏi bệnh... Thật may mắn tôi được bác sỹ Xuân và các y bác sĩ Bệnh viện điều trị khỏi bệnh, bởi trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp cũng không thể chuyển y tế tuyến trên. Cảm ơn bác sỹ Xuân và các bác sỹ trong Khoa rất nhiều.
Hiện nay, tại Bệnh viện Đa khoa Sơn La và các bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh đang triển khai ứng dụng nhiều sản phẩm khoa học do nữ bác sĩ Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc nghiên cứu. Trong đó, có các đề tài: “Đánh giá đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và kết quả điều trị bệnh nhân ngộ độc paraquat tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La năm 2012-2014”; “Đánh giá tác dụng của Dobuttamin trên sự cải thiện lâm sàng, cận lâm sàng và siêu âm tim ở bệnh nhân suy tim nặng”...
Những đề tài nghiên cứu của chị áp dụng vào thực tế đã cứu sống nhiều bệnh nhân mà trước đây chỉ có thể cứu chữa được ở bệnh viện tuyến Trung ương. Đặc biệt, có trường hợp chỉ cứu được trong 6 giờ đồng hồ đầu tiên, nếu chuyển tuyến bệnh nhân có thể tử vong trên đường. Nhờ áp dụng kỹ thuật y học mà đề tài: “Đánh giá hiệu quả kỹ thuật lọc máu hấp phụ bằng quả lọc HA230 trong điều trị bệnh nhân ngộ độc cấp paraquat tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La”, do Thạc sĩ, bác sỹ Mè Thị Xuân nghiên cứu đã cứu sống được người bệnh tại Bệnh viện.
Khắc ghi lời Bác dạy: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang”, Thạc sỹ bác sỹ Mè Thị Xuân luôn nỗ lực phấn đấu, cùng đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh tận tâm “trị bệnh cứu người”, góp sức chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân trên địa bàn.
Lan tỏa tình yêu nghề
Mặc dù không đứng trên bục giảng, nhưng nhiều bác sĩ trẻ trong Bệnh viện gọi chị Xuân là cô giáo. Giải thích về điều này, bác sĩ Xuân cười hiền: Tôi được Bệnh viện giao nhiệm vụ hướng dẫn các bác sĩ trẻ mới ra trường các kỹ thuật cấp cứu lâm sàng cơ bản, sau khi thành thạo sẽ phân công về các khoa lâm sàng, như: Khoa Nội 1, 2, Khoa Tim mạch; Ngoại tổng hợp, Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Khoa gây mê hồi sức… Đó là những kỹ thuật cấp cứu cơ bản mà bất kỳ bác sỹ nào cũng cần thành thạo để cứu chữa bệnh nhân. Tuy không có kỹ năng sư phạm, nhưng tôi đã cố gắng hướng dẫn, trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được với các đồng nghiệp trẻ. Điều mừng là, các đồng nghiệp khi về các khoa công tác đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc.
Thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân thăm khám bệnh nhân điều trị tại Khoa.
Với vai trò là người đứng đầu Khoa, bác sĩ Xuân đã khuyến khích, động viên đội ngũ thầy thuốc trong Khoa thường xuyên rèn luyện y đức, nâng cao trình độ chuyên môn; tích cực nghiên cứu đề tài khoa học để áp dụng vào thực tế cứu chữa bệnh nhân, giúp người bệnh được tiếp cận với những kỹ thuật y học tiên tiến tại cơ sở, tiết kiệm kinh phí và thời gian cho gia đình bệnh nhân. Trung bình một năm, Khoa có 1-2 đề tài khoa học và đều được áp dụng tại Bệnh viện. Ngoài ra, còn áp dụng nhiều kỹ thuật y học tiên tiến khác để cứu chữa bệnh nhân.
Ông Đỗ Xuân Thụ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Sơn La nhận xét về thạc sỹ, bác sỹ Mè Thị Xuân: Chịu khó nghiên cứu các đề tài khoa học và các kỹ thuật y học tiên tiến để áp dụng vào thực tế cứu chữa bệnh nhân; tận tâm, trách nhiệm trong công việc; nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp; sống giản dị, hòa đồng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!