Đó là nếp nghĩ, cách làm của anh Hoàng Văn Thắng, Bí thư, Trưởng bản Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu. Anh được bà con trong vùng biết đến là người tiên phong chuyển đổi giống cây trồng, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập 250 triệu đồng/năm.
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang, anh Thắng kể: Trước đây, chúng tôi ở bản Nghe Tỏng, xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai. Năm 2007, gia đình cùng bà con trong bản nhường đất để xây dựng công trình thủy điện Sơn La, nên chuyển về tái định cư tại xã Chiềng Pha và đặt tên bản là Quỳnh Thuận.
Để phát triển kinh tế trên quê mới, năm 2014 anh Thắng đã đi tham quan học hỏi kinh nghiệm một số mô hình trồng cây ăn quả ở huyện Mai Sơn. Sau đó, mua 70 cây cam vinh về trồng thử nghiệm, cây phát triển tốt. 3 năm sau, gia đình đã thu 3 tấn quả, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu 75 triệu đồng. Năm 2017, anh Thắng cùng với gia đình mở rộng diện tích lên 1,3 ha và trồng thêm quýt, bưởi da xanh theo hướng hữu cơ. Mỗi năm, thu hoạch 8 tấn quả các loại, thu 140 triệu đồng. Bên cạnh đó, khi cây ăn quả chưa khép tán, anh trồng xen cà phê, mỗi năm thu hoạch 5 tấn quả, bán được 60 triệu đồng.
Ngoài trồng cây ăn quả có múi, anh Thắng còn mang giống thanh long ruột đỏ từ huyện Mai Sơn về trồng 700 trụ trên diện tích 7.000 m2. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, năm thứ 2 đã cho thu hoạch 6 tấn quả, thu 60 triệu đồng. Anh còn nhận chăm sóc 1.000 trụ thanh long ruột đỏ của một hộ trong bản do không có lao động, mỗi năm thu hoạch 8 tấn quả, thu nhập thêm 80 triệu đồng. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về 250 triệu đồng.
Theo anh Thắng, để cây ăn quả phát triển tốt, năng suất cao và đảm bảo chất lượng, gia đình chăm sóc hoàn toàn theo hướng hữu cơ, sử dụng phân chuồng ủ hoai mục, dùng đỗ tương, bột ngô, cá sông ủ để bón cho cây và chỉ dùng thuốc sinh học phòng trừ dịch bệnh.
Với vai trò là Bí thư Chi bộ, Trưởng bản, anh Thắng đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con trong bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế. Hiện nay, cả bản có 12 ha thanh long ruột đỏ, 8 ha cam, bưởi, 3 ha chanh leo, 7 ha chè, 3 ha cà phê và 7 ha ngô, mang lại nguồn thu khoảng 3,6 tỷ đồng/năm, góp phần xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Thắng đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình, là địa chỉ để bà con trong bản, trong xã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!