Gia đình ông Lò Văn Sô, bản Tạ Búng, xã Tạ Bú, huyện Mường La, là một trong những hộ tiên phong phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Từ trồng cây ăn quả, chăn nuôi, sau trừ chi phí, thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Là hộ di dân thủy điện Hòa Bình từ năm 1983, gia đình ông Sô và bà con trong bản phải chuyển lên cao ở. Hồi đó, khu đất là bãi cỏ gianh, hoang sơ, gia đình đã khai hoang phục hóa, trồng cây sắn, cây ngô. Đến năm 1985, gia đình chuyển 3 ha đất sang trồng cây xoài địa phương và cây mít. Do hợp đất, hợp khí hậu, cây xoài phát triển tốt, mỗi năm thu hoạch bình quân từ 25 đến 30 tấn quả, bán với giá 8.000 đồng/kg, thu 200 triệu đồng. Năm 2021, gia đình ông được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón, cắt tỉa cành cải tạo 1 ha xoài địa phương. Hiện nay, cây đang phát triển tốt. Ông đã trồng xen thêm 100 gốc nhãn ghép.
Ông Sô còn dành 1.000 m² đất, đầu tư 7 triệu đồng làm hệ thống nước tưới nhỏ giọt để trồng cây măng tây. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, cây măng tây phát triển tốt. Mỗi năm thu nhập 40 triệu đồng. Nếu chăm sóc tốt, cây măng sẽ cho thu hoạch từ 10 đến 12 năm mới phải trồng lại.
Gia đình ông Sô còn đầu tư chăn nuôi 8 con bò sinh sản nhốt chuồng. Cùng với trồng 1 ha cỏ voi chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình còn tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh; vệ sinh môi trường chuồng trại sạch sẽ, giữ ấm vào mùa đông, thông thoáng vào mùa hè. Đàn bò béo tốt, mỗi năm xuất bán từ 2 đến 3 con bò, thu 25 triệu đồng. Nguồn chất thải chăn nuôi được tận dụng làm phân bón cho cây ăn quả. Với lợi thế có nước mó tự chảy, ông Sô còn đào 2.000 m2 đất làm ao thả các loại cá trắm, chép, trôi, rô phi, vừa để phục vụ sinh hoạt và có thêm thu nhập 15 triệu đồng/năm từ bán cá.
Với sự năng động trong phát triển kinh tế, tạo việc làm và mang lại thu nhập cho gia đình, mô hình kinh tế của gia đình ông Lò Văn Sô đáng để bà con trong bản, xã học tập, làm theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!