Năng động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, anh Lò Văn Dũng, bản Nà Sành, xã Bó Mười, huyện Thuận Châu xây dựng được mô hình trồng cây ăn quả, phát triển chăn nuôi với thu nhập hơn 250 triệu đồng/năm.
Tham quan mô hình trồng cây ăn quả ở xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn. năm 2017, anh Dũng đã đầu tư 200 triệu đồng để chuyển đổi 2 ha đất nương trồng ngô, sắn sang trồng 1.300 cây bưởi da xanh, cam, xoài Đài Loan, nhãn; đầu tư 50 triệu đồng khoan giếng, mua đường ống để đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Vườn cây ăn quả được chăm sóc theo hướng hữu cơ, dùng phân chuồng ủ hoai mục, kết hợp nước thải từ bể biogas để tưới cho cây; sử dụng các chế phẩm sinh học trị các loại sâu bệnh, như: Nhện đỏ, sâu vẽ bùa, dày nâu hại lá, ruồi vàng chích quả... Sau 5 năm, cây cho thu hoạch với sản lượng 4 tấn quả bưởi, cam, giá bán 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình anh thu hơn 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, gia đình anh Dũng còn đầu tư xây dựng chuồng trại đúng quy cách để nuôi 5 con lợn sinh sản, rồi giữ lợn con lại nuôi lợn thương phẩm. Trung bình mỗi năm xuất bán 10 tấn lợn thương phẩm, trừ chi phí thu hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, còn nuôi 10 con bò nhốt chuồng, năm vừa qua, anh bán 4 con, thu 90 triệu đồng. Chất thải từ chăn nuôi được tận dụng làm phân bón tưới cho vườn cây ăn quả.
Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, anh Dũng chia sẻ kinh nghiệm cho một số hộ dân trong bản để chuyển đổi diện tích hoa màu không hiệu quả sang trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi bò, dê, bước đầu đã cho thu nhập.
Qua nhiều năm tích lũy, gia đình anh Lò Văn Dũng đã làm được ngôi nhà khang trang và mua được ô tô. Mô hình kinh tế tổng hợp của anh Dũng đã trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế của bản Nà Sành.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!