Vào những ngày cuối tháng 4, những ký ức tham gia chiến đấu, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của cựu chiến binh Quàng Văn Khôn, bản Tông, xã Chiềng Xôm (Thành phố) lại trào dâng bao cảm xúc trân trọng, tự hào.
Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình CCB Quàng Văn Khôn.
Ông kể lại: Tháng 8/1971, chàng trai trẻ Quàng Văn Khôn tự nguyện xin nhập ngũ khi mới 18 tuổi, ông được bố trí vào Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 tham gia chiến dịch giải phóng Cánh đồng Chum (nước CHDCND Lào). Đến tháng 9/1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đơn vị của ông đóng quân tại huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Ngày 10/2/1974, đơn vị ông được lệnh hành quân vào chiến trường Tây Nguyên, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật, sau đó tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Thật tự hào, ông Khôn kể tiếp: Quá trình hành quân vào Tây Nguyên rất gian khổ, chủ yếu là đi ban đêm, vừa hành quân vừa chiến đấu, với tinh thần quyết tâm cao là không sợ hy sinh, sau hơn 1 tháng đơn vị chúng tôi mới đến tỉnh Gia Lai. Rạng sáng ngày 3/3/1974, đơn vị của tôi được lệnh đánh vào các khu pháo binh, gia binh và thiết giáp của quân đội Mỹ, để giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật. Tại đây, đơn vị chia làm nhiều mũi tấn công, mỗi mũi có một chiếc xe tăng, nhưng thật không may xe tăng mũi tấn công của chúng tôi bị xa lầy, nhưng tôi và đồng đội vẫn chiến đấu ngoan cường từ 2h đến 16h và đánh chiếm được khu pháo binh, thiết giáp của địch. Quá trình chiến đấu, bộ đội không được nhóm bếp nấu cơm để tránh bị địch phát hiện, vì vậy, chúng tôi chỉ được ăn lương khô. Đến 10/3/1974, thị xã Buôn Mê Thuật đã được giải phóng hoàn toàn.
Nhấp ngụm trà, ông Khôn tiếp tục kể: Đến ngày 25/3/1974, đơn vị của chúng tôi tiếp tục nhận được lệnh thần tốc vào Tây Ninh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 26/4/1975, đơn vị của chúng tôi bắt đầu tấn công dồn dập vào tuyến phòng thủ của địch ở Trảng Bàng (Tây Ninh), tiến hành đón lõng địch tại khu vực giáp ranh với huyện Củ Chi (Sài Gòn). Trên tất cả các mũi, tinh thần chiến đấu diễn ra quyết liệt, suốt ngày đêm. Sau nhiều ngày chiến đấu gay go, quyết liệt, đến trưa ngày 30/4/1975, đơn vị nhận được tin báo, miền Nam đã được giải phóng, anh em chiến sĩ chúng tôi vui sướng, reo hò, hát vang... đó là những cảm xúc không thể nào quên.
Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đơn vị của ông về tiếp quản đóng quân tại huyện Bến Cát (Bình Dương), tháng 2/1976, đơn vị của ông rút ra Bắc đóng quân tại tỉnh Yên Bái, sau đó chuyển lên đóng quân tại Than Uyên. Đến tháng 12/1977, ông được xuất ngũ trở về quên hương. Nhưng đến tháng 8/1978, ông Khôn tái nhập ngũ, được phân về Tiểu đoàn 1 tại huyện Sông Mã. Đến tháng 12/1981, ông được xuất ngũ về địa phương.
Với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, trở về với gia đình, cựu chiến binh Quàng Văn Khôn tiếp tục góp sức xây dựng quê hương, trải qua nhiều chức vụ, công việc của xã và bản, như: Phó Ban Công an kiêm hộ tịch, hộ khẩu xã Chiềng Xôm; Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng Công an xã; 2 khóa làm Chủ nhiệm HTX bản Tông, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Trưởng Mặt trận Tổ quốc bản... Ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trong phát triển kinh tế, ông luôn tìm hiểu, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả trong khu vực. Năm 2012, ông cùng gia đình xây dựng mô hình kinh tế trang trại, chuyển dần diện tích trồng ngô, sắn sang trồng các loại loại cây ăn quả. Đến năm 2018, ông đã cùng với 2 con trai chuyển 1,4 ha đất sang trồng chanh leo, cây chanh hợp đất, hợp khí hậu đã phát triển tốt và cho thu hoạch hàng chục tấn/năm. Gia đình ông còn trồng 0,6 ha cây xoài, nhãn, cam, quýt, mận hậu, xen với cà phê... Ngoài ra, còn duy trì nuôi 3-5 con bò nhốt chuồng và nuôi lợn thịt, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Mô hình nuôi bò nhốt chuồng của gia đình CCB Quàng Văn Khôn.
Dũng cảm trong thời chiến, cống hiến hết sức lực để xây dựng địa phương trong thời bình, cựu chiến binh Quàng Văn Khôn là tấm gương sáng về lòng yêu nước, về ý chí và nghị lực phấn đấu vươn lên cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!