Thôn Hồng Ngài, xã Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) xa xôi, gian khó ngày trước, nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Có được sự đổi thay đó có phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ, đảng viên trẻ người dân tộc Mông, mà tiêu biểu là Vàng A Sáo - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Ngài.
Bí thư chi bộ Vàng A Sáo, dân tộc Mông (ngoài cùng bên trái) hướng dẫn dẫn bà con thôn Hồng Ngài thu hoạch sâm đất Hoàng Sin Cô. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Lên xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai), chúng tôi tìm đến thôn Hồng Ngài, cách trung tâm xã hơn 20km, những con đường lầy lội, gập ghềnh trước đây đã được thay bằng những con đường mới được nâng cấp, đổ bê tông thẳng tắp giúp đi lại thuận tiện hơn.
Thôn Hồng Ngài xa xôi, gian khó ngày trước, nay đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Có được sự đổi thay đó có phần đóng góp không nhỏ của những cán bộ, đảng viên trẻ người Mông, mà tiêu biểu là Vàng A Sáo - Bí thư Chi bộ thôn Hồng Ngài.
Chúng tôi vượt qua dốc Sim San, đến đầu thôn Hồng Ngài thì gặp Vàng Sáo đang miệt mài cùng bà con thu hoạch sâm đất Hoàng Sin Cô. Tiếng cười nói vang rộn một góc rừng xanh thâm nghiêm, nơi biên giới cực tây Lào Cai. Gặp chúng tôi, Vàng Sáo vồn vã: Năm nay được mùa sâm đất, lại có thêm đường mới thuận tiện, bán sâm đất dễ hơn và được giá nên bà con phấn khởi lắm!
Vàng Sáo là con trai ông Vàng Dùa, nguyên Bí thư chi bộ thôn Hồng Ngài. Nhớ năm nào, khi chúng tôi lần đầu tiên đi bộ đến Hồng Ngài, cậu bé Vàng Sáo còn vừa đi học phổ thông vừa giúp việc bố trồng rừng, trồng thảo quả, giờ đã được cán bộ, đảng viên tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, tiếp nối công việc của người bố năm nào. Thật mừng!
Hỏi chuyện về thôn, Bí thư chi bộ Vàng Sáo cho biết, Hồng Ngài hiện có 65 hộ với gần 350 nhân khẩu. So với trước, đời sống bà con ấm no hơn, diện mạo thôn cũng thay đổi nhiều nhờ những chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Nét nổi bật là hơn 2 km đường trục xã đã hoàn thành đổ bê tông. Thời gian tới, bà con đăng ký làm đường liên gia để đi lại thuận tiện hơn. Từ năm 2020 đến nay, trong thôn có 8 hộ xây nhà cấp 4 và nhà 2 tầng khang trang.
Anh Vàng A Sáo nhân rộng mô hình nuôi ngựa của gia đình. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Là thôn xa xôi nhất xã Y Tý, hiện nay Hồng Ngài vẫn còn 9 hộ nghèo. Nuôi con gì, trồng cây gì để đồng bào Mông nơi đây giảm nghèo bền vững, cho thu nhập cao? Câu hỏi này luôn thường trực trong suy nghĩ của Bí thư Chi bộ Vàng Sáo.
Anh chia sẻ: Trước đây, người dân Hồng Ngài sống nhờ thảo quả, khá giả cũng nhờ cây trồng này, có hộ thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm, nhưng mấy năm qua do ảnh hưởng của mưa tuyết nên cây bị chết nhiều, quả ít, giá lại thấp, nguồn thu từ thảo quả không cao như trước. Ngành lâm nghiệp cũng tuyên truyền bà con không mở rộng diện tích thảo quả để bảo vệ rừng, vì thế phải tìm cách chuyển đổi sang mô hình khác.
Ba năm trở lại đây, thấy người Mông ở Phìn Hồ, Phan Cán Sử, người Hà Nhì ở Mò Phú Chải, Lao Chải trồng cây sâm đất Hoàng Sin Cô bán được giá, Vàng Sáo tiên phong trồng thử nghiệm 3.000 mét vuông và thu được hơn 3 tấn củ, bán được hơn 20 triệu đồng. Năm 2019 và 2020, anh vận động bà con trong thôn trồng sâm đất, thu hoạch khoảng 70 tấn củ, bán được 500 triệu đồng. Nhờ nguồn thu này, hàng chục hộ dân ở Hồng Ngài thoát nghèo. Những năm tiếp theo, đồng bào Mông ở Hồng Ngài tiếp tục mở rộng diện tích trồng sâm đất với tổng diện tích khoảng 15 ha, dự kiến cho thu khoảng 150 tấn củ, đem lại nguồn thu lớn cho đồng bào nơi đây.
Không ngại khó khăn, Bí thư Chi bộ Vàng A Sáo đã phát huy được sự năng động, sáng tạo, chịu khó học hỏi, tiên phong làm gương và cổ vũ, động viên người dân vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống mới. Vợ anh là Sùng Thị Như, hiện là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Y Tý, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Hồng Ngài. Thuận vợ, thuận chồng, gia đình đảng viên trẻ Vàng Sáo từng bước vươn lên trở thành tấm gương sáng để bà con trong xã học tập và làm theo.
Bà con trong thôn Hồng Ngài cùng tham gia bảo dưỡng, phát quang đường giao thông liên thôn, tạo cảnh quan sạch đẹp để thu hút khách du lịch. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Sau những lần họp Chi bộ bàn kế thoát nghèo cho bà con, đúng lúc huyện Bát Xát phát động mô hình nuôi ngựa, thấy phù hợp với điều kiện ở Hồng Ngài, Vàng Sáo cùng với Trưởng thôn trẻ là Vàng A Sáu (sinh năm 1997) quyết tâm thực hiện mô hình này. Hai “lá cờ đầu” của thôn vận động thêm 3 thanh niên khác là Lý A Sì, Vàng A Trẻ, Vàng A Giống tham gia, vay 500 triệu đồng mua gần 20 con ngựa, sau đó làm chuồng trại đảm bảo an toàn cho đàn ngựa.
Gia đình Vàng Sáo hiện có 8 con trâu, 7 con ngựa, thu nhập hằng năm hơn 200 triệu đồng. Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình chăn nuôi của gia đình, Vàng Sáo bảo Hồng Ngài mùa đông rất lạnh, con ngựa chịu lạnh tốt hơn trâu, lại ít bị bệnh nên từ lâu đã được các gia đình người Mông nuôi để chở ngô, chở thóc.
Bí thư chi bộ Vàng A Sáo chia sẻ kinh nghiệm điển hình tiên tiến tại Hội nghị biểu dương “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” huyện Bát Xát năm 2023. Ảnh: Tuấn Ngọc |
Đến nay, toàn thôn Hồng Ngài có 80 con ngựa và 150 con trâu. Thời gian tới, cùng với duy trì số lượng đàn trâu, Sáo sẽ tích cực tuyên truyền bà con tập trung nuôi ngựa sinh sản và ngựa thịt để cung cấp cho thị trường. “Y Tý ngày càng phát triển du lịch, chắc chắn thịt ngựa, thịt trâu sẽ là món ăn đặc sản phục vụ du khách và mô hình chăn nuôi đại gia súc sẽ giúp đồng bào Mông có cuộc sống ấm no hơn”, Vàng Sáo khẳng định.
Buổi chiều muộn, hoàng hôn phủ một màu vàng như mỡ gà lên rừng núi Hồng Ngài và tiết trời trở lạnh hơn. Lúc chia tay Vàng A Sáo, nhìn ánh mắt đầy khát vọng giống như ngọn lửa đỏ và nụ cười tự tin của Bí thư chi bộ trẻ người Mông ở mảnh đất biên cương xa xôi, tin rằng những dự định, kế hoạch của anh sẽ trở thành hiện thực./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!