Huyện Mộc Châu hiện có 12 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có truyền thống văn hóa đặc trưng riêng, đây là tiềm năng để phát triển du lịch mang bản sắc văn hóa địa phương. Những năm qua, Mộc Châu đã và đang phát huy tốt thế mạnh đó để đưa văn hóa bản địa trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang sắc thái riêng của miền thảo nguyên xanh, tạo sức hút đối với du khách.
Du khách trải nghiệm múa sạp của dân tộc Thái tại điểm du lịch Happy Land (Mộc Châu).
Những điểm du lịch cộng đồng tại Mộc Châu thu hút khách du lịch không chỉ nhờ có cảnh quan đẹp, mà có cả sức hút từ văn hóa đặc sắc của cư dân bản địa. Những điểm đến như bản Áng (Đông Sang), bản Vặt (Mường Sang), bản Dọi (Tân Lập), ngay từ những ngày đầu xây dựng bản du lịch cộng đồng đã định hướng phát triển theo hướng phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ những nếp nhà sàn truyền thống, ẩm thực dân tộc, các điệu múa dân gian, lễ hội... đã phát huy trở thành điểm đến trải nghiệm về văn hóa dân tộc, tạo ấn tượng riêng với du khách. Trong đó, nổi bật là điểm du lịch cộng đồng bản Áng, với không gian văn hóa dân tộc Thái được phục dựng công phu và nhiều hoạt động mang tính chất quảng bá văn hóa dân tộc. Chị Lữ Thị Thuận, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch bản Áng cho biết: Tại bản Áng, không gian văn hóa Thái được phục dựng khá đầy đủ với nhà sàn truyền thống làm nơi dừng chân cho du khách, kết hợp với ẩm thực dân tộc Thái và các hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống như: Nhuộm vải từ cây cỏ tự nhiên, thêu dệt thổ cẩm, múa xòe, bán đồ lưu niệm và các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, như son môi và dầu dưỡng da từ hạt sachi... không chỉ tạo ấn tượng cho du khách mà còn hướng đến ngành du lịch thân thiện.
Những điểm du lịch cộng đồng là nơi hội tụ đầy đủ nhất văn hóa bản địa, trở thành một sản phẩm du lịch lấy văn hóa làm tiền đề cho sự phát triển. Đây chính là cơ sở cũng như động lực để Mộc Châu tiếp tục định hướng phát triển văn hóa địa phương trở thành sản phẩm du lịch thế mạnh của huyện. Hiện nay, Mộc Châu có 7 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đã được công nhận, đó là: Lễ hội Hết Chá và xòe Thái của dân tộc Thái; lễ cấp sắc và nghi lễ truyền thống trong đám cưới của dân tộc Dao; nghi lễ cúng dòng họ, múa khèn và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống của dân tộc Mông. Các lễ hội, nghi thức truyền thống được nghiên cứu, phục dựng kết hợp biểu diễn các chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc, tổ chức các trò chơi dân gian, giới thiệu văn hóa, nghề thủ công truyền thống... đã được tái hiện đầy đủ trong Ngày hội văn hóa các dân tộc Mộc Châu tổ chức vào dịp 2/9 hằng năm, trở thành “đặc sản” riêng có của du lịch Mộc Châu, quảng bá về mảnh đất và con người vùng thảo nguyên xanh; những bộ trang phục dân tộc đa sắc màu được sử dụng cho thuê phục vụ khách du lịch chụp ảnh lưu niệm tại các điểm đến... Cùng với đó, huyện còn ban hành bộ quy tắc ứng xử “Xây dựng nét đẹp văn hóa con người Mộc Châu”, nhằm xây dựng hình ảnh con người Mộc Châu thân thiện, mến khách. Đồng thời, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua việc mở các lớp đào tạo kỹ thuật thuyết minh, kỹ năng phục vụ, bồi dưỡng tiếng Anh cho người dân địa phương và những người làm trong lĩnh vực du lịch. Tăng cường kêu gọi các dự án, nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài đầu tư cơ sở vật chất, khôi phục cảnh quan. Tuyên truyền người dân các bản vừa phải biết trân trọng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thay đổi nhận thức, từng bước tiếp cận và mở các loại hình dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế, để quảng bá về mảnh đất, con người và văn hóa Mộc Châu đến với du khách.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Phát triển kinh tế du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển du lịch Mộc Châu vững chắc, khắc phục tính thời vụ. Để làm được điều đó, huyện đang tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc đến với du khách trong và ngoài nước bằng nhiều hình thức, tạo cơ sở để khôi phục du lịch Mộc Châu sau đại dịch COVID-19. Xây dựng kế hoạch bố trí nguồn kinh phí tương xứng cho các dự án bảo tồn di sản văn hóa, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa phát triển văn hóa và kinh tế. Tiếp tục khảo sát, đánh giá tiềm năng để phát triển các điểm du lịch cộng đồng, kết hợp với phát triển sản phẩm dịch vụ mang tính đặc trưng như tắm, xông lá thuốc tại homestay, sản xuất quà lưu niệm, dệt thổ cẩm, nông sản an toàn của địa phương, sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên... góp phần phát huy giá trị văn hóa truyền thống thành sản phẩm du lịch hút khách.
Đến Mộc Châu hôm nay, có thể thấy rằng, văn hóa bản địa của đồng bào các dân tộc nơi đây đã trở thành điểm nhấn đặc sắc, là yếu tố không thể thiếu để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là giải pháp để phát triển du lịch Mộc Châu theo hướng toàn diện và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!