Trải nghiệm Mường Chiên

“Bình minh lên, núi rừng Mường Chiên ơi... nơi non cao soi bóng mặt hồ, thuyền ngược xuôi noọng ơi, thương nhớ. Nhớ bến xưa Nghe Toỏng... vì dòng điện ngày mai lên quê mới. Xây phố mới ấm no đẹp tươi. Phiêng Lanh đó thắm nở ngàn hoa...”. Lời bài hát “Nỗi nhớ Mường Chiên” đưa chúng tôi về với Mường Chiên - phố huyện Quỳnh Nhai nhộn nhịp năm nào. Sau thực hiện chương trình di dân TĐC thủy điện Sơn La, Mường Chiên hôm nay chỉ còn 6 bản, nhưng vẫn giữ nguyên bản sắc của vùng đồng bào dân tộc Thái trắng, với nhiều lễ hội độc đáo và những ngôi nhà sàn truyền thống.

Điểm tham quan dọc suối Nặm Chiên, bản Bon, xã Mường Chiên (Quỳnh Nhai).

Từ bến Pá Uôn, ngược hồ thủy điện Sơn La trên những chiếc thuyền máy du lịch, sau hơn một tiếng lênh đênh trên mặt hồ mênh mang, điểm đến đầu tiên là cộc mốc đánh dấu huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ. Cột mốc được xây dựng trên đỉnh đồi truyền hình trước đây, nay nước dâng ngập cả quả đồi, chỉ còn nhô một phần lên mặt nước trên lòng hồ thủy điện. Phía xa là dãy núi Mường Chiên hùng vĩ, gợi nhớ về trung tâm huyện Quỳnh Nhai xưa.

Tiếp đến là bến thuyền bản Bon đang trong quá trình đầu tư xây dựng các hạng mục: Cổng chào, nhà chờ bến thuyền, kè ốp mái dưới nước, khuôn viên, đường dạo, đường xuống bến... bước đầu đã hình thành điểm du lịch hấp dẫn. Sau khi chuyển dân, diện tích đất canh tác nông nghiệp của bản bị thu hẹp, người dân ở đây đã dần chuyển hướng phát triển kinh tế trên vùng lòng hồ. Cùng với đó, các nghề thủ công như đan nón, dệt vải, rèn, làm đàn tính tẩu vẫn được duy trì, phát triển phục vụ đời sống và trao đổi, mua bán. Khai thác lợi thế có suối khoáng nóng, đặc trưng về văn hóa ẩm thực, văn hóa lễ hội, nếp nhà sàn truyền thống của người Thái trắng, người dân nơi đây đang từng bước đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, gắn với dịch vụ trên lồng hồ.

Ngay đầu bản Bon là cơ sở lưu trú của gia đình anh Điêu Văn Vỉnh có thể phục vụ khoảng 40 khách. Đến đây, ngoài được thưởng thức ẩm thực phong phú với các món như: Khẩu lam, khẩu háng, pa pỉnh tộp, pa dảng... du khách còn được hòa mình trong vòng xòe, thưởng thức tiếng đàn tính tẩu và sự gần gũi, thân thiện giàu lòng mến khách của người dân nơi đây. Anh Vỉnh cho biết: Ngoài những nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực, phong cảnh thiên nhiên, vào dịp cuối năm, du khách đến đây còn được trải nghiệm, khám phá những giá trị văn hóa với nhiều lễ hội độc đáo, đặc trưng của đồng bào Thái trắng, như: Lễ hội gội đầu được tổ chức hằng năm vào ngày 30 Tết (tức là ngày cuối cùng của năm cũ) với mong muốn rửa trôi, rũ bỏ những vất vả, bệnh tật, những điều không may mắn của năm cũ; cầu cho con người có sức khỏe, năm mới tốt lành, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...     

Đến điểm Du lịch cộng đồng bản Bon, du khách còn được thư giãn trong làn nước khoáng nóng dễ chịu hay đi dạo dọc con suối Nặm Chiên như xua tan đi những mệt nhọc, áp lực công việc hay ồn ào nơi phố xá; tận hưởng không khí trong lành, bình yên và không gian văn hóa đặc sắc của nếp nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái trắng. Chị Hoàng Thị Dung, Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng bản Bon thông tin: Năm 2018, HTX đã kêu gọi một số doanh nghiệp vào đầu tư. Hiện nay, HTX đã xây dựng được 4 phòng tắm cá nhân, 1 khu bể tắm tập thể; dựng các cọn nước, làm cầu tre bắc dọc con suối Nặm Chiên để du khách tham quan. Mặt khác, kết nối với HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel tổ chức các tour du lịch; duy trì hai đội văn nghệ phục vụ khách du lịch. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, HTX đã đón 30 đoàn khách du lịch, chủ yếu là từ Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội.

Trao đổi với ông Nguyễn Chí Thanh, Bí thư đảng ủy xã Mường Chiên, được biết: Tiềm năng du lịch ở Mường Chiên rất lớn, cần được đầu tư, khai thác. Theo quy hoạch về du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện Quỳnh Nhai xác định đẩy mạnh phát triển du lịch lòng hồ và du lịch cộng đồng. Theo đó, huyện chú trọng khảo sát xây dựng kế hoạch tôn tạo, quy hoạch khu vực suối nước nóng bản Bon; xây dựng quy hoạch chi tiết điểm du lịch cộng đồng tại bản Bon, bản Quyền, bản Hua Sát... Cùng với đó, xã kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào du lịch cộng đồng trên địa bàn từ các đơn vị, doanh nghiệp, như HTX Du lịch Quỳnh Nhai, Quỳnh Nhai Travel. Mặt khác, tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống văn hóa của các dân tộc; thành lập câu lạc bộ “Giữ gìn bản sắc dân tộc Thái trắng”; mô hình “Ẩm thực dân tộc”; giữ gìn, bảo tồn các trò chơi dân gian, những điệu múa truyền thống của người Thái trắng...

Tiềm năng du lịch phong phú đang là cơ hội để Mường Chiên bứt phá trong chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. Song, để Mường Chiên phát triển, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, người dân rất mong được các cấp, các ngành quan tâm, giúp đỡ, từng bước đưa Mường Chiên trở thành điểm du lịch hấp dẫn của Quỳnh Nhai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, tăng thu nhập cho đồng bào tái định cư.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng chấm Giải thưởng báo chí về xây dựng Đảng

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng chấm Giải báo chí về xây dựng Đảng, đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo và Hội đồng, thống nhất xếp loại các tác phẩm đoạt giải năm 2024.
  • 'Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào

    Dân tộc Lào sinh sống ở tỉnh Sơn La có khoảng 3.380 người, sinh sống chủ yếu ở một số địa phương dọc theo đường biên giới Việt Nam - Lào, trong đó nhiều nhất tại huyện Sốp Cộp và huyện Sông Mã. Nhà ở của người Lào là kiểu nhà sàn có hai mái dài và hai mái đầu hồi. 
  • 'Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Ban Dân vận Trung ương khảo sát việc thực hiện công tác dân tộc tại huyện Yên Châu

    Thời sự - Chính trị -
    Ngày 5/11, Đoàn khảo sát của Ban Dân vận Trung ương do đồng chí Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương làm Trưởng đoàn, đã khảo sát 5 năm thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới tại huyện Yên Châu.
  • 'Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Dự báo thời tiết toàn tỉnh Sơn La ngày 6/11/2024

    Bản tin thời tiết -
    Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Sơn La, trong 24 giờ tới, chịu ảnh hưởng của cao lạnh lục địa tăng cường, áp và độ ẩm tăng. Thời tiết: Nhiều mây, đêm có mưa, mưa rào và dông vài nơi, trời rét, vùng núi cao có nơi rét đậm, ngày có lúc giảm mây hửng nắng. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
  • 'Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 5/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu Luật Bình đẳng giới" năm 2024. Đây là một trong những nội dung tuyên truyền về Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
  • 'Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha

    Dân tộc La Ha là một trong các dân tộc ít người ở Sơn La, hiện có dân số khoảng 10.000 người, sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Mường La, Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mộc Châu. Dân tộc La Ha có ngôn ngữ riêng, họ sống cộng cư với người Thái Đen nên trong sinh hoạt hằng ngày, ngoài tiếng mẹ đẻ, đồng bào còn học và sử dụng tiếng Thái Đen để giao tiếp.