Trải nghiệm du lịch độc đáo Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu được ví như Đà Lạt của vùng Tây Bắc, phát huy và khai thác thế mạnh này, huyện Mộc Châu đã triển khai nhiều giải pháp, phát triển đa dạng các loại hình du lịch, tạo nên những nét riêng biệt của du lịch Mộc Châu, thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm...

Phục dựng, tái hiện Lễ hội Hết Chá tại bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Mộc Châu có những đặc điểm riêng biệt không phải nơi nào cũng có được, dù là mùa hè hay mùa đông, dù ngày sương mù trắng núi hay những ngày nắng vàng trải dài trên những đồi chè, vườn cây ăn quả... đều tạo cho du khách những ấn tượng đặc biệt. Cùng với đó, nhiều di tích, danh thắng đẹp như: Di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, Hang Dơi, ngũ động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa...  thu hút đam mê khám phá của nhiều du khách. Nơi đây còn là vùng đất sinh sống lâu đời của 12 dân tộc, mỗi dân tộc có nét riêng về văn hóa, lễ hội, phong tục, tất cả hoà chung để tạo nên một sản phẩm du lịch đặc trưng riêng biệt mang thương hiệu Mộc Châu. Để xây dựng được thương hiệu đó, huyện Mộc Châu đặc biệt quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc, trong đó chú trọng bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng, đặc biệt là điệu xòe Thái, nhảy tha kềnh, múa khèn của người Mông; nghề thủ công, mỹ nghệ dệt thổ cẩm, mây tre đan của các dân tộc. Đây cũng chính là lợi thế để Mộc Châu phát triển du lịch cộng đồng. Hiện, loại hình du lịch cộng đồng đã và đang hình thành tại nhiều bản của một số xã trên địa bàn huyện như: bản Áng (Đông Sang), bản Dọi (Tân Lập), bản Vặt (Mường Sang)... Đến và trải nghiệm, du khách được sống trong không gian văn hóa truyền thống, trong nếp ăn, ở, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần tạo điểm nhấn, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của Mộc Châu.

Thi hái chè tại Lễ hội trà cao nguyên năm 2019.

Những năm gần đây, những tiềm năng thế mạnh của Mộc Châu đều được gắn với các lễ hội xuyên suốt mọi mùa trong năm. Mùa xuân, cao nguyên náo nức với các Lễ hội hoa xuân, Hết Chá, Cầu mưa, Khinh khí cầu, đón hoa ban nở. Mùa hè, miền đất này bừng sáng trong màu xanh của những đồi chè, sắc đỏ của mùa mận chín, trong muôn màu của sắc hoa lan, cũng là lúc diễn ra Lễ hội hoa lan, Lễ hội trà cao nguyên và Lễ hội hái quả... độc đáo và riêng có, thu hút nhân dân các dân tộc và du khách đến tham quan, trẩy hội. Bước sang mùa thu, Mộc Châu nô nức trong Ngày hội văn hóa các dân tộc, với đa dạng các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, tôn vinh giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Mùa đông, là lúc cả Mộc Châu được phủ dày trong sắc trắng tinh khôi của hoa cải, sắc vàng của hoa dã quỳ... tô điểm thêm cho các sự kiện văn hóa, thể thao được tổ chức tại các bản văn hóa, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh, mời gọi du khách tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, vào mùa đông, trên miền thảo nguyên xanh này sẽ diễn ra một cuộc thi độc đáo, ấn tượng mà chỉ duy nhất Mộc Châu mới có: “Thi Hoa hậu bò sữa” - tham gia cuộc thi là hàng trăm “cô bò” của các hộ chăn nuôi tại cao nguyên Mộc Châu được đưa vào danh sách dự tuyển. Những “cô nàng” bò sữa đáp ứng các tiêu chí duyên dáng, đẹp mã và cho lượng sữa khổng lồ, chất lượng xuất sắc nhất được lọt vào vòng chung kết, cùng nhau tranh tài giành vương miện “Hoa hậu”.

Phát huy thế mạnh là vùng được quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng trồng rau, hoa lớn trong cả nước, huyện Mộc Châu đặc biệt chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi mỗi người nông dân trên mảnh đất này đồng thời là những người làm du lịch, phát triển du lịch. Bên cạnh đó, huyện còn đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, kết hợp giữa phát triển sản phẩm nông nghiệp với hoạt động du lịch và dịch vụ, như: Xây dựng mô hình thăm quan bò sữa, đồi chè; tham gia trồng, khai thác dịch vụ thăm quan hoa cải, hoa tam giác mạch, trồng đào, mận... Điển hình như: trang trại du lịch sinh thái Hồng Công; HTX hoa cảnh Cao Nguyên; Công ty Hoa Nhiệt đới; Hapy Land; Công ty Ligarden; HTX Rau tự nhiên; Dâu tây Chi Mi; Trang trại du lịch bò sữa Dairy farm...  đã và đang sản phẩm du lịch độc đáo thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.

Từ những hoạt động đa dạng, phù hợp xu thế, số lượng khách du lịch đến với Mộc Châu ngày càng tăng, chỉ tính từ đầu năm đến nay, lượng du khách đến đây ước khoảng trên 700 nghìn lượt người, doanh thu xã hội hơn 600 tỷ đồng. Với mục tiêu phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh và của vùng du lịch Trung du miền núi Bắc Bộ, huyện Mộc Châu tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo tồn các lễ hội, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển các loại hình sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh cao, phát huy tốt lợi thế về nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch, để thu hút ngày càng nhiều du khách đến thăm quan, khám phá Mộc Châu.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới