Bản Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, là nơi sinh sống của hơn 320 hộ đồng bào Mông, được chia thành hai bản Tà Số 1 và Tà Số 2. Với khí hậu mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, cùng những nét văn hóa dân tộc độc đáo được bà con chú trọng gìn giữ, bảo tồn, nên nơi đây đang thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh ghé thăm.
Toàn cảnh bản Tà Số.
Từ trục quốc lộ 6 rẽ lên Tà Số, con dốc quanh co lên bản dài hơn chục kilômet được rải bê tông khang trang từ năm 2019 khiến chặng đường bớt xa hơn. Ấn tượng đầu tiên khi bước chân vào bản là tấm biển làm bằng đá đón chào du khách đến với Tà Số rất chuyên nghiệp, được đặt ở lưng chừng núi với vị trí đẹp để du khách có thể ngắm và chụp ảnh toàn cảnh thung lũng rộng lớn. Vào bản, dễ dàng thấy những ngôi nhà gỗ của đồng bào dân tộc Mông được dựng theo kiểu truyền thống, ẩn khuất trong những vườn đào, vườn mận.
Tấm biển chào đón du khách đến với Tà Số khá ấn tượng.
Anh Mùa A Lu, cán bộ Ban công tác mặt trận của bản Tà Số 1 chở tôi đi tham quan bản bằng xe máy. Tôi như được thả hồn vào một không gian bình yên và tĩnh lặng, xa rời sự ồn ào của phố thị. Thật thoải mái khi được hít thở bầu không khí thật trong lành của cao nguyên Mộc Châu, cảm nhận cái se se lạnh của những cơn gió thổi mang theo hơi ẩm phảng phất của mây mù, một trong những đặc sản của cao nguyên Mộc Châu. Ở sân vận động của bản, những đứa trẻ mặc quần áo dân tộc đang thỏa sức nô đùa, chơi tulu, đám thanh niên thì đánh bóng chuyền hay đá bóng. Hòa trong màu xanh núi rừng và cảnh sắc thiên nhiên, những bộ váy áo sặc sỡ của đồng bào dân tộc Mông như tô điểm thêm cho vẻ đẹp của núi rừng.
Trẻ em ở Tà Số với những trò chơi dân gian.
Đến thăm gia đình anh Mùa A Phà, một trong những hộ làm du lịch cộng đồng ở bản Tà Số với ngôi nhà gỗ cổ 5 gian của ông nội để lại, được sắp xếp bài trí cùng các vật dụng sinh hoạt của một gia đình dân tộc Mông trước đây với nhiều đồ dùng sinh hoạt quen thuộc như cối giã gạo, gùi tre, khung dệt vải, quần áo dân tộc… Anh Phà cho biết: Hiện, mô hình du lịch cộng đồng của gia đình đang mang lại thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng/tháng; tạo công ăn việc làm cho 2 lao động.
Ngôi nhà gỗ cổ 5 gian của gia đình anh Mùa A Phà với nhiều vật dụng sinh hoạt của đồng bào Mông.
Bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động sinh hoạt thường ngày thì các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian cũng được bản Tà Số phục dựng và tổ chức, phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu của du khách, trong đó có việc duy trì và truyền dạy múa khèn Mông cho lớp trẻ để phục vụ biểu diễn du khách khi có nhu cầu. Bên cạnh đó, các hộ thực hiện vệ sinh môi trường, trồng nhiều loại cây, hoa tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp”, tự giác di rời chuồng trại gia súc ra xa nhà, đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ sinh hoạt để đón khách tham quan, lưu trú.
Các hộ dân ở Tà Số chăm sóc vườn mận để phục vụ du khách và nâng cao sản lượng cây trồng.
Ông Mùa A Lứ, Trưởng bản Tà Số 1, cho biết: Ở đây, người dân từ trẻ tới già quanh năm sống chủ yếu bằng nghề nông, đàn ông phát nương làm rẫy, đàn bà dệt vải thêu thùa nên việc lưu giữ những nét văn hoá, những lễ hội truyền thống và những nghề thủ công từ thời ông cha như làm giấy, rèn dao, dệt vải, in hoa văn bằng sáp ong… khá thuận lợi. Những hộ làm du lịch cộng đồng còn được tập huấn, truyền đạt kiến thức cơ bản về nghiệp vụ làm du lịch cộng đồng, như: Tổ chức kinh doanh các sản phẩm du lịch cộng đồng, tâm lý và kỹ năng giao tiếp trong phục vụ khách du lịch, đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại nhà, hướng dẫn tham quan cho khách du lịch.
Sau 2 ngày nghỉ cuối tuần ở Tà Số, anh Nguyễn Huy Anh và gia đình đang sắp xếp hành lý trở về Ninh Bình chuẩn bị cho tuần làm việc mới. Rất thích thú với những trải nghiệm tại bản Tà Số, anh Huy Anh, cho biết: Sau hai ngày, 1 đêm ở lại Tà Số, chúng tôi được lên rừng chụp ảnh tại vườn mận, vườn đào; tham gia đời sống sinh hoạt hàng ngày cùng gia đình chủ nhà, đặc biệt là được hưởng không gian rất yên bình và thơ mộng. Chúng tôi rất ấn tượng và thú vị với những trải nghiệm này và sẽ tiếp tục quay trở lại cùng bạn bè trong thời gian tới.
Tà Số có nhiều phong cảnh đẹp và thơ mộng.
Tiếp hành trình tham quan ở Tà Số, A Lu đưa tôi đến Hang Táu, một trong những địa điểm du lịch đậm nét hoang sơ đang được nhiều du khách tìm đến. Hang Táu trước kia là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng chừng 1ha với những triền đồi lúp xúp được phủ kín bởi những thảm cỏ xanh mướt, những hồ nước trong vắt giữa khung cảnh thiên nhiên, đồi núi vô cùng tuyệt đẹp của Tây Bắc.
Trước đây, đồng bào Mông Tà Số chỉ miệt mài canh tác trên núi cao, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ấy vậy mà, từ khi có chương trình phát triển du lịch cộng đồng, họ thay đổi hẳn nếp nghĩ, cách làm cũ chưa phù hợp. Bây giờ, con đường vào Hang Táu được mở rộng khang trang, gia súc được chăn thả ở khu vực riêng, cảnh quan thiên nhiên được bà con giữ gìn và chăm chút cẩn thận. Trung bình mỗi tháng, có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Tà Số nói chung, Hang Táu nói riêng.
Chăn nuôi đại gia súc ở Hang Táu.
So với các khu du lịch khác, mô hình du lịch cộng đồng ở Tà Số có nhiều điểm mới, để lại ấn tượng trong lòng du khách. Ngoài thân thiện, mến khách thì đó là xu hướng người dân tự đứng ra làm du lịch bằng chính các nền tảng văn hóa, cơ sở vật chất sẵn có của gia đình nên họ không bị áp lực nguồn vốn đầu tư và lượng khách tham quan; mô hình du lịch luôn mang đậm chất văn hóa và thấm đượm bản sắc dân tộc, đặc biệt là được gắn với các chương trình, dự án tạo sinh kế nông nghiệp cho người dân của huyện Mộc Châu.
Các vật dụng trong nhà nghỉ cộng đồng ở Tà Số luôn mang đặc trưng của văn hóa dân tộc Mông.
Ông Trần Dân Khôi, Bí thư huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Mộc Châu, cho biết: Để phát triển du lịch cộng đồng tại bản Tà Số theo hướng bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, huyện Mộc Châu tiếp tục ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất phụ trợ để thu hút khách du lịch. Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các hộ dân trong bản nhận thức rõ du lịch cộng đồng là ngành kinh tế có tính xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng dân cư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Vợ chồng anh Mùa A Lu, bản Tà Số 1 dọn dẹp các vật dụng trong nhà chuẩn bị đón khách du lịch.
Với điều kiện vị trí thuận lợi, không gian cảnh quan môi trường và khí hậu trong lành, những bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Mông đang là những lợi thế quan trọng để Tà Số đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Với sự quan tâm đầu tư của huyện Mộc Châu, sự nỗ lực của các hộ dân trong việc nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp gắn với giữ gìn nét văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian của các dân tộc, tin tưởng du lịch ở Tà Số sẽ ngày càng phát triển, là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!