Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020

Ngày 23/12, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức hội thảo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020.

Khách quốc tế tham quan Việt Nam.

Tại hội thảo, Tổng cục Du lịch cho biết, trong 5 năm qua, việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch luôn đảm bảo sự nhất quán với quan điểm phát triển. Đặc biệt ngành du lịch đã chú trọng phát triển theo chiều sâu đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh...

 

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, năm 2011, ngành Du lịch đã đón được hơn 6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ 30 triệu lượt khách nội địa; năm 2014 đón gần 7,9 triệu lượt khách quốc tế và 38,5 triệu lượt khách nội địa; trong 11 tháng đầu năm 2015 đón được gần hơn 7 triệu khách quốc tế và 53,8 triệu lượt khách nội địa. Tốc độ tăng trưởng trung bình khách quốc tế giai đoạn 2011-2015 xấp xỉ 5,7%/năm, khách nội địa đạt khoảng 16,3%/năm. So với mục tiêu Chiến lược đặt ra (năm 2015 đạt từ 7 - 7,5 triệu lượt quốc tế; 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa) thì chỉ tính đến tháng 11 năm 2015 ngành Du lịch thực hiện vượt mức 6,7% khách quốc tế và khách nội địa vượt 46%. Tổng thu từ du lịch tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 25%/năm (cao hơn giai đoạn trước). Tốc độ tăng trưởng bình quân số buồng trong các cơ sở lưu trú đạt gần 16%/năm. Số lao động trong ngành du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) tăng trưởng bình quân 13,4%, chiếm 2,5% trong tổng số lao động trong cả nước.

 

Thị trường khách du lịch giai đoạn 2011-2015 phát triển cơ bản phù hợp với định hướng Chiến lược. Các thị trường gần như Đông Bắc Á, ASEAN trong khoảng 2-3 năm trở lại đây tuy có biến động nhưng nhìn chung vẫn tăng và chiếm tỷ trọng lớn trong lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Thêm vào đó, năm 2015, việc áp dụng  miễn thị thực trong thời hạn 15 ngày cho khách du lịch đến từ Pháp, Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý, Bêlarút đã góp phần gia tăng khách du lịch từ các thị trường được xác định truyền thống trong Chiến lược và làm cho thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dần ổn định trở lại.

 

Thị trường khách du lịch nội địa liên tục tăng trưởng bình quân đạt 16,3%/năm. Đây là mức tăng trưởng khá ấn tượng, phản ánh nhu cầu đi du lịch rất lớn của khách du lịch nội địa cũng như khả năng đáp ứng của ngành Du lịch. Điều này cũng có ý nghĩa quan trọng đối với ngành Du lịch trong bối cảnh thị trường khách du lịch quốc tế có những biến động bất thường. 

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng cục Du lịch cũng nhận định, trong 5 năm qua năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn thấp và chuyển biến chưa nhiều (hiện xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philipines). Mức tăng hạng cạnh tranh thấp hơn nhiều so với các nước lân cận, năm 2014 Việt Nam tăng 5 bậc nhưng Malaysia tăng 9 bậc, Thái Lan tăng 8 bậc, Indonesia tăng 20 bậc, Philippines tăng 8 bậc…

 

Bên cạnh đó, phát triển du lịch Việt Nam vẫn chứa đựng các yếu tố thiếu bền vững. Môi trường du lịch còn nhiều vấn đề bức xúc. Thời gian qua, công tác triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện môi trường du lịch tại một số địa phương. Tuy nhiên, nhiều nhiệm vụ đặt ra trong Chỉ thị vẫn chưa được triển khai hiệu quả, nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Trong đó phải kể đến tình trạng chặt chém, phá giá, lừa đảo, đeo bám, ép khách; nạn ăn xin và ăn cắp vặt; vệ sinh ăn uống và an toàn thực phẩm; vệ sinh môi trường, trong đó có vấn đề nhà vệ sinh cho khách du lịch...

 

Mặt khác, việc phát triển sản phẩm chưa đạt yêu cầu, còn thiếu những sản phẩm du lịch đặc thù mang bản sắc riêng của Việt Nam; sản phẩm còn kém sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế và do vậy khó thu hút được thị trường khách có khả năng chi trả cao; chưa có những thương hiệu du lịch nổi bật. Công tác quảng bá, xúc tiến chưa có sự chuyến biến mang tính đột phá, chưa tương xứng với yêu cầu của phát triển du lịch. Thiếu văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài ảnh hưởng đến thông tin và hỗ trợ du khách trong việc tìm kiếm thông tin và lựa chọn các điểm đến du lịch Việt Nam.

 

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch để tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các Ban, Bộ, ngành các bên liên quan và sự đồng thuận của cộng đồng. Tập trung quản lý điểm đến và chất lượng du lịch. Xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện, môi trường trong sạch và hiếu khách thông qua việc tăng cường năng lực quản lý nhà nước về du lịch từ Trung ương tới địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành; hình thành hệ thống kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ để giải quyết triệt để những vấn nạn “chặt chém” hay “phá giá” trong kinh doanh du lịch cũng như nâng cao trách nhiệm gìn giữ và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện luật, chính sách, cơ chế nhằm tháo gỡ rào cản cho phát triển du lịch, sớm hoàn thiện công tác sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch; thực hiện chính sách tạo thuận tiện hơn về thị thực nhập cảnh như xem xét mở rộng miễn thị thực cho công dân các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, thị trường khách trọng điểm, thị trường khách tiềm năng.../.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới