Khai thác tiềm năng từ yếu tố văn hóa – lịch sử địa phương được xem là giải pháp song hành quan trọng cùng với phát huy lợi thế về cảnh quan và đầu tư hạ tầng đồng bộ để phát triển du lịch Sơn La. Để làm được điều đó, việc “thổi hồn” cho các sản phẩm du lịch địa phương bằng những câu chuyện gắn liền với miền đất, con người là điều mà những người làm du lịch cần phải quan tâm.
Khai thác tiềm năng du lịch văn hóa – lịch sử
Du lịch những năm gần đây có sự “lên ngôi” của các loại hình du lịch văn hóa – lịch sử. Khách du lịch khi đến một vùng đất mới không chỉ để được tận mắt chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, khí hậu hay các dịch vụ du lịch sẵn có mà còn muốn được lắng nghe, tìm hiểu về văn hóa, những câu chuyện lịch sử gắn liền với miền đất mà họ đặt chân đến. Sơn La cũng không nằm ngoài xu hướng đó, du lịch Sơn La cũng đang phát triển dựa trên phát huy tiềm năng và thế mạnh của văn hóa, lịch sử, con người của một miền đất vốn giàu truyền thống.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói: Sơn La có 12 dân tộc sinh sống lâu đời với bề dày truyền thống văn hóa lịch sử, đặc biệt là kho tàng truyện cổ dân gian phong phú, các truyền thuyết, sự tích ly kỳ, hấp dẫn gắn liền với tên tuổi của những vùng đất, con sông, ngọn núi, bản làng. Đó là những nét đặc trưng có khả năng thu hút đặc biệt đối với khách du lịch khi được vận dụng một cách phù hợp và khéo léo, giúp cho các loại hình du lịch văn hóa gắn với khu vực nông thôn, bản làng, những lễ hội truyền thống dân tộc ở khắp mọi nơi phát triển.
Sơn La hiện có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh thuộc các loại hình di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh. Toàn tỉnh có 15 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, “Nghệ thuật Xòe Thái” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Những năm qua, cùng với các khu, điểm du lịch mang tính chuyên nghiệp, hiện đại được hình thành ở Khu du lịch quốc gia Mộc Châu và một số địa phương khác trong tỉnh thì các điểm du lịch văn hóa – lịch sử - tâm linh cũng đã và đang dần khai thác được thế mạnh riêng trong thu hút du khách.
Bà Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Du khách đến với Mộc Châu nói riêng, khu du lịch quốc gia Mộc Châu nói chung không chỉ bởi yêu thích khung cảnh thơ mộng, khí hậu trong lành mà còn ấn tượng về mảnh đất giàu văn hóa truyền thống và mến khách. Bởi vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc và phát triển nông nghiệp xanh được xác định là 2 nền tảng chính trong định hướng phát triển du lịch bền vững của huyện Mộc Châu.
Những câu chuyện về văn hóa – lịch sử đã giúp tạo nên “cái hồn” cho các miền đất du lịch. Phát huy thế mạnh từ giá trị truyền thống và làm sao để những câu chuyện xưa được “thổi hồn” vào các sản phẩm du lịch địa phương một cách tinh tế và khéo léo là điều mà mỗi người làm du lịch phải đau đáu tìm hiểu và đặt kỳ vọng để hiện thực hóa trên thực tế.
Những tích chuyện thu hút du khách
Không ít điểm du lịch tại Mộc Châu đã và đang khai thác và phát huy tốt tiềm năng từ những câu chuyện văn hóa – lịch sử đưa vào một số sản phẩm du lịch đặc trưng làm yếu tố thu hút du khách. Những tích chuyện xưa mang yếu tố ly kỳ, hấp dẫn giải thích cho những hiện tượng, hiện vật ở hiện tại có khả năng kích thích trí tò mò của du khách, khiến họ muốn được đặt chân đến miền đất sản sinh ra những câu chuyện ấy để được tận mắt chứng kiến và kiểm chứng hiện thực câu chuyện ở thời nay.
“Pha Luông” theo tiếng Thái có nghĩa là “rồng trời” hay “con vật thiêng của trời”. Trên đỉnh Pha Luông có một điều vô cùng đặc biệt, trên đó hiện vẫn còn một hòn đá to hình quả trứng. Trên đá có khắc một hình con rồng theo hướng bay thẳng lên trời. Không ai biết hình vẽ đó có từ bao giờ nhưng với đồng bào Thái, Mông sinh sông gần khu vực này luôn coi đỉnh Pha Luông là chốn linh thiêng, điểm hẹn của trời và đất mà ai ai cũng dành tình cảm tôn quý, ngưỡng vọng và bảo vệ vùng đất này”. Đó là câu chuyện xưa được anh Đinh Hồng Phúc, Giám đốc điều hành Công ty CP Du lịch Pha Luông, huyện Mộc Châu đưa vào lời dẫn khi nói với du khách về đỉnh Pha Luông.
Anh Phúc cho biết thêm: Cứ 10 người khi được nghe tôi kể câu chuyện về đỉnh Pha Luông thì cả 10 người đều tò mò và muốn được đi đến đó ngay. Hay huyền tích về thác Dải Yếm nói về “sại penh” – sợi dây tình yêu vắt ngang trời cũng của đồng bào Thái giúp cho điểm du lịch này không chỉ đẹp về cảnh quan mà còn có “hồn” và trở thành điểm đến ý nghĩa khi du khách đặt chân đến.
Khu du lịch quốc gia Mộc Châu còn có rất nhiều điểm đến, các di tích gắn với những câu chuyện xưa đặc biệt thu hút. Đó là truyền thuyết về con rồng thiêng từng trú ngụ ở đất Mộc Châu nhả 7 viên ngọc cảm tạ hình thành 7 ngọn núi hướng về đầu rồng là Động Sơn Mộc Hương (hang Dơi) ngày nay. Hay sự tích thác Nàng Tiên nói về 2 cô gái Thái có công với bản mường gắn với lễ hội Hoa Ban tại xã Chiềng Khoa, Vân Hồ. Câu chuyện về Đoàn quân Tây Tiến và bài thơ nổi tiếng của tác giả Quang Dũng gắn với di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Mộc Châu…
Mỗi miền đất ở Sơn La đều gắn với những câu chuyện, truyền thuyết ly kỳ, giải thích cho các hiện tượng tự nhiên, sự hình thành những địa danh mang yếu tố văn hóa – lịch sử trường tồn. Tại Mường La nay vẫn còn “Truyền thuyết khâu Sam Síp” (truyền thuyết của dân tộc Thái trắng Ngọc Chiến) kể về câu chuyện tình yêu nơi thượng nguồn sông Đà của đôi trai gái vượt qua định kiến về giai cấp để đến với nhau, lập bản, dựng mường ở miền đất thơ mộng, tuyệt đẹp là xã Ngọc Chiến ngày nay.
Hay tại Quỳnh Nhai nay vẫn còn Đền thờ nàng Han là cơ sở xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh thu hút đông đảo du khách đến dâng hương, thưởng ngoạn cảnh đẹp thơ mộng vùng lòng hồ. Chị Điêu Thị Thảo Hạnh, hướng dẫn viên tại Khu du lịch văn hóa tâm linh huyện Quỳnh Nhai, nói: Du khách khi đến đây đều muốn được nghe truyền thuyết về Nàng Han, vị nữ tướng tài ba, xuất chúng của dân tộc Thái có công dẹp giặc, giữ bình yên cho bản mường. Đó cũng là niềm tự hào của người dân Quỳnh Nhai về lịch sử quê hương mình.
Không chỉ có vậy, những người làm du lịch ngày nay còn khai thác tích chuyện xưa để đưa vào những sản phẩm quà tặng du lịch. Trong đó có thể kể đến câu chuyện về sản phẩm “Bia Tây Bắc vị hạt dổi mắc khén”. Khai thác tích chuyện đôi trai gái yêu nhau vì chiến tranh mà ly tán, chàng trai ở miền xuôi hóa thành cây dổi cao vút hướng về Tây Bắc xa xôi. Cô gái hóa thành cây mắc khén gai góc, mỏng manh đợi chờ người mình yêu trở lại. HTX Đặc sản Tây Bắc – Mộc Châu đã khéo léo kết hợp nguyên liệu trong chế biến và lồng ghép câu chuyện tình yêu vào một sản phẩm lưu niệm hiện đã có mặt tại nhiều cửa hàng, được du khách yêu thích và lựa chọn.
“Thổi hồn” cho sản phẩm du lịch
Sức hút từ những câu chuyện văn hóa – lịch sử ở mỗi điểm đến là điều không thể phủ nhận. Song để những cây chuyện ấy thực sự “thổi hồn” cho các sản phẩm du lịch một cách tinh tế, khéo léo và chuyên nghiệp là điều mà những người làm du lịch đang từng ngày đau đáu tìm hiểu.
Hội thảo “Nâng tầm và tạo sự thu hút khách du lịch cho các khu, điểm du lịch trong Khu du lịch quốc gia Mộc Châu thông qua việc sưu tầm và biên dựng các câu chuyện, lời dẫn mang tính biểu trưng của văn hóa du lịch” do Hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã mở màn cho việc khuyến khích khai thác, phát huy những câu chuyện “xưa” vào du lịch hiện tại. Tại Hội thảo, đã có nhiều tham luận, góp ý của các đại biểu là những nhà nghiên cứu, các công ty dịch vụ du lịch đã cùng thảo luận, phân tích, đánh giá về sự cần thiết của việc đưa các câu chuyện văn hóa – lịch sử vào sản phẩm du lịch địa phương.
Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Thúy, Giảng viên khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc, chia sẻ: Tiêu chí để xây dựng một câu chuyện gắn với sản phẩm du lịch là câu chuyện đó phải có nguồn gốc chân thực, được sưu tầm trong đời sống và tâm thức của đồng bào, mang “cái hồn” của chủ nhân sản phẩm du lịch. Thông qua câu chuyện, du khách có thể hình dung được nguồn cội của dân tộc, đặc trưng của văn hóa và cộng đồng người. Chính vì thế, việc biên dựng các câu chuyện phải có cơ sở khoa học và đáp ứng đúng với thị hiếu, nhu cầu của du khách.
Nói về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, sưu tầm các câu chuyện “xưa” đưa vào du lịch, ông Hoàng Trí Thức, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng: "Thổi hồn" cho các sản phẩm du lịch bằng câu chuyện văn hóa, lịch sử là điều vô cùng cần thiết. Trong khi đó, hiện nay những người nắm được lịch sử, văn hóa từ thời xa xưa không còn nhiều. Vậy nên việc sưu tầm, biên dựng câu chuyện gắn với du lịch cần phải tiến hành sớm để khai thác hiệu quả những giá trị ngàn đời cho phát triển du lịch bền vững.
Xác định rõ tầm quan trọng, giá trị của yếu tố câu chuyện văn hóa – lịch sử đối với phát triển du lịch sẽ là cơ sở để tạo định hướng đúng đắn trong xây dựng các sản phẩm du lịch khác biệt, chuyên nghiệp và hấp dẫn sau này. Từ đó để hình thành nên những điểm đến không chỉ đẹp trong con mắt của du khách mà còn có sức sống, có “hồn” để có thể chạm sâu đến tình cảm của những người phương xa, giúp du lịch Sơn La ngày càng thân thiện và mến khách.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!