Mộc Châu vốn nổi tiếng là xứ sở của chè và bò sữa, có cao nguyên rộng với độ cao 1.050 m so với mặt nước biển. Huyện Mộc Châu được chia thành 4 vùng: Cao nguyên Mộc Châu, vành đai cao nguyên Mộc Châu, vùng sông Đà và vùng cao biên giới.
Lễ hội Khinh khí cầu trên cao nguyên Mộc Châu.
Mộc Châu là vùng khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, thuận lợi, để du khách đến nghỉ dưỡng, thưởng ngoạn các điểm danh thắng hệ thống hang động bản Ôn, thác Dải Yếm, đỉnh Pha Luông, khu hồ sinh thái rừng thông bản Áng, đồi chè, vườn đào, vườn mận, trang trại chăn nuôi bò sữa...
Phong tục tập quán đa dạng với lễ hội của người Mông, nét văn hóa người Mường và nếp sống của đồng bào Thái nơi đây luôn hấp dẫn du khách, nhất là dịp Ngày hội văn hóa các dân tộc được tổ chức từ ngày 30/8 đến ngày 2/9, Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu Mưa được tổ chức vào tháng 3, Hội trà cao nguyên Mộc Châu tổ chức vào tháng 4; Ngày hội hái quả tổ chức vào tháng 5; Hội hoa xuân tổ chức vào dịp tết Nguyên Đán hằng năm... Mộc Châu có các di tích lịch sử văn hoá, tâm linh, như: Chùa Vặt Hồng; Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến; Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu; Di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân Nông trường Mộc Châu; Di tích lịch sử bia căm thù Km 70; Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ...
Sự đa dạng, phong phú về văn hóa, cùng sự hòa đồng giữa thiên nhiên với con người chính là thế mạnh của du lịch vùng cao nguyên nơi đây. Với những thế mạnh đó, Mộc Châu có những lợi thế vượt trội so với nhiều địa phương khác trong tỉnh và được quy hoạch là một trong 46 khu du lịch Quốc gia. Hiện nay, Mộc Châu đang phát triển nhiều sản phẩm du lịch, như: du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, cộng đồng, tâm linh... Cùng với đó, huyện tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xúc tiến quảng bá du lịch, do đó, hoạt động du lịch đang phát triển nhanh. Năm 2016, lượng khách đến Mộc Châu đạt trên 1.050.000 lượt người, tăng 40% so với năm 2015, trong đó, có khoảng 50.000 lượt khách quốc tế. Khách du lịch đến Mộc Châu thường lưu lại 2 ngày, 1 đêm vào các dịp nghỉ cuối tuần; đối với khách nước ngoài thường lưu lại từ 3 ngày trở lên, chủ yếu tại các bản du lịch cộng đồng; lượng khách nghỉ lại chiếm trên 75%; chi tiêu bình quân 1 khách du lịch khoảng 900.000 đồng; doanh thu về du lịch đạt trên 950 tỷ đồng. Khách du lịch thường mua sắm các sản phẩm của địa phương, như: các loại hoa, chè, sữa, rau, các loại hoa quả và một số đặc sản, sản phẩm thủ công khác... Hạ tầng du lịch cũng được nâng cấp, Mộc Châu đang có 135 cơ sở lưu trú, trong đó, có 1 khu resort, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao và nhiều nhà nghỉ; có trên 100 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 1.242 phòng, 2.539 giường và 10 doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá đa dạng, giàu bản sắc của các dân tộc, các hoạt động văn hóa đặc trưng để phục vụ du khách, như: Lễ hội Cầu mưa, Lễ hội Hết Chá, Ngày hội hái quả, Ngày hội văn hoá các dân tộc, Hội thi hoa hậu Bò sữa, Hội trà Cao nguyên, Hội hoa xuân... được tổ chức hằng năm.
Hiện nay, công tác chỉnh trang đô thị Mộc Châu đang được quan tâm, đẩy mạnh. Một số dự án như tu sửa hè đường 2 thị trấn; trồng cây xanh dọc các tuyến phố; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường nội thị, tiểu công viên, điện chiếu sáng... đang được đầu tư đồng bộ. Hệ thống đường bộ trên địa bàn huyện có tổng chiều dài trên 733 km, trong đó quốc lộ trên 113 km, đường tỉnh 37,3 km, đường cấp huyện gần 80 km còn lại là đường giao thông nông thôn với 503 km. Các tuyến đường trên cơ bản được đầu tư nhựa hoá; các tuyến đường bản, tiểu khu từng bước được đầu tư bê tông hóa. Với việc đầu tư đồng bộ như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch ngày càng phát triển.
Trong thời gian tới, cùng với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng cụm tương hỗ nông sản chất lượng cao, Mộc Châu quyết tâm xây dựng khu du lịch Quốc Gia Mộc Châu, với định hướng phát triển không gian du lịch theo hướng: Khu trung tâm du lịch và các khu, điểm du lịch vệ tinh, bao gồm khu trung tâm du lịch sinh thái, khu vui chơi giải trí cao cấp, khu nghỉ dưỡng cao cấp; các khu, điểm du lịch vệ tinh; các khu bản văn hóa cộng đồng, gắn với việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Tập trung mời gọi các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giữa các khu, điểm du lịch của huyện. Tăng cường đầu tư phát triển đô thị, từng bước hiện đại kết cấu hạ tầng KT-XH, đô thị và nông thôn, gắn phát triển kinh tế với nâng cao chất lượng sống của nhân dân...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!