Dự án “Tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một số giống tre trúc lấy măng kết hợp tạo cảnh quan phát triển du lịch tại huyện Vân Hồ” được triển khai đã và đang góp phần tạo sinh kế cho người dân, tạo cảnh quan, gìn giữ, phát triển rừng bền vững.
Dự án do Trường cao đẳng Sơn La phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Vân Hồ triển khai thực hiện từ năm 2020. Dự án nghiên cứu, tuyển chọn giống tre trúc phù hợp cho măng và tạo cảnh quan môi trường; xây dựng mô hình; hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, trồng, canh tác. Nhóm nghiên cứu đã tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo lấy ý kiến đóng góp, đề xuất thêm những giải pháp phát triển mô hình trồng tre trúc hiệu quả.
Dự án được triển khai thử nghiệm với quy mô gần 2 ha tại xã Vân Hồ và Chiềng Yên. Qua quá trình điều tra thực địa, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 4 loài tre trúc cho măng và làm cảnh quan; gồm lành hanh, măng đắng, mạy hốc và bương phấn.
Bà Hoàng Thị Hồng Nghiệp, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: Theo khảo sát, diện tích rừng thuần loài tre trúc tại huyện Vân Hồ có 3.180 ha, phân bố hầu hết các xã, nhưng chủ yếu trồng tự phát, phân tán. Việc canh tác tre trúc chưa được chú trọng, chưa áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh, dẫn đến năng suất, chất lượng măng thấp. Bên cạnh đó, việc gây trồng tre trúc nhằm mục đích tạo cảnh quan chưa được chú ý. Vì vậy, dự án triển vọng sẽ tạo sinh kế cho người dân và tạo cảnh quan gắn với phát triển du lịch, mang lại thu nhập từ 60-100 triệu đồng/ha.
Tại bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, cây tre trúc mới chỉ được trồng thuần túy để lấy măng và làm nguyên liệu phục vụ sinh hoạt, chưa tham gia vào hoạt động du lịch. Nhóm nghiên cứu đề tài đã xây dựng mô hình cảnh quan tre trúc phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng dân tộc Dao gắn với định hướng phát triển du lịch cộng đồng, với diện tích tổng thể hơn 8.000 m2, trong đó 4.000 m2 cảnh quan tre trúc. Dự án đã hỗ trợ tư vấn kỹ thuật thiết kế đường đi bao quanh khuôn viên mô hình, xây dựng nhà truyền thống dân tộc Dao. Đây là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng gắn kết bản làng với cảnh quan thiên nhiên.
Anh Bàn Văn Tranh, bản Suối Lìn, xã Vân Hồ, chia sẻ: Cây tre trúc gắn liền với đồng bào dân tộc từ lâu đời. Trước đây, tôi và bà con trong bản trồng tre trúc bằng gốc, đào từ rừng nên tỷ lệ sống thấp, cây sinh trưởng chậm. Từ khi được hướng dẫn trồng bằng phương pháp hom cành, tỷ lệ sống của cây đạt 90%. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ xử lý thực bì, tỉa cây già cỗi, cong queo, sâu bệnh, bón phân, xử lý thuốc mối... Nhờ vậy, diện tích tre phát triển tốt; sản lượng măng thu hoạch được nhiều hơn gấp 3-6 lần so với trước đây. Hiện nay, 2 ha tre trúc của gia đình tươi tốt quanh năm, làm nguyên liệu, tạo ra nhiều đồ thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm cho khách du lịch tại nhà truyền thống dân tộc Dao, góp phần nâng cao thu nhập.
Chị Nguyễn Thu Hương, du khách đến từ Hà Nội, chia sẻ: Qua tìm hiểu, huyện Vân Hồ không chỉ có nhiều di tích, thắng cảnh đẹp mà còn có nhiều nét văn hóa dân tộc độc đáo. Đặc biệt khi được tham gia hoạt động thăm quan khu rừng tre trúc, chính tay trải nghiệm làm đồ thủ công từ vật liệu tre, chúng tôi thấy rất thú vị, vừa gần gũi với thiên nhiên, lại mang đậm bản sắc dân tộc.
Còn tại xã Chiềng Yên, mô hình khai thác măng tre gắn với định hướng phát triển du lịch sinh thái cũng đang được hình thành. Ông Bùi Văn Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Yên, cho biết: Với sự tư vấn, hướng dẫn của nhóm đề tài, người dân nơi đây đã dần thay đổi nhận thức, bên cạnh việc trồng tre trúc, bà con đã biết lựa chọn một số loài tre trúc để trồng, nhân rộng; dọn dẹp khuôn viên rừng tre làm cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Từ những sườn đồi trơ sỏi đá, hay những bụi cây cỏ rậm rạp, đến nay đã phủ một màu xanh mát của rừng tre trúc, tạo không gian hài hòa, gần gũi với thiên nhiên, góp phần thay đổi cảnh quan, phục vụ sinh hoạt văn hóa cộng đồng gắn với phát triển du lịch bền vững cho địa phương.
Kết quả bước đầu của Dự án là cơ sở để huyện Vân Hồ nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả của cây tre trúc gắn với du lịch cộng đồng, tạo không gian trải nghiệm cho du khách tới tham quan, tìm hiểu nét đẹp bản sắc văn hóa của địa phương gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, tạo sinh kế lâu dài cho người dân, tạo ra giá trị hàng hóa cao và quảng bá sản phẩm măng của các loại tre trúc trên thị trường.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!