Hiệp hội Du lịch Việt Nam vừa tổ chức khảo sát du lịch tại Sơn La trong khuôn khổ Chương trình kích cầu du lịch nội địa và khảo sát du lịch vùng Tây Bắc. Đây là cơ hội, “cầu nối” giữa du lịch Sơn La với các chuyên gia, doanh nghiệp du lịch đến từ 3 miền Bắc, Trung, Nam - lực lượng trực tiếp khai thác tour, tuyến và sản phẩm du lịch; qua đó, xây dựng những gói sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, tạo điểm nhấn du lịch cho vùng.
Các dịch vụ tại khu du lịch Phượng Hoàng, bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu).
Dừng chân tại cao nguyên Mộc Châu sau hành trình hơn 1.800 km, anh Trần Anh Luân, đại diện Công ty TNHH Dấu ấn Việt (VIETMARK) đến từ Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt ấn tượng với khung cảnh hùng vĩ mà nên thơ của vùng đất cao nguyên; những lớp sương nhẹ sau hoàng hôn với khí hậu mát mẻ khác với nơi anh sống, cùng những món ăn độc đáo, đậm nét văn hóa dân tộc của vùng đất này. Anh Luân cho biết: Đơn vị chuyên khai thác những sản phẩm, thị trường du lịch kết hợp teambuilding (xây dựng đội ngũ) - là khóa học hoặc cuộc thi với các trò chơi, trải nghiệm, tổ chức theo hình thức tập thể. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy Sơn La có nhiều địa điểm phù hợp để mở sản phẩm du lịch theo hình thức teambuilding kết hợp rừng. Tin rằng, đây sẽ là điểm đến mới thú vị được khách hàng của tôi lựa chọn khám phá, trải nghiệm.
Du khách trải nghiệm hái dâu tây tại bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu).
Ảnh: PV
Còn ông Tô Đình Trung, Phó giám đốc Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Việt Nam, chia sẻ: Sơn La là một trong những điểm du lịch còn khá mới mẻ đối với du khách thành phố Hồ Chí Minh. Lần này, chúng tôi sẽ khảo sát, lựa chọn những địa điểm có cảnh quan ấn tượng, sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc trưng để xây dựng điểm đến và phát triển tour du lịch cho du khách miền Nam nói riêng, trong nước nói chung, để du khách được trải nghiệm những điểm mới lạ so với nơi mình sinh sống. Đặc biệt, chúng tôi có khách hàng đang xây dựng ý tưởng làm bộ phim về Tây Bắc, trong đó Sơn La sẽ là một trong những điểm đến chúng tôi quan tâm đề xuất để khảo sát, lựa chọn thực hiện.
Gần 90 thành viên khác trong Đoàn khảo sát du lịch tại Sơn La cũng đã được chiêm ngưỡng những cảnh sắc hấp dẫn của vùng đất này, trải nghiệm những vòng xòe, điệu múa sạp, hương rượu cần truyền thống của đồng bào các dân tộc. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Trưởng đoàn khảo sát, đánh giá: Sơn La là một địa phương giàu tiềm năng du lịch. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng một vẻ đẹp hùng vĩ về địa hình, khí hậu, cảnh quan và hệ sinh thái, sở hữu những nét văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng, có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt; nổi bật như cao nguyên Mộc Châu, công trình thủy điện Sơn La, Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc, Quảng trường Tây Bắc, các di tích lịch sử tại Mộc Châu, Yên Châu, Thành phố... Nếu thực hiện tốt việc kết nối, xây dựng và phát triển tốt các tour, tuyến du lịch, sẽ thúc đẩy việc khai thác tiềm năng du lịch Sơn La, góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo sinh kế từ hoạt động du lịch cho người dân.
Theo đánh giá của Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp, các công ty lữ hành, sau một thời gian dài “ngủ đông” và bị thiệt hại do dịch COVID-19, du lịch nội địa đã có rất nhiều thay đổi. Trong đó, xu hướng của khách du lịch chuyển từ đi theo tour trọn gói, đi đoàn đông sang tự đặt mua dịch vụ online và đi theo nhóm nhỏ. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp du lịch cũng phải có những thay đổi về sản phẩm, hình thức tổ chức để phù hợp với nhu cầu của khách du lịch. Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để thúc đẩy nhanh việc khôi phục hoạt động du lịch sau những tác động của dịch bệnh, các cấp, các ngành, hiệp hội du lịch và các doanh nghiệp du lịch cần tăng cường phối hợp, đồng hành để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, môi trường du lịch thân thiện, đáp ứng nhu cầu của du khách trong tình hình mới. Đặc biệt, hiệp hội du lịch các địa phương cần phát huy tốt vai trò “cầu nối” giữa doanh nghiệp, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch ở Sơn La với các công ty lữ hành, nhất là ở thị trường tiềm năng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh... trong việc xây dựng những gói sản phẩm chất lượng mang nét đặc trưng riêng, thu hút du khách mọi miền đất nước về với Sơn La. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch, các hộ kinh doanh, cơ sở du lịch tiếp tục thực hiện việc giảm giá dịch vụ, nhưng vẫn đảm bảo và nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách; tích cực truyền thông về các sản phẩm, dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Với những tiềm năng sẵn có, cùng những hoạt động kích cầu hiệu quả, tin tưởng du lịch Sơn La sẽ được khôi phục sau dịch bệnh COVID-19, trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn của thị trường du lịch nội địa, phấn đấu đón trên 2,5 triệu lượt khách trong năm 2020 như kế hoạch ngành du lịch đề ra.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!