Phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch

Năm 2024, ngành du lịch nước ta đặt mục tiêu đón từ 17 triệu đến 18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng.

Cáp treo Hòn Thơm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh MINH TÚ)
Cáp treo Hòn Thơm, Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. (Ảnh MINH TÚ)

Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm, cùng với việc xây dựng sản phẩm du lịch mới, các địa phương triển khai các giải pháp có tính đột phá hơn nữa để khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tốc phát triển du lịch bền vững.

Bài 1: Những tín hiệu vui

Hoạt động du lịch kỳ nghỉ Tết Dương lịch vừa qua ghi nhận tín hiệu tích cực, ước tính cả nước đã phục vụ khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2023). Có được kết quả này trước hết là do tác động tích cực từ chính sách visa thông thoáng của nước ta, cùng với đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sáng tạo để thu hút du khách. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục.

Những số liệu về tổng lượng khách và doanh thu từ du lịch tại các trung tâm du lịch lớn trong nước trong ba ngày nghỉ Tết Dương lịch (từ ngày 30/12/2023 đến ngày 1/1/2024) cho thấy tín hiệu tích cực về sự phục hồi và phát triển trở lại của thị trường du lịch.

Tạo điểm nhấn từ sản phẩm du lịch mới

Trong dịp này, Thủ đô Hà Nội đón 402 nghìn lượt khách, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh Quảng Ninh đón tổng số 170 nghìn lượt khách du lịch, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023, tổng thu từ du lịch đạt 340 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023.

Riêng trong ngày 31/12/2023, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đã đón hai siêu tàu biển đưa gần 3.700 khách châu Âu, châu Mỹ đến Hạ Long. Tỉnh Ninh Bình đã thu hút được gần 313 nghìn lượt du khách, tăng hơn 21% so với dịp Tết Dương lịch năm 2023; trong đó có gần 29.500 lượt khách quốc tế, tăng gần 150%; doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ lễ đạt 420 tỷ đồng. Tỉnh Hà Giang đón lượng du khách cao kỷ lục, với gần 90 nghìn lượt, doanh thu đạt hơn 220 tỷ đồng. Tỉnh Quảng Bình đón 60 nghìn khách du lịch, tăng 23,33% so với cùng kỳ năm ngoái. Du lịch Kiên Giang cũng "thắng lớn" khi đón hơn 120 nghìn lượt du khách đến vui chơi, nghỉ dưỡng, trong đó có hơn 15 nghìn lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch đạt 369 tỷ đồng.

Thành phố Hà Nội tổ chức Chương trình "Chào năm mới 2024" (chương trình Countdown) tại Quảng trường Đông kinh Nghĩa Thục; phát động "Năm Du lịch Sơn Tây-xứ Đoài 2024"; Lễ hội "Miền hoa" tại Công viên Thống Nhất; chuỗi hoạt động "Chợ phiên-Chào năm mới 2024" tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam...

Chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch được cải thiện. Ngoại trừ tại một số địa điểm như khu vực chung quanh phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trần Nhân Tông-Công viên Thống Nhất vẫn xảy ra tình trạng thu tiền trông giữ xe với giá cao, trong suốt kỳ nghỉ, lực lượng chức năng của Sở Du lịch không tiếp nhận thắc mắc nào của du khách về tình trạng "chặt chém" giá cả dịch vụ ăn uống, lưu trú, di chuyển...

Ninh Bình tổ chức Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II; đại nhạc hội, trình diễn thời trang, pháo hoa đêm 31/12/2023..., tạo nên không khí lễ hội sôi động. Đáng chú ý, dịp này, tỉnh Ninh Bình đã đón gần 120 nghìn lượt khách du lịch về đêm; tính trung bình toàn tỉnh, công suất phòng đạt hơn 70%, nhiều cơ sở lưu trú cao cấp có công suất sử dụng phòng đạt 100%.

Ngành du lịch tỉnh Kiên Giang cũng đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Tại đảo ngọc Phú Quốc, tối, đêm 31/12/2023 và rạng sáng 1/1/2024, hàng chục nghìn người dân, du khách đổ về Sunset Town, phường An Thới để theo dõi "Countdown 2024: Việt Nam-Hành trình rạng rỡ" cùng màn trình diễn pháo hoa, thưởng thức ẩm thực tại Chợ đêm Vui Phết, xem nhạc kịch đường phố "loảng xoảng show", tham quan Cầu Hôn-tuyệt tác kiến trúc, hay thưởng thức show diễn "Nụ hôn của biển cả" kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật sân khấu...

Anh Roberts Richard, du khách người Anh chia sẻ: "Thật tuyệt vời khi được đón năm mới tại đảo Phú Quốc. Tôi cùng những người bạn đã xem những màn nghệ thuật đỉnh cao và pháo hoa, thưởng thức ẩm thực...".

Các tỉnh miền núi phía bắc tập trung đầu tư các sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, tạo ấn tượng đối với du khách. Tại thôn Cao Bành, xã Phương Thiện, thành phố Hà Giang đã diễn ra Lễ hội văn hóa, du lịch người dân tộc Dao; tại các điểm du lịch trọng điểm như Đồng Văn, Mèo Vạc đều diễn ra các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian truyền thống.

 

Du lịch Quảng Bình có những đổi thay tích cực để thích ứng với xu hướng du lịch xanh, du lịch bền vững với việc cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới gắn với thiên nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Đó là sản phẩm du lịch khám phá hang động và cảnh quan thiên nhiên của Di sản thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng và rừng Trường Sơn kết hợp nghỉ dưỡng, giải trí biển.

Mới đây, Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng mở cửa động Tiên Sơn đón du khách tham quan sau một thời gian nâng cấp, sửa chữa. Động Tiên Sơn được ví như "chốn bồng lai tiên cảnh" ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng với hệ thống nhũ kỳ ảo, tráng lệ. Đến thăm động, du khách còn được trải nghiệm đi trên cầu kính ở độ cao gần 100m. Ở vị trí trên cao gần cửa động, du khách được chiêm ngưỡng toàn cảnh sông núi hữu tình và là nơi giao thoa của ba nhánh sông, cùng với cầu bán nguyệt Tiên Sơn và con đường hoa đầy sắc mầu.

Cách động Tiên Sơn không xa, Công ty Chua Me Đất (Oxalis) đưa vào hoạt động khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Blue Diamond ở xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch với tổng diện tích 5 ha, mang đến cho du khách trải nghiệm cắm trại ở một nơi yên bình với cảnh quan kỳ vĩ của Di sản thiên nhiên thế giới.

Phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch ảnh 1
Khu du lịch Chày Lập, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) phục vụ du khách dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. (Ảnh HƯƠNG GIANG)

Vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khởi sắc, vẫn còn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục để phát triển du lịch bền vững. Trước hết đó là hạn chế về hạ tầng cơ sở, nhân lực của ngành du lịch. Thủ đô Hà Nội, trung tâm du lịch lớn của cả nước còn thiếu các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng cuối tuần, công viên chuyên đề mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.

Hầu hết doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, do vậy chưa đầu tư xây dựng được những sản phẩm có tính chiến lược, lâu dài. Ninh Bình là địa bàn trọng điểm về du lịch, nhưng chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng cao, ít cơ sở lưu trú 4, 5 sao; thiếu các dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm; các sản phẩm lưu niệm, quà tặng còn đơn điệu, không có dấu ấn riêng.

Tại Quảng Ninh, thời gian gần đây lượng khách tàu biển-khách có mức độ chi tiêu cao, đến Hạ Long tăng cao, nhưng du khách mới chỉ lựa chọn một số hoạt động tham quan với mức chi tiêu cơ bản như tham quan Vịnh Hạ Long, tour xe điện khám phá một số điểm du lịch ở Bãi Cháy, tour xe buýt hai tầng khám phá Hạ Long... Còn những du khách thông thường mới lựa chọn các tour khám phá Hạ Long trong ngày, hoặc nhiều nhất là trong hai ngày một đêm, mức chi tiêu cho du lịch còn hạn chế.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số lượng lớn nhân lực ngành du lịch đã chuyển đổi ngành nghề, ảnh hưởng đến chất lượng và thiếu hụt nhân lực nhất là trong hoạt động kinh doanh dịch vụ lưu trú. Chưa kể nhận thức, ứng xử của một số người dân tham gia hoạt động dịch vụ du lịch về văn hóa, văn minh du lịch còn hạn chế.Ngoài ra, kết cấu hạ tầng như hệ thống đường giao thông, bến bãi đỗ xe... tại một số địa bàn trọng điểm về du lịch cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành du lịch.

Tại các tỉnh miền núi phía bắc, mặc dù cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây được đầu tư, nâng cấp đáng kể, nhưng vẫn còn khá khó khăn. Trong điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế, những thời điểm có lượng khách du lịch tăng cao đột biến sẽ khó tránh khỏi tình trạng ách tắc giao thông cục bộ; các cơ sở dịch vụ lưu trú, nhà hàng bị quá tải.

Trong dịp nghỉ Tết Dương lịch 2024, lường trước những vấn đề này, tỉnh Hà Giang đã vận động gia đình cán bộ, nhân dân có điều kiện, mua sắm các vật dụng cần thiết để đón khách lưu trú, vì vậy, dù số lượng khách tăng cao kỷ lục nhưng tỉnh vẫn đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách. Tại các khu du lịch trọng điểm, chính quyền các huyện đã huy động tối đa lực lượng công an, dân quân có mặt tại các nút giao thông, các tuyến đường huyết mạch vào các điểm du lịch để phân luồng giao thông, hướng dẫn du khách nơi để xe, giải quyết nhanh tình trạng ách tắc giao thông cục bộ.

(Còn nữa)

Theo NDĐT
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Ngày hội việc làm và tư vấn hướng nghiệp huyện Sông Mã

    Huyện Sông Mã -
    Ngày 24/11, UBND huyện Sông Mã đã tổ chức Ngày hội việc làm, tư vấn hướng nghiệp năm 2024, với sự tham dự của 28 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và hơn 1.500 người lao động, đoàn viên, thanh niên đến từ 19 xã, thị trấn, học sinh cuối cấp các trường THPT, THCS của huyện.
  • 'Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Festival Ninh Bình 2024 - Dòng chảy di sản: Hành trình trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo

    Emagazine -
    Trong 2 lần tổ chức, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật với nhiều đổi mới, sáng tạo, Festival Ninh Bình đã mang lại cho người xem cách nhìn, cách tiếp cận khác về các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc. Các hoạt động được tổ chức theo hướng mở, tăng tính tương tác với cộng đồng để người dân và du khách có thể trực tiếp xem và tham gia vào các hoạt động của Festival.
  • 'Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Son sắt tình đoàn kết Việt Nam – Lào

    Đối ngoại -
    Ngày 24/11, Ban liên lạc quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tỉnh Sơn La tổ chức kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào (30/10/1949 – 30/10/2024) và kỷ niệm 10 năm thành lập Ban liên lạc quân tình nguyện tỉnh Sơn La (2014 - 2024).
  • 'Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Khánh thành công trình điểm trường bản Huổi Ngà

    Huyện Quỳnh Nhai -
    Ngày 23/11, Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam VietComBank phối hợp với UBND huyện Quỳnh Nhai và xã Mường Giôn tổ chức khánh thành, bàn giao đưa vào sử dụng công trình điểm trường bản Huổi Ngà, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Lả Giôn, xã Mường Giôn.  
  • 'Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Động lực thúc đẩy chăn nuôi bền vững

    Kinh tế -
    Thay đổi căn bản nhận thức của nông dân, áp dụng cải tiến kỹ thuật trong chăn nuôi; thành lập các nhóm sở thích, chủ động phòng, chống dịch bệnh, tận dụng phế phẩm nông nghiệp để tối ưu hóa nguyên liệu sản xuất; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất… Đó là những kết quả nổi bật sau 2 năm triển khai Dự án "Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới" tại tỉnh Sơn La.
  • 'Quê hương tựa khúc dân ca

    Quê hương tựa khúc dân ca

    Nếu mà không Quan họ, Bắc Ninh ơi có buồn? Một câu hỏi được thốt lên bằng tình yêu, sự mến mộ dành tặng Quan họ, không cần có câu trả lời, bởi “nếu không Quan họ, đâu còn là Bắc Ninh!?”.
  • 'Hội nghị cộng tác viên năm 2024

    Hội nghị cộng tác viên năm 2024

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 24/11, Báo Sơn La đã tổ chức Hội nghị cộng tác viên năm 2024 và trao giải Cuộc thi “Nét đẹp Sơn La”. Đồng chí Lã Minh Tuấn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Tổng Biên tập chủ trì Hội nghị.