Phong lan rừng, loài hoa mọc trong những khu rừng núi đá hiểm trở. Đến vùng cao Bắc Yên, không khó bắt gặp những giỏ phong lan rừng được người dân địa phương treo trước hiên. Để có những giỏ lan rừng họ phải leo lên những, vách núi đá cheo leo, hiểm trở lấy về những cây lan rừng còn rêu phong, chăm chút thành những giò lan vừa tự nhiên, đẹp mắt để trang trí cho ngôi nhà của mình.
Người dân xã Háng Đồng (Bắc Yên) sưu tầm phong lan rừng.
Dừng chân tại một nhà trọ homestay ở bản Chống Tra, xã Háng Đồng (Bắc Yên), chúng tôi có dịp chứng kiến cuộc trò chuyện giữa chủ nhà và du khách đến tham quan. Chắc hẳn du khách này là người yêu lan. Bởi, chúng tôi thấy anh ta chăm chú nhìn những giỏ lan rừng được treo ngoài hiên, cố thuyết phục chủ nhà bán cho giỏ lan đó. Lạ thay, chủ nhà cứ khước từ không bán và nói rằng muốn để du khách khắp nơi đến tham quan được ngắm hoa. Chỉ đến khi, người khách nói muốn mua giỏ lan đem về chăm sóc, làm quà kỷ niệm để nhớ về vùng đất mình từng đặt chân đến. Thấu hiểu sự chân thành của người khách, anh chủ nhà đồng ý và chỉ lấy một chút tiền và dặn dò người khách cách chăm sóc cây lan do đặc thù mỗi loài lan phải có cách chăm sóc khác nhau.
Đón nhận nhánh lan rừng từ tay chủ nhà, anh Nguyễn Hùng Dương, du khách đến từ Hải Dương phấn khởi nói: Thật mừng khi chủ nhà đã đồng ý bán cho tôi. Lan rừng cũng khá dễ trồng và chăm sóc, chỉ cần giữ đủ độ ẩm, ánh sáng, chất dinh dưỡng, là cây phát triển tốt và cho hoa. Về thành phố, mỗi khi nhìn ngắm cây phong lan này, tôi sẽ nhớ về mảnh đất và con người nơi đây. Anh Dương gửi lời cảm ơn chân thành đến chủ nhà, chất đồ lên xe và trở về. Chủ nhà Thào A Lo giơ tay vẫy chào đến khi chiếc xe khuất dần sau núi mới trở vào nhà. Chúng tôi cảm nhận được sự thật thà, chất phác, mến khách của người dân bản địa đối với du khách phương xa. Tuy cuộc sống vẫn còn muôn vàn khó khăn nhưng họ vẫn sống giản đơn, không nặng vật chất.
Ở nhiều nơi, phong lan được sưu tầm rồi đưa về các vườn hoa được thuần chủng, chăm sóc và bán ngay khi được giá. Nhưng đối với người dân vùng cao thì khác. Tìm hiểu về quá trình đi lấy lan rừng, được biết, người dân bản địa thường đi bộ vào rừng, tìm đến những nơi ẩm thấp, nhiều cây gỗ mục, leo lên những vách đá cao để tìm và hái xuống những cụm lan lâu năm. Công việc ấy không hề đơn giản bởi lẽ, chúng thường mọc tận rừng sâu, trên cây cao, bên ven suối hiểm trở và đôi khi cũng tùy vào vận may của bản thân nữa. Anh Thào A Lo, bản Chống Tra tâm sự: Kiếm lan rừng rất khó khăn, tôi may mắn lấy được vài khóm lan rừng về để trang trí nhà homestay, giới thiệu cho du khách đến tham quan, nhiều người đi qua hỏi mua, gia đình không bán, để chăm sóc, nhân giống lan.
Trò chuyện với chủ nhà 1 lúc nữa, chúng tôi biết thêm về phong tục của đồng bào dân tộc Mông và hiểu thêm về cuộc sống của họ. Đến lúc phải nói lời tạm biệt, chủ nhà cứ giữ lại dùng cơm với gia đình nhưng do thời gian có hạn, đành hẹn gia đình dịp khác. Những bông hoa phong lan trước nhà, rung rinh trước gió như vẫy chào chúng tôi. Những con người vùng cao thật thà, chất phác giống như những nhánh lan rừng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng tốt đẹp. Với cảnh quan thiên nhiên, hoang sơ, hùng vĩ, nét độc đáo trong văn hóa của đồng bào dân tộc và nhất là sự chất phác, mến khách của con người nơi đây sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp đối với du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!