Phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường

“Phát triển du lịch bền vững, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội” là quyết tâm mà các cấp, các ngành của huyện Mộc Châu đã và đang triển khai, nhằm bảo đảm môi trường du lịch trong lành của địa phương.

 

Giã bánh dày, nét độc đáo trong ẩm thực của đồng bào dân tộc Mông ở Mộc Châu. 

 

Phát huy lợi thế của địa phương, huyện Mộc Châu xác định thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tính liên ngành, liên vùng, có thương hiệu và tính cạnh tranh cao, thu hút du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững cần phải giải quyết tốt mối liên kết giữa phát triển du lịch với phát triển các ngành kinh tế khác, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là gắn phát triển du lịch với bảo vệ môi trường.

Hiện, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 150 cơ sở lưu trú, trong đó có: 1 khu resort, 1 khách sạn 4 sao, 2 khách sạn 3 sao, 2 khách sạn 2 sao với tổng số 1.347 phòng, 2.749 giường; trên 100 nhà nghỉ, homestay. Năm 2017, lượng khách du lịch đến Mộc Châu tiếp tục tăng cao, ước đạt 1.150.000 lượt khách, số ngày lưu trú trung bình đạt 1,86 ngày/khách, doanh thu xã hội ước đạt 1.035 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả đạt được trong những năm qua, ngành du lịch của huyện Mộc Châu đang đứng trước những khó khăn, thách thức, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, sự giao thoa của nhiều luồng văn hóa tác động đến sự phát triển bền vững của ngành kinh tế du lịch của huyện.

Tại Hội thảo khoa học đánh giá tác động của quy hoạch các ngành, lĩnh vực đến triển khai Quy hoạch khu du lịch quốc gia Mộc Châu, đã chỉ ra những thách thức đối với sự phát triển của ngành du lịch ở Mộc Châu, đó là: Một số vùng chăn nuôi nằm trong Khu trung tâm theo quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mộc Châu gây ô nhiễm môi trường trên cả 3 phương diện: Không khí, đất đai, nguồn nước do chưa có biện pháp xử lý triệt để lượng chất thải rất lớn từ chăn nuôi bò sữa làm ảnh hưởng lớn đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Mộc Châu. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình chăm sóc của một số đồng chè nằm trong vùng quy hoạch Khu du lịch gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, sự phát triển du lịch kèm theo du nhập văn hóa ngoại lai, đem đến nguy cơ ảnh hưởng tới sự bảo tồn văn hóa các dân tộc, hiện tượng thương mại hóa và thực dụng các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Du lịch phát triển kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh đang làm ảnh hưởng đến cấu trúc truyền thống bản làng của từng dân tộc.

Ông Phạm Đức Chính, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Huyện Mộc Châu có rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát đầu tư, như: Công ty TNHH Du lịch Quốc tế Phượng Hoàng với dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp rừng thông bản Áng”; Công ty cổ phần du lịch Pha Luông với dự án “Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Dải Yếm” và nhiều dự án trong lĩnh vực du lịch đã và đang triển khai. Mục tiêu của huyện là hướng tới sự phát triển hài hòa giữa ngành du lịch và các ngành kinh tế khác. Trong thời gian tới, huyện Mộc Châu cần rà soát những khu vực chăn nuôi bò sữa nằm trong quy hoạch Khu trung tâm du lịch Mộc Châu theo quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia Mộc Châu để điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, các tổ chức, cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh chè phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm, loại bỏ các hoạt động dịch vụ du lịch tự phát tại các điểm du lịch đồng chè, thực hiện nguyên tắc 4 đúng trong bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Tăng cường hiệu lực quản lý môi trường trong các khu du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với khách du lịch và cộng đồng địa phương nơi diễn ra các hoạt động du lịch. Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc, chú trọng đến việc bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội, hoạt động văn hóa cộng đồng, khôi phục các nghề thủ công, mỹ nghệ...

Để du khách đến với Mộc Châu được trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống, những cảnh đẹp kỳ vỹ của núi rừng Tây Bắc, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để bảo vệ môi trường sinh thái và những nét văn hóa truyền thống của địa phương, những tài sản vô giá đối với sự phát triển của ngành du lịch ở Mộc Châu.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới