Sơn La có vùng hồ rộng lớn của hai công trình thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Với cảnh quan đặc trưng của vùng nước mênh mông, núi non hùng vĩ, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, các bản mường trù phú nằm dọc theo chiều dài của con sông Đà là điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các loại hình du lịch tham quan, khám phá thiên nhiên, du lịch sinh thái, dã ngoại, thể thao…
Bản TĐC ven hồ thủy điện Sơn La.
Dòng sông Đà chảy trên địa bàn tỉnh ta, đi qua 329 bản, 46 xã của 8 huyện, với gần 110.000 người dân sinh sống lâu đời gắn bó. Hai công trình thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La có vùng hồ nhân tạo với diện tích rộng gần 21.000ha đem lại tiềm năng rất lớn để phát triển các lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp, giao thông vận tải, du lịch và thương mại. Điểm mạnh để phát triển du lịch, đó là cảnh quan lòng hồ với mặt nước mênh mông trong xanh, thiên nhiên hùng vĩ với những cánh rừng, dãy núi đá vôi hai bên bờ, đặc biệt có các đảo, bán đảo nhỏ liên tiếp nối liền nhau trên mặt nước và các bản làng dân tộc với nét truyền thống tạo nên vùng cảnh quan đặc sắc, nguyên sơ, yên bình của vùng núi. Trên vùng hồ thủy điện còn có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, như khu vực huyện Vân Hồ, Mộc Châu, Mường La, và Quỳnh Nhai có diện tích rừng khá lớn, với quần thể sinh học đa dạng, các loài thực vật quý hiếm như nghiến, lát, tre, cây dược liệu; hệ động vật có các loài linh trưởng, bò sát có giá trị phục vụ phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, lòng hồ thủy điện có các loài thủy sinh phong phú với hàng trăm loài cá sinh sống có giá trị về kinh tế, ẩm thực địa phương. Văn hóa các dân tộc thiểu số trên vùng hồ cũng là điểm nhấn, với cộng đồng nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống: Thái, Kinh, Mường, H’Mông, Khơ Mú, La Ha, Kháng. Nhiều nét đẹp về lễ hội, phong tục đặc trưng của các dân tộc còn lưu giữ, như: Lễ hội Hạn Khuống của dân tộc Thái; lễ hội Mah Grợ của dân tộc Khơ Mú; Lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Kháng; lễ hội Nàng Han, Lễ hội gội đầu; lễ hội đua thuyền ở Quỳnh Nhai; Síp xí, lễ hội cầu mưa...; nét đẹp với nghề truyền thống như nghề dệt thổ cẩm, nghề đan lát; các món ẩm thực nổi tiếng như cơm lam, xôi màu, bánh dày; cá nướng, cá gỏi, cá chua, thịt lợn mán, thịt trâu gác bếp...
Theo đánh giá, những năm gần đây, đã hình thành các điểm du lịch vùng hồ bước đầu thu hút được du khách đến tham quan, tìm hiểu, như: tại khu vực huyện Vân Hồ có Đền Hang Miếng, di tích lịch sử sự kiện Hũ rượu bản Lòm; di tích khảo cổ mộ Tạng Mè (xã Suối Bàng); Di tích lịch sử khu căn cứ cách mạng tại Bản Chiềng Ban, bản Pơ Tào... Khu vực huyện Mường La các điểm thu hút khách tham quan nhiều nhất là Nhà máy thủy điện Sơn La; tại các điểm Suối nước nóng Hua Ít, suối nước nóng bản Lướt, bản du lịch cộng đồng ở Mường Trai, Chiềng Lao, Hua Trai, Nậm Giôn, Ngọc Chiến và một số khu vực rừng cây cao su Phiêng Tìn, khu bảo tồn thiên nhiên.... Ở Quỳnh Nhai khách du lịch đến tham quan Di tích Đền Linh Sơn Thủy Từ - đền thờ Nàng Han, di tích cây đa Pắc Ma, cầu Pá Uôn,...
Mặc dù nhiều điểm khá hấp dẫn, nhưng hoạt động du lịch ở vùng hồ hiện vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, chủ yếu là khách “Tây Ba lô”, “Phượt” và khách công vụ kết hợp du lịch. Theo thống kê năm 2015, đón khoảng 100.000 lượt khách, trong đó chủ yếu khách đến thăm nhà máy thủy điện Sơn La. Phần lớn khác du lịch đi tham quan các điểm du lịch tại Điện Biên, Sa Pa, chỉ dừng chân hoặc đi qua một vài điểm du lịch thuộc vùng hồ thủy điện, không lưu trú qua đêm; lượng khách chủ yếu là giới trẻ ưa thích tham quan, khám phá mạo hiểm, tập trung vào dịp cuối tuần, ngày lễ và mùa lễ hội. Bên cạnh đó, hệ thống sản phẩm du lịch và các dịch vụ phụ vụ còn đơn điệu, chưa tạo được thương hiệu, chưa hấp dẫn. Việc tổ chức hoạt động du lịch thành tour chưa hiệu quả, chưa có điểm thông tin, ban quản lý, hướng dẫn viên; dịch vụ ăn uống, mua sắm quy mô nhỏ, chưa có nhiều sản phẩm địa phương... Hệ thống các tuyến, điểm du lịch, cụm du lịch, khu du lịch cũng được chú trọng những chưa hiệu quả. Hoạt động xúc tiến quảng bá chưa được chú trọng, việc liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng hồ chưa được mở rộng. Hệ thống hạ tầng phục vụ chưa đồng bộ...
Với tiềm năng của vùng hồ thủy điện, tỉnh ta đã ban hành những chủ trương chính sách để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng hồ thủy điện Sơn La. Trong đó HĐND tỉnh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết thông qua “Đề án khai thác tiềm năng vùng hồ các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2016 – 2020”. Việc ban hành Đề án thể hiện tầm chiến lược phát triển lâu dài nhằm phát huy tiềm năng các vùng hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh, nhất là vùng hồ thủy điện Hòa Bình, Sơn La và thủy điện Nậm Chiến I. Đề án sẽ góp phần đánh giá và làm rõ thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực, dự báo những thuận lợi, khó khăn để đề ra những định hướng cho phát triển các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh trong giai đoạn tới, đồng thời là cơ sở để các cấp, các ngành vụ thể hóa thành kế hoạch, cơ chế chính sách thu hút, hỗ trợ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng hồ phát triển; trong đó, khai thác tiềm năng du lịch là một trong những nội dung quan trọng. Mục tiêu phấn đấu phát triển vùng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch quốc gia trong tương lai. Phát triển theo hướng du lịch tham quan, sinh thái, du lịch cộng đồng, du lich nghỉ dưỡng cuối tuần. Các hoạt động du lịch, gồm: tham quan hồ thủy điện, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, khám phá hang động, du lịch điều dưỡng chữa bệnh gắn với nước khoáng nóng, du lịch văn hóa lịch sử - tâm linh, du lịch thể thao, mạo hiểm, vui chơi giải trí cao cấp trên núi và trên mặt nước. Mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu mỗi năm sẽ đón 180 nghìn lượt khách và doanh thu từ du lịch đạt 290 tỷ đồng.
Để phát triển du lịch, tỉnh ta sẽ thực hiện các cơ chế chính sách, như: Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển các loại hình bản du lịch cộng đồng, tôn tạo khu di tích lịch sử gắn với xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; hỗ trợ các dự án đầu tư để khai thác và phát triển du lịch, hạ tầng thương mại, dịch vụ tương hỗ cho phát triển du lịch bằng các hình thức, như nhà đầu tư vốn, nhà nước xem xét cơ chế hỗ trợ cụ thể các công trình hạ tầng kỹ thuật về giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án với các dự án có tính trọng điểm và hỗ trợ về quy trình, thủ tục đầu tư. Thực hiện hỗ trợ chính sách về đất đai; hỗ trợ đầu tư phát triển các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên thông qua chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng, bàn giao đất sạch. Hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ xử lý môi trường du lịch... Tin rằng, với định hướng khai thác tiềm năng vùng hồ thủy điện một cách đồng bộ, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng phát triển thủy sản, phát triển lâm nghiệp, giao thông vận tải, thương mại dịch vụ sẽ thúc đẩy du lịch vùng hồ phát triển bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!