Những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lao động trong lĩnh vực du lịch.
Tỉnh đã ban hành một số chính sách liên quan đến định hướng, giải pháp, quy định hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó quy định rõ nhóm chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực du lịch. Trong đó, tăng cường công tác phát triển và đào tạo nguồn nhân lực du lịch của tỉnh theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm số lượng, chất lượng. Mở rộng liên kết vùng, ưu tiên liên kết với các cơ sở giáo dục - đào tạo lớn có uy tín trong nước để đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đã chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực du lịch quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và kỹ năng nghề du lịch, tăng cường đào tạo nhân lực lao động lành nghề tại các cơ sở lưu trú, các khu điểm du lịch.
Ngành VHTT&DL đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ du lịch đa ngành nghề, nhất là đội ngũ lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch ở nông thôn. Hình thức đào tạo đa dạng, phong phú, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp lữ hành. Công tác đào tạo chú trọng về nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giao tiếp, bồi dưỡng tiếng Anh, nghiệp vụ bếp, buồng, bàn...
Từ năm 2021 đến nay, đã tổ chức 38 lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ du lịch, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cho gần 1.300 học viên tham gia. Sở VHTT&DL thường xuyên tổ chức các hội nghị, lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, các khu điểm du lịch về việc chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; tổ chức cuộc thi hướng dẫn viên du lịch giỏi...
Đến nay, toàn tỉnh có 5.100 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch, trong đó 55% đã qua đào tạo. Số lượng hướng dẫn viên du lịch tăng cả về số lượng và chất lượng. Riêng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có trên 40 hướng dẫn viên thường xuyên được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Chị Đinh Thị Hường, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mộc Châu, chia sẻ: Huyện đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch, du lịch cộng đồng với nội dung tập huấn đa dạng, đáp ứng nhu cầu thực tế, như kỹ năng nấu ăn, vận chuyển khách, thuyết minh viên, tiếng Anh cộng đồng, marketing, quản lý điểm đến, tổ chức biểu diễn, bảo vệ môi trường... góp phần nâng cao kỹ năng thực hành nghiệp vụ, phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có 295 cơ sở lưu trú đang hoạt động, chiếm gần 50% số cơ sở lưu trú toàn tỉnh; 400 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm; trên 10 khu, điểm, bản du lịch; 12 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, tạo việc làm cho gần 3.000 lao động trực tiếp và gián tiếp. 6 tháng đầu năm, huyện đã đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch.
Chị Điêu Thị Thảo Hạnh, hướng dẫn viên Khu du lịch văn hóa, tâm linh huyện Quỳnh Nhai, chia sẻ: Bên cạnh việc thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ do huyện, tỉnh tổ chức, thì bản thân phải luôn trau dồi kỹ năng cần thiết, cập nhật các kiến thức về lịch sử, văn hóa đặc trưng của vùng lòng hồ, những câu chuyện hấp dẫn, tạo dấu ấn tốt đẹp với du khách đến Quỳnh Nhai.
Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 7.000 đến 10.000 việc làm trong lĩnh vực du lịch; trong đó có khoảng 3.000 việc làm trực tiếp, tăng trưởng bình quân 10-15%/năm. Ngành VHTT&DL đang tiếp tục triển khai những giải pháp nâng cao chất lượng, hướng tới chuẩn hóa nguồn nhân lực du lịch của tỉnh, bảo đảm đủ điều kiện đón du khách trong nước và quốc tế. Đây vừa là định hướng phát triển vừa là yêu cầu thực tiễn cần phải thực hiện để du lịch Sơn La bứt phá vươn lên xứng tầm với tiềm năng.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!