Báo Sơn La điện tử - Tin tức cập nhật trong ngày

Mường La thúc đẩy phát triển du lịch

Mường La nằm trên tuyến giao thông huyết mạch nối liền các điểm, khu du lịch của các tỉnh, như: Mường La đi Than Uyên sang Sa Pa - Lào Cai, Mường La đi Mù Cang Chải sang Nghĩa Lộ - Yên Bái, đây là điều kiện thuận lợi để huyện kết nối, thúc đẩy phát triển du lịch. Đặc biệt nơi đây có điều kiện thiên nhiên phong phú, cùng với những nét văn hóa truyền thống độc đáo của các dân tộc tạo đà để du lịch của huyện Mường La bứt phá vươn xa.

Du khách đến xem thi giã bánh dầy tại Ngày hội hoa Sơn Tra tại xã Ngọc Chiến. 

Đưa du lịch phát triển xứng với tiềm năng, huyện Mường La đã ban hành Đề án phát triển du lịch huyện Mường La giai đoạn 2020-2025, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã hình thành các tour, tuyến du lịch, phát triển các cơ sở lưu trú phục vụ khách; một số giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đã được khai thác vụ du khách; các hoạt động du lịch trên địa bàn huyện thu hút số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp đã chú ý nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đầu tư vào du lịch Mường La; từ du lịch đã tạo ra một số việc làm trực tiếp và gián tiếp cho nhân dân trong vùng.

Đến nay, trên địa bàn có 3 khách sạn, 10 nhà nghỉ, 15 homestay, 2 điểm du lịch cộng đồng, tất cả đều đang hoạt động nền nếp, phục vụ tốt nhu cầu của du khách. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đón khoảng 137.700 lượt khách, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 50 tỷ đồng.

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La thông tin: Huyện đang khuyến khích thu hút đầu tư vào phát triển du lịch lòng hồ sông Đà, du lịch cộng đồng ở xã Ngọc Chiến để trở thành điểm nhấn, tạo tiền đề mở rộng phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cùng với đó, xây dựng quy hoạch các điểm du lịch khác trên địa bàn huyện, như: Mường Trai, Tạ Bú, Chiềng Lao; hình thành và phát triển vùng tam giác kinh tế du lịch, dịch vụ bao gồm thị trấn Ít Ong - xã Ngọc Chiến - xã Chiềng Lao, mỗi vùng du lịch sẽ có những nét độc đáo riêng, hình thành nên những sản phẩm du lịch đặc thù hấp dẫn thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm. 

Bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến điểm đến thu hút khách du lịch vào mùa hoa sơn tra.

Tận dụng lợi thế có diện tích mặt nước lòng hồ, huyện Mường La đã đẩy mạnh phát triển du lịch trải nghiệm trên lòng hồ thủy điện Sơn La, với các dịch vụ du thuyền ngắm cảnh, thăm các nhà bè nuôi cá trên mặt hồ, chèo thuyền Kayak, thưởng thức ẩm thực, văn hóa dân tộc trên hồ tại các xã Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao. Bước đầu hình thành các cơ sở kinh doanh du lịch trên lòng hồ, như: Nhà nổi Mường Trai (xã Mường Trai), New Land (xã Hua Trai)... 

Khu du lịch sinh thái nhà nổi Vịnh Đà Giang tại xã Mường Trai. 

Bức tranh du lịch Mường La ngày càng sinh động, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, Ngọc Chiến từ một vùng quê nghèo khó đã thay đổi rõ rệt, trở thành vùng quê đáng sống, một điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè, du khách thập phương. Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Chiến chia sẻ: Xã tập trung phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch di tích lịch sử - văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe; kết nối và phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ. Chú trọng xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch đặc thù tạo điểm nhấn, tạo sự khác biệt, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững. Trung bình mỗi năm Ngọc Chiến đón khoảng 50.000 lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ hoạt động du lịch khoảng 20 tỷ đồng. 

Với nét đẹp văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc cùng với tinh hoa ẩm thực mang đậm hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, huyện Mường La đã khôi phục, tổ chức một số lễ hội truyền thống như: Ngày hội hoa Sơn tra và quảng bá văn hóa du lịch, Lễ hội Mừng cơm mới, tại xã Ngọc Chiến; Lễ hội Nàng Han xã Mường Trai… Qua đó, lan tỏa những nét văn hóa độc đáo, hình ảnh đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện tới đông đảo nhân dân và du khách gần xa; thu hút các nhà đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ sinh thái, tắm suối khoáng nóng, du lịch cộng đồng.

Những sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của địa phương đang được huyện Mường La quan tâm phát triển. Hiện nay, huyện đang xây dựng 3 sản phẩm du lịch, đó là: Bản du lịch cộng đồng bản Lướt, bản du lịch cộng đồng bản Nà Tâu tại xã Ngọc Chiến, điểm du lịch Nhà máy thủy điện Sơn La. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La khu vực Ít Ong, Mường Trai, Hua Trai, Chiềng Lao. Khai thác tour du lịch trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù đi qua rừng chè cổ thụ bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến có độ cao 2.979m so với mực nước biển; tour chụp ảnh cùng hoa Sơn Tra tại bản Nậm Nghẹp…

Ngày hội đua thuyền của xã Tạ Bú thu hút đông đảo du khách, nhân dân trên địa bàn. 

Từng bước phát triển du lịch bền vững, huyện Mường La tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tạo liên kết vùng cho 5 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La – Yên Bái, gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái) và Mường La, Bắc Yên (Sơn La), tạo cơ hội và môi trường thuận lợi để quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, tiềm năng du lịch của 5 huyện trong vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Văn Sáng, Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin huyện Mường La, thông tin: Việc tăng cường hợp tác với các huyện lân cận là cơ hội để tăng cường mở rộng kết nối giao lưu cộng đồng doanh nghiệp trong việc liên kết, khai thác du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tôn vinh, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc của 5 huyện trong vùng liên kết, đặc biệt là tạo động lực thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giúp các địa phương chuyển dịch cơ cấu kinh tế tăng trưởng nhanh.

Du khách trải nghiệm leo núi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. 

Với những giải pháp, lộ trình phát triển cụ thể, du lịch của Mường La đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp, hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các điểm có tiềm năng du lịch, từng bước đưa hình ảnh du lịch Mường La đến xa hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.

Lam Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu

    Mô hình kinh tế tuần hoàn thích ứng biến đổi khí hậu

    Kinh tế -
    Dự án “Giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp tại vùng núi Tây Bắc - Giai đoạn 2” được triển khai tại Sơn La đã góp phần cải thiện môi trường, nâng cao sinh kế và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho nhân dân.
  • 'Vườn nho hạ đen thu hút khách trải nghiệm

    Vườn nho hạ đen thu hút khách trải nghiệm

    Kinh tế -
    Những ngày đầu tháng 7, tại bản Híp, phường Chiềng Sinh, vườn nho hạ đen của Công ty cổ phần thương mại Duy Khánh rộn ràng bước vào vụ thu hoạch. Khung cảnh nên thơ của vườn nho đang vào độ chín rộ, đã trở thành điểm đến hút khách vào cuối tuần.
  • 'Ứng phó kịp thời với mưa lớn

    Ứng phó kịp thời với mưa lớn

    Xã hội -
    Sự thay đổi bất thường của thời tiết, 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Sơn La xảy ra nhiều đợt mưa lớn diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân. Theo dự báo, các tháng cao điểm mùa mưa có nhiều đợt mưa lớn gây lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, các cấp, các ngành đang tập trung thực hiện các biện pháp, ứng phó, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, thiệt hại do mưa lớn gây ra.
  • 'Lái xe thận trọng, an toàn

    Lái xe thận trọng, an toàn

    An toàn giao thông -
    Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ 6, đoạn từ Km 151+700 địa phận xã Vân Hồ đến Km 212 địa phận phường Mộc Châu, Đội Cảnh sát giao thông đường bộ số 1, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp hạn chế thấp nhất thiệt hại do tai nạn giao thông, nhất là mùa mưa lũ.
  • 'Những ngôi nhà ấm nghĩa tình đồng đội

    Những ngôi nhà ấm nghĩa tình đồng đội

    Xã hội -
    Cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, trở về với đời thường, nhiều cựu chiến binh là thương bệnh binh, điều kiện kinh tế khó khăn, không ít người phải sống trong những ngôi nhà tạm. Bằng tình cảm, trách nhiệm, Hội Cựu chiến binh tỉnh (nay là Ban công tác Cựu chiến binh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh) đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, giúp hội viên có cuộc sống ổn định, thắt chặt thêm tình đồng chí, nghĩa đồng đội.
  • 'Linh hoạt triển khai tuyển sinh đầu cấp

    Linh hoạt triển khai tuyển sinh đầu cấp

    Khoa Giáo -
    Năm học 2025-2026, toàn tỉnh sẽ tuyển sinh trên 60.000 học sinh vào các lớp đầu cấp từ bậc mầm non đến THPT, tăng khoảng 3,5% so với năm học trước. Công tác tuyển sinh đang được các địa phương triển khai đồng bộ, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và đúng quy định.