Lào Cai quyết tâm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất vùng Tây Bắc

Theo con số thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, tổng lượt du khách đến Lào Cai năm 2016 đạt trên 2,7 triệu lượt khách, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, để du lịch Lào Cai thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong thời gian tới rất cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Tiết mục văn nghệ trong Lễ khai mạc năm du lịch Quốc gia 2017- Lào Cai – Tây Bắc. 

Những con số ấn tượng 


Lượng du khách đến Lào Cai tăng, khiến tổng doanh thu du lịch năm 2016 đạt 6.405 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2015. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2017, lượng du khách đến Lào Cai trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2016. Tổng doanh thu 4 tháng đạt 4.359 tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ năm 2016.

Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, năm 2016, mức chi tiêu bình quân là 925 nghìn đồng/khách. Số ngày lưu trú bình quân là: 2,5 ngày. Riêng trong 4 tháng đầu năm nay, mức chi tiêu bình quân là 975 nghìn đồng/khách nội địa, 1.100 nghìn đồng/khách quốc tế; số ngày lưu trú bình quân là: 2,65 ngày/khách

Lý giải về những con số rất ấn tượng này, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Văn Thắng cho biết: Trong nhiều năm qua, tỉnh Lào Cai luôn xác định phát triển du lịch thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bởi vậy, thời gian qua tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi cho phát triển du lịch như Nghị quyết số 39/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển kinh tế du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015… 

Bên cạnh đó, Lào Cai đã phát triển lĩnh vực du lịch theo hướng đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Một số loại hình du lịch đã được đưa vào khai thác và phát triển tốt như: tập trung vào phát triển các sản phẩm du lịch dịch vụ cao cấp, trong đó, quần thể khu du lịch dịch vụ và vui chơi giải trí cáp treo Fansipan - Sa Pa là điểm đến hấp dẫn nhất trong khu vực Tây Bắc hiện nay; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng phát triển mạnh tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát; du lịch mua sắm được phát triển mạnh ở thành phố Lào Cai và tiếp nối với huyện Hà Khẩu – tỉnh Vân Nam - Trung Quốc; xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch gắn với các Di sản văn hóa ruộng bậc thang Lào Cai; khai thác các chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch; liên kết phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng…

Đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư vào du lịch là việc làm thường xuyên để xây dựng thương hiệu du lịch Lào Cai ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, trong năm 2016, Lào Cai đã tổ chức thành công Hội nghị “Xúc tiến đầu tư và phát triển du lịch tỉnh Lào Cai”, Lễ hội “du lịch mùa hè” và Lễ hội “du lịch mùa đông” và đầu năm 2017 tổ chức thành công các hoạt động trong chuỗi sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc đã để lại ấn tượng trong lòng du khách, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Lào Cai đến các đại biểu và du khách.     

Đưa Lào Cai trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc

Hiện nay, Lào Cai đang quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn nhất của vùng Tây Bắc, là một trong những trọng điểm du lịch của Việt Nam và là một trung tâm du lịch lớn của Việt Nam và Đông Nam Á; phấn đấu đến năm 2020, du lịch Lào Cai cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ (chiếm gần 50%), có hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch đồng bộ, sản phẩm chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, duy trì và phát huy được những nét đẹp của văn hóa dân tộc; bền vững với môi trường tự nhiên rất cần có những giải pháp đồng bộ với sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như sự đồng thuận cao trong nhân dân. Để thực hiện được những mục tiêu lớn này, Lào Cai xác định sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịchxác định rõ du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc, có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng. Đồng thời đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có cơ chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hai là, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịchCần bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu về hạ tầng du lịch và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu, điểm du lịch, trọng tâm là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nhà vệ sinh đạt chuẩn trên các tuyến, điểm, khu du lịch. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch. Tiếp tục thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn đầu tư phát triển du lịch tại tỉnh Lào Cai.

Ba là, xây dựng, triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, cơ chế chính sáchTập trung triển khai thực hiện hiệu quả các quy hoạch đã được phê duyệt: Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030; quy hoạch tổng thể phát triển Sa Pa tỉnh Lào Cai thành khu du lịch quốc gia theo Quyết định 1845/QĐ-TTg ngày 26/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch các huyện, thành phố tạo hành lang pháp lý và định phương hướng phát triển du lịch từng vùng, địa phương. Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện ban hành và triển khai thực hiện chính sách khuyến khích phát triển du lịch Lào Cai; sử dụng có hiệu quả Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh.

Bốn là, tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển dịch vụ, sản phẩm du lịch và đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịchHoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn của Lào Cai đối với du khách; tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, thông tin đại chúng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá, xúc tiến du lịch.

Trên cơ sở các sản phẩm du lịch đã phát triển tốt, cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm du lịch mới có sức hút đối với du khách. Trong đó, ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, có lợi thế cạnh tranh: Tham quan, nghỉ dưỡng núi (Sa Pa, Bắc Hà); chinh phục đỉnh cao (Fansipan, Ky Quan San); tâm linh (Quần thể đền Thượng - đền Mẫu, đền Bảo Hà); sắc hoa Lào Cai; ruộng bậc thang, chợ phiên; khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng.

Tăng cường liên kết, khai thác tối đa lợi thế tuyến hành lang Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh để kết nối du lịch núi với du lịch biển; mở rộng liên kết với các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Duy trì hợp tác phát triển du lịch với vùng Aquitaine Nouvelle (cộng hòa Pháp); hợp tác với Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong việc lập quy hoạch, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các mô hình điểm du lịch, đào tạo nhân lực.

Năm là, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và Phát triển nguồn nhân lựcKiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh đến các huyện, thành phố theo hướng đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu lực và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu quản lý du lịch; thành lập Sở Du lịch tỉnh Lào Cai; thành lập Ban quản lý Khu du lịch quốc gia Sa Pa; tăng cường hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai để đảm bảo cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước. Bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế về quản lý hoạt động du lịch; tăng cường đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đảm bảo tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch.

Xác định nguồn nhân lực du lịch là bộ phận quan trọng cấu thành nguồn nhân lực của toàn tỉnh, do đó, cần ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực tại địa phương (người dân bản địa) phục vụ du lịch cộng đồng, góp phần tạo việc làm trong khu vực nông thôn, xóa đói giảm nghèo. Thu hút nguồn nhân lực du lịch có trình độ cao từ các địa phương khác về làm việc tại tỉnh Lào Cai. Cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho doanh nghiệp, người dân từ nguồn ngân sách địa phương và Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới