Trong dịp lên xã vùng cao Hang Chú, huyện Bắc Yên gần đây, chúng tôi đã dành thời gian lớn khám phá những nét khắc độc đáo trên bãi đá cổ Khe Hổ và những câu chuyện ly kỳ về vùng đất còn khá nguyên sơ này. Tương truyền, thung lũng có bãi đá cổ khắc nhiều ký tự, hình họa trước đây là một vùng rất hoang vắng, hiểm trở, ở đây thường xuất hiện một con hổ lớn, ẩn nấp sau những tảng đá, lùm cây để vồ các con vật và cả người qua lại. Trong vùng, không ai dám bước chân đến đây, người dân trong vùng gọi đó là bãi đá Khe Hổ.
Thi công đường vào bãi đá cổ Khe Hổ.
Bãi đá cổ Khe Hổ nằm giữa một thung lũng có diện tích khoảng 50 ha, thuộc bản Hang Chú. Xung quanh là những vạt rừng xanh tốt, có dòng suối Hang Chú chảy theo hướng Bắc Nam. Khí hậu nơi đây mát mẻ, quanh năm mây mù bao phủ, càng khiến những điều bí ẩn xung quanh bãi đá cổ được thêu dệt theo trí sáng tạo và tưởng tượng của người dân, khiến nó càng thêm hấp dẫn, thu hút du khách và các nhà nghiên cứu khám phá, giải mã. Xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang của đồng bào dân tộc Mông là 9 khối đá granit (đá cẩm thạch), phân thành 6 cụm nằm cách nhau từ 50 - 200m, với nhiều hình thù lạ mắt. Những khối đá vẫn giữ được nguyên trạng phong hóa tự nhiên; mặt đá có những vết khắc trau chuốt, tỷ mỉ, rộng chừng 2cm, sâu 2,5cm. Các hình khắc phong phú, đa dạng, mang vẻ đẹp riêng trong phong cách tạo hình của nghệ thuật cổ, miêu tả cảnh thiên nhiên, núi đồi, sông suối, ruộng bậc thang... thông qua những hoa văn hình học ô vuông lồng vào nhau, hình xoáy trôn ốc, các đường tròn đồng tâm tập trung thành những cụm nhỏ từ 3 đến 5 vòng; hình khắc mặt người, các hoạt động nhảy múa, những hình khắc chạm trổ trên mặt đá tạo nên những bức tranh bí ẩn, lạ lùng... như phản ánh tư duy thẩm mỹ, cảm nhận của con người về thiên nhiên, lao động sản xuất, đời sống sinh hoạt. Các hình vẽ trên các phiến đá chứa đựng những điều bí ẩn, thách thức các nhà nghiên cứu tìm hiểu, giải mã. Còn với đồng bào dân tộc Mông ở Hang Chú thì bãi đá cổ là quyển sách lớn nhất của tổ tiên để lại, bà con luôn tin rằng bãi đá khắc Khe Hổ là nơi cư ngụ của các vị thần linh, để che chở, bảo vệ mùa màng, chống lại ma quỷ quấy nhiễu đời sống hằng ngày của họ. Theo các nhà khảo cổ, “bức tranh đá” ra đời vào thời kỳ kim khí, bởi để có những vết khắc, người xưa đã dùng những dụng cụ phải có độ cứng, sắc, nhọn tác động trực tiếp; chứng tỏ kỹ thuật luyện kim thời bấy giờ đã phát triển đến trình độ nhất định; năng suất lao động tăng, cuộc sống con người không còn phụ thuộc vào tự nhiên.
Các mô-típ khắc trên khối đá.
Được biết, bãi đá cổ Khe Hổ được phát hiện năm 2004 và đến năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cấp Bằng xếp hạng di tích quốc gia. Để bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La đã phối hợp với huyện Bắc Yên, UBND xã Hang Chú tích cực tuyên truyền, phổ biến giá trị của di tích đến nhân dân các dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ và phát huy di tích. Bên cạnh đó, huyện Bắc Yên đã đầu tư xây dựng đường bê tông đến khu di tích, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng hệ thống bảo vệ, duy trì lễ cúng thần đá; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, thu hút khách du lịch đến với di tích, gắn với các làng nghề thủ công truyền thống; đẩy mạnh các nguồn lực xã hội hóa từng bước hoàn thiện, cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch.
Ông Mùa Páo Tủa, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú cho biết thêm: Những năm gần đây, ngày càng có nhiều du khách quan tâm, đến tham quan bãi đá cổ. Xã đã cử cán bộ hướng dẫn, giới thiệu về bãi đá cổ và nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông. Để bảo vệ di tích, xã còn phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tuyên truyền đến nhân dân giữ nguyên hiện trạng di tích, không leo trèo, chạm khắc lên di tích; vận động những gia đình có vườn và ruộng trong khu vực cùng trông nom, bảo vệ di tích.
Bãi đá cổ Khe Hổ không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, chứa đựng nhiều giá trị về văn hoá, lịch sử, tín ngưỡng và giá trị nghiên cứu khoa học, mà còn là một địa điểm tham quan thú vị dành cho du khách thích khám phá, trải nghiệm, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!