Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho biết: Hiện nay, Nhật Bản là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa, du lịch được thúc đẩy mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Hội thảo quốc tế hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam-Nhật Bản là một trong những sự kiện quan trọng của ngành du lịch hai quốc gia nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản (21/9/1973-21/9/2023).
Năm 2023, du lịch Việt Nam đã có sự phục hồi mạnh mẽ sau những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,9 triệu lượt, trong đó thị trường khách Nhật Bản đạt 414.444 lượt khách, đứng thứ 5 trong top các thị trường quốc tế đến Việt Nam; khách du lịch nội địa đạt hơn 93,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 536,5 nghìn tỷ đồng.
Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự nỗ lực của toàn ngành du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm sinh kế người dân, nâng cao dân trí, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, song hành với sự phát triển du lịch còn là tình trạng quá tải khách du lịch, đặc biệt ở các địa phương, điểm đến có tăng trưởng mạnh về khách quốc tế và nội địa, điển hình như tại Sa Pa, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Sầm Sơn, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc…
“Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách du lịch, chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, môi trường, hệ sinh thái, an ninh, an toàn; ảnh hưởng đến công tác quản lý, vận hành của điểm đến; chất lượng cuộc sống người dân địa phương…”, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho hay.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Ông Watanabe Shige, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thông tin: Sau khi kiểm soát được dịch Covid-19, Nhật Bản đã áp dụng nhiều chính sách để thu hút du khách quốc tế và đạt được kết quả khá tích cực, trong đó, 9 tháng đầu năm, khách Việt Nam đến Nhật Bản đạt 440.000 lượt. Song du lịch Nhật Bản cũng phải đối mặt với việc tập trung quá đông du khách tại một số điểm đến...
Vì thế, Hội thảo được tổ chức nhằm đưa ra các sáng kiến, giải pháp thiết thực từ các nhà quản lý, chuyên gia du lịch, nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản vì sự phát triển bền vững của ngành du lịch hai nước.
Hội thảo đã nghe tham luận đề dẫn của các diễn giả đến từ cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của hai quốc gia về “Quá tải khách du lịch tại một số điểm đến ở Việt Nam, phát triển những điểm đến vệ tinh, hướng tới du lịch bền vững” và “Những xu hướng du lịch inbound mới nhất và những nỗ lực của Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản (JNTO) để hướng tới du lịch bền vững”.
Trên cơ sở đó, các đại biểu đánh giá thực trạng phát triển du lịch ở một số điểm đến thu hút đông đảo lượng khách nội địa, quốc tế; thảo luận về vấn đề quản lý sức chứa, quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch bền vững; từ đó đề xuất một số biện pháp nhằm giảm tải sức ép của du lịch tới điểm đến, tập trung vào phát triển điểm đến vệ tinh nhằm chia sẻ lượng khách từ trung tâm, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa, tạo động lực thúc đẩy kinh tế các điểm đến vệ tinh...
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch và Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản ký kết bản ghi nhớ hợp tác. |
Cũng tại hội thảo, đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) và Viện Nghiên cứu giao thông và du lịch Nhật Bản đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác, cùng tiến tới phát triển du lịch bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!