Ngày 7/7, huyện Mường La đã tổ chức Hội thảo “Khai thác tiềm năng phát triển du lịch huyện Mường La trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Dự Hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh, các chuyên gia về lĩnh vực du lịch và các doanh nghiệp, công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Hội thảo “Khai thác tiềm năng phát triển du lịch huyện Mường La
trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.
Huyện Mường La có thủy điện lớn nhất Đông Nam Á và hơn 20 công trình thủy điện vừa và nhỏ được phê duyệt và xây dựng với nhiều lòng hồ nhân tạo. Cùng với đó là những mó nước khoáng nóng dồi dào, hệ thống hang động đẹp và các di tích lịch sử thời kỳ kháng chiến chống Pháp; những nếp nhà sàn bằng gỗ pơ mu hàng trăm năm tuổi... là những tiềm năng phát triển du lịch. Trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Mường La là một trong bốn cụm du lịch của tỉnh có vai trò quan trọng trong hành trình du lịch tỉnh; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mường La lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định cùng với phát triển nông nghiệp xanh thì kinh tế du lịch là khâu đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tại Hội thảo, huyện Mường La đã đề cập đến thực trạng và định hướng phát triển du lịch huyện trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trên cơ sở đó đề xuất cơ chế, chính sách đối với loại hình, sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
Đoàn đại biểu khảo sát, tham quan Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La.
Tại Hội thảo, các đại biểu, doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp, ý tưởng để Mường La phát triển du lịch, như: Phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng kết hợp tắm khoáng nóng; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù; chú trọng bảo tồn, khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, các nét văn hóa dân tộc đặc sắc để đưa vào các tuor, tuyến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực quản lý, nhân viên phục vụ các khu lưu trú, chế biến các món ăn và hướng dẫn viên bài bản; tăng cường quảng bá và liên kết vùng trong phát triển du lịch trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển du lịch phải gắn với bảo vệ môi trường, nói không với rác thải nhựa; cắm biển báo, biển cảnh báo, biển chỉ dẫn vào khu du lịch, các di tích lịch sử, danh thắng...
Homestay Ngọc Chiến được hỗ trợ đầu tư, xây dựng đạt tiêu chuẩn du lịch cộng đồng
của AOP (Tổ chức phi chính phủ Úc tại Việt Nam)
Trước đó, các đại biểu đã khảo sát khu du lịch lòng hồ Sông Đà và khu du lịch cộng đồng Ngọc Chiến kết hợp tắm khoáng nóng, giao lưu văn nghệ, thưởng thức ẩm thực mang hương vị đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!