Dịp về Mường La vừa qua, tôi có cơ hội cùng anh Cầm Vui, cán bộ phòng Văn hóa thông tin huyện đi khám phá trải nghiệm tại hang Co Noong, một điểm di tích khảo cổ thuộc thị trấn Ít Ong (Mường La).
Cửa hang chính nhìn xuống hạ lưu sông Đà.
Từ Đồn Công an Thủy điện đi lên hang Co Noong có 2 đường, chúng tôi chọn đường tắt từ đầu đập leo thẳng lên núi cách cửa hang phía tây khoảng 250m. Vì đi khám phá, trải nghiệm nên ai nấy đều lỉnh kỉnh máy ảnh, camera, nước uống và dao để phát cây cỏ, tìm lối vào cửa hang. Anh Vui bảo: “Vừa qua mùa mưa nên cỏ mọc rậm, chứ vào mùa làm nương rẫy thì khu vực này đi lại dễ dàng hơn nhiều”. Qua Đài tưởng niệm những người hy sinh vì Thủy điện Sơn La, ngược dốc men qua những lối mòn, mỏm đá, dừng nghỉ 3 lần, chúng tôi cũng tiếp cận được cửa hang phía Tây.
Nói là cửa nhưng đó thực ra chỉ là cái lỗ thông gió, vì lối vào khá cao nên chúng tôi phải đu dây rừng chui qua ngách nhỏ chỉ lọt người lớn, rồi lại đu dây tụt xuống mấy bậc đá để lần vào trong hang. Đi sâu vào khoảng 20m, chúng tôi ngỡ ngàng trước cảnh sắc diệu kỳ của tạo hóa, thế giới của vô số nhũ đá với những hình thù kỳ ảo. Trong số này có một nhũ đá mang hình đôi trai, gái quấn quýt bên nhau, được gắn với truyền thuyết về mối tình thủy chung của một chàng trai nghèo với cô con gái nhà quan giàu có.
Đi sâu thêm vào lòng hang, chúng tôi cứ chuyển từ ngạc nhiên này đến sửng sốt khác bởi cảnh đẹp kỳ bí của tạo hóa. Lòng hang có hình vòng cung, chỗ rộng hơn 50m, có chỗ vòm hang cao tới 20m, các góc tối trần hang là nơi trú ngụ của những đàn dơi. Thạch nhũ trần hang cũng đủ kiểu hình dáng, kích thước, những khối thạch nhũ buông rủ, óng ánh tựa những đám mây ngũ sắc; có khối tựa những bức phù điêu tùy theo tưởng tượng của người thưởng ngoạn.
Cửa hang chính quay về hướng Đông, rộng khoảng 15m, cao hơn 7m, ở giữa có hòn đá to được một cây cổ thụ ôm lấy tựa cột chống cửa hang, chia hang thành 2 ngách. Đứng ở cửa hang nhìn xuống sẽ quan sát được cả công trình thủy điện Sơn La, thị trấn Ít Ong, rừng cao su Phiêng Tìn, cầu cứng Mường La và toàn bộ vùng hạ lưu sông Đà... khung cảnh kỳ vĩ và nên thơ.
Co Noong không chỉ là một hang đá tự nhiên mà còn có dấu vết của người Việt cổ. Theo ông Bùi Mạnh, cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng tỉnh, thì năm 1997 Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Sơn La đã tiến hành khai quật các địa tầng của hang và phát hiện 11 di vật đá, 2 công cụ bằng cuội... những di vật này mang đặc trưng loại hình kỹ thuật học văn hóa Sơn Vi và những mảnh gốm thô cứng, chắc, đặc trưng cho thời đại đồng thau, chứng tỏ hang Co Noong đã từng là nơi cư trú của người tiền sử thời sơ kỳ đồ đá.
Không chỉ là thắng cảnh đẹp, hang Co Noong còn mang ý nghĩa lịch sử trong ngành khảo cổ học, nếu được các cấp, các ngành chức năng đầu tư, quy hoạch, mở thêm các dịch vụ và những lối đi để quan sát, vãn cảnh, leo núi... sẽ tạo thành chuỗi tham quan du lịch từ thủy điện Sơn La - Đài tưởng niệm những người hy sinh vì Thủy điện Sơn La - hang Co Noong - suối khoáng nóng Ít Ong, để thu hút khách thập phương.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!