Những cách làm thiết thực nhằm giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, hướng tới du lịch bền vững ở Việt Nam đã được các khách mời thẳng thắn chia sẻ tại tọa đàm “Giảm thiểu thải nhựa trong hoạt động du lịch ở Việt Nam”
ông Bình nêu rõ.
Ông Vũ Thế Bình phát biểu khai mạc tọa đàm. (Ảnh: T.LINH) |
Nguồn phát sinh rác thải nhựa trong hoạt động du lịch gồm cả ở trên đất liền và trên biển từ cơ sở dịch vụ du lịch, khách du lịch, tàu, thuyền du lịch, khu vực nuôi trồng thủy, hải sản,…Các loại rác thải nhựa chính là túi ni-lông, hộp xốp, hộp nhựa, vỏ chai, ống hút, vỏ dầu gội, sữa tắm, áo phao, đồ cứu hộ, lưới, xốp từ hoạt động nuôi trồng thủy, hải sản,…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, ước tính, trong du lịch, trung bình mỗi khách du lịch thải ra môi trường từ 5-10 túi ni-lông/ngày; 2-4 vỏ chai nhựa, hộp sữa/ngày chưa kể đến các sản phẩm, vật dụng cá nhân làm bằng nhựa dùng 1 lần. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt một số thành phố có hoạt động du lịch phát triển.
Báo cáo do Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR) cung cấp nhận định, sự tăng trưởng cao lượng khách du lịch và xu hướng du lịch đại trà tại Việt Nam giai đoạn vừa qua đã xả thải lượng lớn chất thải, trong đó có rác thải nhựa.
Một số điểm đến tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa như: tại Vịnh Hạ Long, ước tính trung bình 4 tấn rác thải/ngày đêm, chủ yếu là rác thải nhựa trôi nổi trên biển. Tại Sầm Sơn, trung bình 105 tấn rác thải/ngày, đêm; trong đó, rác thải nhựa chiếm 24%, tương đương 25,2 tấn/ngày, đêm. Tại Đà Nẵng, trong 1.100 tấn rác thải/ngày, đêm có tới 17% là rác thải nhựa, tương đương 20,8 tấn mỗi ngày. Tại Tuy Hòa (Phú Yên), rác thải nhựa chiếm 18,31% trong 524 tấn rác thải/ngày,đêm. Tại Rạch Giá (Kiên Giang), lượng rác thải nhựa mỗi ngày lên tới 32,1 tấn, chiếm 19% trong 155 tấn rác thải/ngày, đêm.
(Nguồn: Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) |
ITDR thống kê, năm 2019 trước khi có dịch Covid-19, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch tại Việt Nam là 116.144 tấn/năm. Dự báo nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch vào năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019, ở mức 336.400 tấn/năm. Đây là áp lực rất lớn đến môi trường, nhất là tại các khu du lịch biển, gây phản cảm cho khách du lịch, làm mất đi các sản phẩm du lịch biển, đảo, dẫn tới suy giảm lượng khách, thiệt hại hại về kinh tế du lịch.
Dự báo nếu không có các biện pháp giảm thiểu, lượng phát sinh rác thải nhựa từ khách du lịch vào năm 2030 sẽ cao gấp khoảng 3 lần so với năm 2019, ở mức 336.400 tấn/năm.
Hành động để phát triển du lịch bền vững
Nhận thức được nguy cơ hiện hữu của rác thải nhựa đối với du lịch, trong nhiều năm qua, Việt Nam đã ban hành một loạt chính sách, pháp luật quản lý rác thải nhựa. Trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các bộ tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường với các cơ sở du lịch và dịch vụ. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới việc hướng tới các khu du lịch, cơ sở lưu trú hạn chế sử dụng và tới năm 2025, 100% khu du lịch, cơ sở du lịch không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy.
(Nguồn: Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (ISPONRE), Bộ Tài nguyên và Môi trường). |
Ông Vũ Thế Bình cho biết, nhận thức được trách nhiệm của mình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã hưởng ứng nhanh và mạnh mẽ chương trình giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành Du lịch khi vận động các doanh nghiệp lữ hành tham gia nhiều hoạt động thu gom và xử lý rác thải nhựa.
Gần đây nhất, được sự ủng hộ của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (UNDP/GEF SGP), Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) triển khai Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch cả nước, đưa toàn ngành tham gia tích cực và hiệu quả vào công tác giảm thiểu rác thải nhựa ở Việt Nam.
Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, cán bộ phụ trách dự án cho biết, dự án hướng đến 3 mục tiêu chính: Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp,người dân và du khách về rác thải nhựa; Đề xuất các giải pháp và sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trong hoạt động du lịch, từ đó xây dựng “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa” để áp dụng thí điểm và ban hành; Xây dựng kế hoạch hành động chi tiết trong ngành du lịch, nghiên cứu thiết kế ứng dụng (apps) về quản lý rác thải nhựa trong ngành du lịch.
Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Điều phối viên quốc gia Văn phòng Quỹ Môi trường toàn cầu UNDP Việt Nam, chia sẻ, dự án kỳ vọng gắn kết các hành động giảm thiểu rác thải nhựa, thúc đẩy lối sống sinh thái nói riêng cùng với các hoạt động bảo vệ môi trường bền vững nói chung trong ngành du lịch.
“Khi hàng nghìn, hàng chục nghìn doanh nghiệp có những kế hoạch hành động cụ thể, từ những việc nhỏ nhất như giảm vật dụng nhựa một lần trong nhà hàng, khách sạn, về lâu dài, ngành du lịch có thể hướng tới giảm rác thải nhựa một cách bền vững”, bà Huyền nhấn mạnh.
Kỳ vọng từ mô hình thành công
Dự án hiện được triển khai thí điểm tại 2 điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam là thành phố Hội An (Quảng Nam) và huyện Gia Viễn (Ninh Bình) đã bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực cũng như tính khả thi để nhân rộng mô hình ra toàn quốc.
Chia sẻ tại tọa đàm, bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, Chuyên gia mạng lưới GAIA, BFFP - thành viên HHDL Quảng Nam (QTA) đã thông tin một số giải pháp áp dụng thành công tại Hội An: Xác định chính xác đối tượng truyền thông, mời họ tham gia dự án; Tạo sản phẩm du lịch bền vững (ví dụ như Hội An đã xây dựng những điểm đến mang chủ đề "Không rác thải"); Xây dựng slogan "Không rác thải" như một mô hình kinh doanh xã hội, mô hình phát triển cộng đồng; Cho du khách tham gia trải nghiệm để trở thành một phần của giải pháp Du lịch xanh, du lịch bền vững.
Hội An đã tạo ra được một hệ sinh thái tái chế. |
Bà Hạnh cho hay, yếu tố được cho là thành công nhất tại Hội An là chương trình đã tạo ra được một hệ sinh thái tái chế tại địa phương mà ở đó tất cả đều tham gia vào quá trình tái chế rác thải nhựa. Hiệu quả của chương trình này được thể hiện bởi các con số ấn tượng mà chính các cơ sở lưu trú, chính người dân và khách du lịch tại Hội An tự cảm nhận được.
Tới nay tại Hội An có 27 cơ sở kinh doanh như quán cà phê, villa homestay, nhà hàng…đong đầy các sản phẩm tẩy rửa (nước rửa chén, nước lau sàn, giấm tẩy rửa…) và tái sử dụng nhiều chai lọ - giảm bớt tiêu thụ mới.
Ước tính khách sạn La Siesta Hội An Resort & Spa đã cắt giảm hoàn toàn khoảng 3,5 tấn nhựa/năm. Silk Sense Hoi An River Resort sau 1,5 năm thay thế chai nước nhựa bằng chai thuỷ tinh đã giảm được việc sử dụng 20,000 chai nhựa dùng một lần.
Quảng Nam đã xây dựng và áp dụng Bộ tiêu chí Du lịch xanh Quảng Nam. |
Từ những ngày đầu bắt đầu chương trình, nhiều khu lưu trú còn loay hoay về cách làm thế nào để tái chế rác thải nhựa thì đến nay, Hội An đã tạo ra được các sản phẩm du lịch mới đã trở thành “đặc sản” của địa phương đó là du lịch du lịch không rác thải, chỗ ở không rác thải, ăn bữa ăn không rác thải.
Theo bà Hạnh, để có được điều này thì hành động của doanh nghiệp du lịch là chưa đủ. “Nâng cao năng lực và sự tham gia của cộng đồng người dân tại địa phương Điểm đến trong việc thực hiện những hành động Không rác thải trong tại hộ gia đình, tại khu dân cư..đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng Điểm đến Xanh”, bà Hạnh lưu ý.
Còn tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình nơi sở hữu đầm Vân Long - khu ramsar thứ 9 của Việt Nam, mô hình giảm thiểu rác thải nhựa được thực hiện từ chính cộng đồng địa phương.
Bà Vũ Thị Dược, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn trình bày về chương trình giảm thiểu rác thải nhựa tai địa phương. (Ảnh: T.LINH) |
Bà Vũ Thị Dược, Phó chủ tịch UBND huyện Gia Viễn cho hay, huyện Gia Viễn hiện vẫn chưa có các khách sạn, khu resort lớn, cơ sở lưu trú phổ biến tại địa phương là các nhà nghỉ, homestay nhỏ, gần với thiên nhiên. Do đó, chiến dịch giảm thiểu rác thải nhựa được áp dụng một cách gần gũi, cụ thể nhất với chính cộng đồng địa phương theo nhiều hình thức, chủ yếu tuyên truyền giáo dục, lan tỏa thông điệp sống xanh, tái chế rác thải nhựa.
Các chương trình đang được địa phương triển khai là: Chở xanh - Thở lành (phát thùng rác bằng mây tre đan cho người dân, khách du lịch); chương trình “hộp quà xanh - điều em muốn nói” để các học sinh tái chế rác thải nhựa thành các tháp cây: trồng cây xanh và làm các sản phẩm quà tặng để gây quỹ hỗ trợ cho trẻ em khuyết tật; ngày chủ nhật xanh. Các chương trình này không chỉ được thực hiện trong cộng đồng địa phương mà du khách cũng được tham gia. Thí dụ, khi đến thăm đầm Vân Long, du khách được mời về nhà cộng đồng để cùng người dân địa phương làm các sản phẩm tái chế, tạo ra tháp cây.
Lắng nghe câu chuyện thực tiễn của Hội An và Gia Viễn, các đại biểu tham gia tọa đàm cho rằng cần nhân rộng hai mô hình này ra các điểm đến còn lại trên toàn quốc để sớm tạo ra được hiệu quả lan tỏa tích cực trong giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!