Du lịch Sơn La trong vòng cung Tây Bắc

Tây Bắc là nơi sinh sống của hơn 30 dân tộc anh em, với không gian văn hóa rộng lớn và phong phú, tiềm năng phát triển du lịch đa dạng, với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch. Phát huy lợi thế đó, chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, gồm: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Hòa Bình đã xây dựng được khung kế hoạch hành động hằng năm, tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện: Cơ chế chính sách, quảng bá, phát triển sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực... Qua đó, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu du lịch của cả vùng và từng địa phương với nhiều sản phẩm đặc trưng, da dạng, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

 

 

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.

 

Tiềm năng du lịch của 8 tỉnh phong phú, đa dạng: Phú Thọ - kinh đô Văn Lang thời các vua Hùng dựng nước, được xem là vùng đất “vàng” phát triển du lịch tín ngưỡng tâm linh hướng về cội nguồn, với điểm nhấn là Khu di tích lịch sử Đền Hùng. Yên Bái nổi tiếng với Nhà máy thủy điện Thác Bà cùng danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải, những thửa ruộng bậc thang kỳ vĩ, như những “nấc thang vàng” đi vào sử sách, thơ ca... Lào Cai với Sa Pa chứa nhiều điều kỳ diệu của thiên nhiên có sức hút mãnh liệt; hình ảnh đặc trưng là nhà thờ cổ ở ngay thị trấn; lên núi Hàm Rồng như lạc vào vườn tiên; thung lũng Mường Hoa, Tả Phìn ẩn hiện trong sương khói và đỉnh Phan Si Păng được coi là nóc nhà Đông Dương. Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc với cao nguyên đá Đồng Văn trải rộng được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu và có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh quốc gia, như: Di tích kiến trúc nhà Vương, cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, núi đôi Quản Bạ, cánh đồng hoa tam giác mạch. Lai Châu nổi tiếng với di tích thắng cảnh quốc gia động Tiên Sơn; di chỉ khảo cổ hang Nậm Tun và điệu xòe Phong Thổ ngây ngất trong những đêm hội miền Tây Bắc. Điện Biên là địa danh nổi tiếng toàn cầu với chiến công oanh liệt của quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Hòa Bình được coi là cái nôi của người Mường cổ, với nét văn hóa đặc sắc cồng chiêng; ngoài ra còn có động Ðá Bạc, suối nước khoáng nóng Kim Bôi, khu du lịch cộng đồng bản Lác (Mai Châu)...

 

 

Lễ hội đua thuyền trên hồ sông Đà tại huyện Quỳnh Nhai.  

Ảnh: Ngọc Thuấn

 Trong vòng cung du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, Sơn La hiển hiện với vùng núi non hùng vĩ, bên dòng sông Đà, sông Mã thơ mộng, khí hậu quanh năm trong lành mát mẻ. Mỗi độ xuân về hoa ban, hoa đào khoe sắc trên các sườn non tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình, một bức tranh thiên nhiên sắc màu quyến rũ, hấp dẫn mời gọi du khách 4 phương về với miền ban trắng thơ mộng. Sơn La có 12 dân tộc anh em luôn đoàn kết gắn bó thủy chung, đã và đang bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, được trao truyền, bồi đắp qua các thế hệ. Miền đất có nhiều lễ hội truyền thống: Lễ hội hoa ban, lễ hội cơm mới, lễ hội Hết Chá...; các lễ hội gắn với sản phẩm nông nghiệp như Lễ hội trà Mộc Châu, Ngày hội xoài Yên Châu, Ngày hội nhãn Sông Mã, Ngày hội cam Phù Yên... Từ thành phố đến vùng cao, biên giới có hơn 3.000 đội văn nghệ quần chúng đang bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc tại cơ sở. Ẩm thực dân tộc phong phú, hấp dẫn...

 

 

Du khách tham quan khu du lịch thác Dải Yếm, xã Mường Sang (Mộc Châu).

 

Qua địa phận của tỉnh Hòa Bình, du khách đến với Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu, được xây dựng trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ với các điểm đến vô cùng hấp dẫn, như: Rừng thông bản Áng được ví như một Đà Lạt thu nhỏ của Tây Bắc, đẹp như một bức họa với những nếp nhà sàn thấp thoáng dưới rừng thông; Thác Dải Yếm 3 tầng tuôn chảy suốt ngày đêm, như dải lụa trắng mềm mại, xung quanh là những thảm thực vật đan xen, hòa quyện, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo và hấp dẫn... Cùng với đó là các tour tham quan đồi chè, trang trại bò sữa, vườn hoa cải, hoa lan, dâu tây... cùng các khu du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm độc đáo. Di chuyển về Thành phố Sơn La, du khách không thể không đến với Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La; Đền vua Lê Thái Tông; Quảng trường Tây Bắc... Ngược vào với Mường La, thăm Công trình Thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á; thăm xã Ngọc Chiến với phong cảnh đẹp như bức tranh, khí hậu trong lành mát mẻ, đắm mình trong mó nước nóng tự nhiên tuyệt vời. Dòng sông Đà hiểm trở ngày nào nay trở thành vùng hồ rộng lớn của thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, tạo thành một quần thể sinh thái có giá trị lớn về du lịch và nuôi trồng thủy sản; du thuyền trên hồ, du khách sẽ được đắm mình với thiên nhiên mênh mông sông nước, trùng điệp núi rừng. Vào với Quỳnh Nhai, du khách đến thăm Linh sơn Thủy từ - Đền thờ nàng Han, cầu Pá Uôn có trụ cột cao nhất Việt Nam. Trên vùng hồ thủy điện Sơn La, từ cây cầu Pá Uôn ngược lên là Đảo Trái Tim có diện tích 1,3 ha, đây là điểm dừng chân lý tưởng trong hành trình du thuyền trên lòng hồ thủy điện Sơn La để du khách thưởng thức ẩm thực dân tộc, tham quan, trải nghiệm, vui chơi giải trí... Sơn La còn được thiên nhiên ban tặng hệ thống hang động hấp dẫn, suối khoáng nóng ở nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang là điểm nhấn thu hút du khách thập phương về với Sơn La.

Điểm nhấn của chương trình hợp tác phát triển du lịch, những năm qua, Sơn La đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, xuất bản các ấn phẩm quảng bá về du lịch (bản đồ, tờ rơi, tập gấp, sách ảnh cẩm nang, biển quảng cáo tấm lớn...); mời các doanh nghiệp trong, ngoài nước đến khảo sát du lịch địa phương. Tham dự các tuần lễ văn hóa du lịch, Hội chợ thương mại quốc tế, các giải thể thao và lễ hội truyền thống; tham gia ký kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh và doanh nghiệp trong và ngoài nước; tham gia xây dựng, hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà qua các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Lĩnh vực hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch, Sơn La đã chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí lực lượng trực tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ tham dự khóa tập huấn nghiệp vụ và nâng cao kỹ năng nghề. Cùng với quy hoạch, phát triển các điểm du lịch, loại hình dịch vụ, Sơn La hiện có 310 khách sạn, nhà nghỉ. Năm qua, đón gần 2 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách quốc tế trên 110 nghìn lượt người, doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.900 tỷ đồng, góp phần cùng 8 tỉnh nâng số khách du lịch đến khu vực lên trên 20 triệu lượt, trong đó gần 2 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt gần 23.000 tỷ đồng.

Bằng hoạt động liên kết hợp tác du lịch, 8 tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng đã không ngừng phát huy giá trị của di sản văn hóa để trở thành tài sản phục vụ du lịch. Không ngừng xây dựng và áp dụng các tuyến du lịch vùng, liên vùng và các tuyến du lịch mang đậm tính chất vùng miền, từ đó tạo thương hiệu cho Tây Bắc và Việt Nam như du lịch thờ mẫu, tuyến du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, du lịch ruộng bậc thang, du lịch lễ hội dân gian truyền thống, du lịch chợ phiên, du lịch tham quan nghề thủ công truyền thống... Qua liên kết phát triển du lịch, Tây Bắc cũng dần khẳng định vị trí trong ngành du lịch của Việt Nam, hứa hẹn về một khu vực giàu tiềm năng phát triển du lịch. Theo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch của vùng hướng tới mục tiêu chung là hình thành 7 Khu Du lịch quốc gia, gồm: Khu du lịch sinh thái công viên địa chất Đồng Văn; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Sa Pa; Khu du lịch Văn hóa Lễ hội Đền Hùng; Khu du lịch sinh thái Hồ Thác Bà; Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng núi Mộc Châu; khu du lịch sinh thái văn hóa lịch sử Điện Biên Phủ; Khu du lịch sinh thái Hồ Hòa Bình; kết nối tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm của các Khu Du lịch quốc gia trong vùng sẽ hình thành có tính liên ngành, liên vùng, tạo bước đột phá để tăng cường thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với vùng Tây Bắc.

Đôi nét phác thảo về vòng cung Tây Bắc cho thấy vùng Tây Bắc mở rộng của Tổ quốc là nơi hội tụ đầy đủ những điều kiện cần và đủ để trở thành tuyến, điểm du lịch quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước. Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên nhân văn, cùng với kết quả hợp tác đã đạt được, trong tương lai, các tỉnh Tây Bắc mở rộng tiếp tục liên kết để xây dựng thương hiệu du lịch của vùng, sớm đưa 8 tỉnh có cùng hướng đi, tạo ra nấc thang mới cho sự phát triển của ngành du lịch mỗi tỉnh nói riêng và cả vùng Tây Bắc mở rộng nói chung.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới