Du lịch Sơn La phát triển và hội nhập

Nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Bắc, Sơn La có 12 dân tộc anh em luôn đoàn kết, gắn bó thủy chung, bản sắc văn hóa các dân tộc được trao truyền, bồi đắp qua các thế hệ; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, với 4 loại địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch là: núi, đồi, đồng bằng và sông hồ... Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế đó, những năm qua, tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ trong liên kết, hợp tác phát triển du lịch trong vùng. Đặc biệt, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Thường vụ tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh du lịch được quan tâm đầu tư; công tác quản lý nhà nước về du lịch từng bước được hoàn thiện và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

 

 

Du khách tham quan thác Dải Yếm, xã Đông Sang (Mộc Châu).

Ảnh: Thu Thảo

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã đầu tư gần 143 tỷ đồng xây dựng các công trình hạ tầng như: Các tuyến đường giao thông trục chính, đường giao thông nội bộ, điện, công viên, quảng trường... sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các chính sách thu hút đầu tư phát triển du lịch. Từ năm 2014-2019, tỉnh đã thu hút 132 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, với tổng vốn đăng ký hơn 6.373 tỷ đồng. Nhiều dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả, đóng góp nguồn thu cho ngân sách và tạo thêm việc làm cho người lao động. 

 

 

Vòng xòe đoàn kết bên Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc tại Quảng trường Tây Bắc.

Ảnh: PV

Thực hiện Quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh ta đã và đang triển khai xây dựng 14 quy hoạch, trong đó 2/14 quy hoạch đã được phê duyệt; 1/14 quy hoạch được phê duyệt chủ trương; 11/14 quy hoạch đang xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

                 

Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được xác định là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Công tác rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng lòng hồ và các quy hoạch ngành, sản phẩm liên quan trực tiếp đến khai thác tiềm năng vùng lòng hồ đã được quan tâm. Đồng thời, đề ra các giải pháp cụ thể tập trung vào việc khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch tại các địa phương.

                 

Về xây dựng phát triển sản phẩm du lịch, thời gian qua, tỉnh đã tập trung phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, chú trọng phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc thù, đảm bảo việc xây dựng các sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... Việc hoàn thiện và xây dựng các điểm, khu du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, như: Tập trung phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, Khu du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La, Khu du lịch thành phố Sơn La, Khu du lịch Bắc Yên, du lịch Rừng thông bản Áng; Khu du lịch Ngọc Chiến - Mường La. Xây dựng và phát triển các điểm du lịch, như: Thác Dải Yếm, Happyland, Pha Luông (Mộc Châu); Rừng Vàng, Thung lũng Hoa Ban (Thành phố); Đảo trái tim, Vịnh Uy Phong (Quỳnh Nhai); điểm du lịch Tà Xùa, Sống lưng khủng long, Đồi Pu Nhi (Bắc Yên). Xây dựng và hoàn thiện các điểm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, như: Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La, Quảng trường Tây Bắc, Chùa Hưng Quốc, Đền Vua Lê Thái Tông (Thành phố); Đền Linh Sơn Thủy Từ và Đền Nàng Han (Quỳnh Nhai); Đền Hang Miếng (Vân Hồ)...

                 

Mạng lưới khách sạn, nhà hàng có bước phát triển cả về số và chất lượng, đủ điều kiện phục vụ các sự kiện lớn và đón khách du lịch trong và ngoài nước đến với Sơn La, như: Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Mạnh Tuân, Khách sạn Sao Xanh, Khách sạn Sơn La, Khách sạn Sen Vàng, Khách sạn Hoa Ban Trắng, Khách sạn Sao Mai, Resort Thảo Nguyên... Hệ thống nhà hàng phát triển khá mạnh, không gian rộng, quy mô lớn, có thể đáp ứng từ 1.000 đến 4.000 chỗ ngồi, đó là: Nhà hàng Suối hẹn Vườn Đào, Trung tâm Du lịch sinh thái Mộc Châu; Trung tâm Dịch vụ thị trấn Mộc Châu, thị trấn Nông trường Mộc Châu... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 320 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 46 khách sạn, còn lại là nhà nghỉ du lịch và homestay.

                 

Việc phục dựng lễ hội truyền thống các dân tộc đã tạo ra các hoạt động phong phú hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, tìm hiểu phong tục tập quán tốt đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc, tiêu biểu: Lễ hội Hết Chá, Lễ hội Cầu mưa, Lễ hội Hoa Ban, Hội Hạn Khuống, Lễ hội Mừng cơm mới, Lễ hội Gội đầu (dân tộc Thái), Lễ Cúng dòng họ (dân tộc Mông), Lễ Lập tịnh (dân tộc Dao), Lễ hội Mợi (dân tộc Mường), Lễ hội Pang A Nụn Ban (dân tộc La Ha), Lễ hội Cầu mùa (dân tộc Khơ Mú). Nghiên cứu, giới thiệu, bảo tồn, phát huy các hoạt động văn hóa cộng đồng như: Múa xòe, nhảy sạp (dân tộc Thái), múa chuông (dân tộc Dao), nhảy tha kềnh (dân tộc Mông); lăm vông (dân tộc Lào)... Đồng thời, tổ chức sự kiện du lịch gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giới thiệu quảng bá nông sản an toàn, thu hút khách du lịch (Ngày hội Xoài Yên Châu; Ngày hội Nhãn Sông Mã; Ngày hội Văn hóa du lịch, Ngày hội Hái quả, Hội Chè cao nguyên Mộc Châu; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Quỳnh Nhai; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch huyện Bắc Yên, Ngày hội Văn hóa, thể thao và nông sản huyện Phù Yên, Ngày hội hoa đào huyện Vân Hồ)... Hình thành một số sản phẩm du lịch trải nghiệm trang trại, như: Hợp tác xã Rau an toàn tự nhiên, Hợp tác xã Nấm - Thảo Nguyên, Hợp tác xã dược liệu - Mộc Châu Xanh, Khu du lịch sinh thái Hồng Công, Hợp tác xã Chanh leo (Mộc Châu)...

                 

Trên cơ sở khai thác tiềm năng lợi thế, kiến trúc nhà ở, cảnh quan, văn hóa bản địa, đã từng bước phát triển du lịch cộng đồng, tạo ra các dịch vụ trải nghiệm, giao lưu văn hóa cộng đồng, thưởng thức ẩm thực, nghỉ cộng đồng có sức hút đối với du khách, đó là các điểm du lịch cộng đồng: Bản Bó (Thành phố), bản Áng (Mộc Châu), bản Lướt, bản Nà Tâu (Mường La), bản Bon (Quỳnh Nhai), bản Hua Tạt (Vân Hồ)... Một số homestay có chất lượng, thu hút khách du lịch như: Homestay A Chu (Vân Hồ); Homestay Tiến Quân, Sơn Khè (Thành phố); Homestay Nhà Tôi (Mộc Châu); Homestay Minh Hậu, Trung Kiên (Mường La)...

                 

Cùng với đó, việc nâng cao năng lực quản lý, liên kết phát triển du lịch, hình thành tour du lịch trọng điểm có nét độc đáo riêng luôn được quan tâm, bước đầu kết nối tour, tuyến nội tỉnh, liên kết 3 trung tâm: Khu du lịch quốc gia Mộc Châu - thành phố Sơn La - Biển hồ thủy điện Sơn La. Liên kết tour, tuyến du lịch với các tỉnh Tây Bắc mở rộng; đặc biệt là kết nối tour, tuyến du lịch với thủ đô Hà Nội và liên kết phát triển du lịch theo chương trình 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; kết nối, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh Bắc Lào. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực, tính đến hết năm 2019, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh có 4.217 lao động trực tiếp và 9.077 lao động gián tiếp, nguồn nhân lực đã qua đào tạo đạt khoảng 45%. Cũng trong năm 2019, Sơn La đón 2,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch xã hội đạt 1.900 tỷ đồng.

                 

Để phát triển du lịch Sơn La trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu đến năm 2025 đạt tổng lượng khách du lịch là 5,2 triệu lượt người, doanh thu khoảng 5.800 tỷ đồng, tỉnh ta tiếp tục cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển du lịch; trong đó chú trọng các điểm du lịch trọng điểm, mang tính kết nối (Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, du lịch lòng hồ thủy điện, các điểm du lịch tâm linh, danh lam thắng cảnh, du lịch văn hóa, dân tộc...). Tăng cường huy động các nguồn lực trong xã hội đầu tư cho phát triển du lịch; ưu tiên công tác xây dựng quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến quảng bá; phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Chú trọng đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa; phục dựng các lễ hội văn hóa dân tộc. Phát triển các hoạt động du lịch, dịch vụ phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch mạo hiểm. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch, đặc biệt ở những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, liên kết phát triển du lịch; xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Xây dựng bộ tiêu chí công nhận các dịch vụ du lịch đạt chuẩn, hướng dẫn các đơn vị, cá nhân ký cam kết xây dựng dịch vụ đạt chuẩn; thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng.

 

Một số hình ảnh du lịch ở tỉnh Sơn La

Phóng sự ảnh: Nhóm Phóng viên

 

 

Du lịch lòng hồ thủy điện khu vực cầu Pá Uôn (Quỳnh Nhai).

 

 

Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài (Yên Châu).

 

 

Cánh đồng Mường Tấc (Phù Yên).

 

 

Khu du lịch Pha Đin Top - Điểm đến hấp dẫn du khách trên đèo Pha Đin.

 

 

Điểm du lịch suối khoáng tại xã Ngọc Chiến (Mường La).

 

 

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới