Phù Yên được đánh giá là địa phương giàu truyền thống văn hóa, với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, cùng với cảnh quan thiên nhiên phong phú, núi cao, hồ, suối khoáng nóng, hang động có ưu thế phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách.
Điểm nhấn là rừng thông Noong Cốp rộng 1.300 ha tại xã Quang Huy; khu vực núi cao Suối Tọ; đồi thông ở Suối Bau; hồ Suối Chiếu, xã Mường Thải; rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại bản Nhọt, xã Gia Phù. Ngoài ra, còn có di tích Đình Chu, xã Quang Huy và di tích Đèo Lũng Lô, cũng đang được địa phương quy hoạch để có thể khai thác, xây dựng các tour, tuyến du lịch, theo 3 loại hình, gồm: Du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và du lịch trải nghiệm.
Tuy nhiên, những năm gần đây, ngành du lịch của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, bởi thiếu sự liên kết giữa những người làm du lịch; kinh nghiệm xây dựng các tuyến du lịch chưa nhiều. Hơn nữa, điều kiện cơ sở hạ tầng của huyện phát triển thiếu đồng bộ, hệ thống sản phẩm du lịch chưa đa dạng và nguồn lao động hoạt động trong lĩnh vực này còn hạn chế.
Trao đổi với chúng tôi về việc tháo gỡ khó khăn trong phát triển ngành du lịch của huyện, ông Đặng Quang Hưng, Chủ tịch UBND huyện Phù Yên, cho biết: Để đưa du lịch Phù Yên từng bước phát triển, chúng tôi đã nhận định và triển khai đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tổ chức khảo sát, xây dựng báo cáo, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Tận dụng hiệu quả nguồn lực từ nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có tính bền vững, sáng tạo, có tính cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, tạo sự thu hút du khách đến với địa phương, huyện tập trung xây dựng các điểm trung chuyển khách du lịch giữa huyện Mộc Châu và huyện Bắc Yên. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn và các điểm du lịch trên địa bàn đầu tư, xây dựng sửa chữa cơ sở hạ tầng, đáp ứng nhu cầu của du khách. Huyện còn tập trung đào tạo nguồn nhân lực, người lao động làm việc trong ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ du khách. Trong quá trình hoạt động, huyện chỉ đạo có sự quản lý giá dịch vụ của địa phương và sự thống nhất giữa các cơ sở, tránh tình trạng “chặt chém” khách du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của địa phương.
Liên kết, hỗ trợ phát triển du lịch, UBND huyện đã vận động các cơ sở hoạt động lĩnh vực du lịch thành lập Chi hội du lịch huyện, với sự tham gia của 23 thành viên. Các thành viên trong chi hội đã và đang nghiên cứu tận dụng lợi thế, phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển các loại hình dịch vụ du lịch và liên kết hình thành các tour, tuyến du lịch, nhằm mang lại những dịch vụ tốt nhất thu hút khách du lịch đến khám phá và trải nghiệm tại huyện Phù Yên.
Ông Tạ Huy Dự, Chi hội trưởng Chi hội Du lịch huyện Phù Yên, cho biết: Hiện nay, lĩnh vực du lịch của huyện đang ở giai đoạn hình thành đầu tiên, nên còn hạn chế về kinh nghiệm và kiến thức làm du lịch. Vì vậy, việc thành lập Chi hội Du lịch huyện sẽ giúp chúng tôi có cơ hội đến tham quan, học hỏi cách làm của các địa phương trong tỉnh, từ đó xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp. Đồng thời, tham mưu với UBND huyện triển khai xây dựng các tuyến du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Phát triển du lịch ở huyện Phù Yên vẫn còn một chặng đường dài phía trước; xây dựng các tuyến du lịch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và hấp dẫn du khách đòi hỏi có sự thống nhất và quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như tập thể, cá nhân hoạt động lĩnh vực du lịch để triển khai từng bước bài bản, khoa học. Phù Yên ưu tiên tạo mối liên kết giữa du lịch với tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, trải nghiệm văn hóa truyền thống các dân tộc, tạo cơ hội phát triển du lịch nông thôn. Hỗ trợ nhân dân đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động du lịch, trải nghiệm trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!