Du lịch Châu Mộc - điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn

Những năm gần đây, Mộc Châu đã trở thành điểm du lịch ưa thích của du khách trong và ngoài nước. Hình ảnh một cao nguyên xanh, thơ mộng với những điểm trải nghiệm hấp dẫn, người dân thân thiện, giàu lòng mến khách, hệ thống dịch vụ dần hướng đến chuyên nghiệp, tất cả đang làm nên thương hiệu của Du lịch Mộc Châu.

               

 

Du khách tham quan thác Dải Yếm, xã Mường Sang (Mộc Châu).

Ảnh: PV

 

Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Quyết định này, cùng sự quan tâm đặc biệt của tỉnh Sơn La, khiến cho Mộc Châu tạo được sức bật mạnh về phát triển du lịch trong giai đoạn này. Chỉ sau 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, du lịch Mộc Châu có rất nhiều thay đổi từ tầm nhìn của cấp ủy, chính quyền địa phương đến những việc làm cụ thể của các tầng lớp nhân dân, thay đổi từ đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch, song song với phát triển đa dạng các dịch vụ và sản phẩm du lịch mới, cơ bản đáp ứng tiêu chí của khu du lịch quốc gia. Giờ đây, ấn tượng của du khách về Mộc Châu không chỉ là thảo nguyên xanh bát ngát đồng cỏ, đồi chè, khí hậu trong lành, mát mẻ mà còn có những sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng, như: Du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng và du lịch “nông nghiệp” gắn liền với những điểm đến nổi tiếng được nhiều người biết đến, như: Khu du lịch rừng thông bản Áng, thác Dải Yếm, Cầu kính tình yêu, Happy land...

                 

Phát triển văn hóa thành sản phẩm du lịch cũng được Mộc Châu chú trọng. Các lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian được phục dựng, kết hợp với các chương trình nghệ thuật được chắt lọc từ bản sắc văn hóa của 12 dân tộc sinh sống tại đây, tạo nên những nét riêng cho du lịch Mộc Châu. Các điểm du lịch cộng đồng ở bản Áng, xã Đông Sang; bản Dọi, xã Tân Lập; bản Vặt, xã Mường Sang… đã trở thành điểm đến hút khách nhờ phát huy được bản sắc văn hóa địa phương. Chỉ cần điểm qua, mỗi năm Mộc Châu có đến hàng chục các sự kiện thường niên được tổ chức; trong đó có Lễ hội Hết Chá - một trong 6 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của huyện Mộc Châu; Lễ hội Cầu Mưa; Ngày hội hái quả; Hội thi “Hoa hậu bò sữa Mộc Châu”; Lễ hội trà.. Đặc biệt, đúng dịp 2/9 hằng năm, ở Mộc Châu đều tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc với không gian văn hóa đa sắc màu và nhiều hoạt động hấp dẫn, trở thành sự kiện nổi tiếng mang thương hiệu Mộc Châu.

                 

Song song với phát triển du lịch nội địa, Mộc Châu cũng nhắm đến đối tượng du khách quốc tế bằng cách làm riêng biệt nhưng khá bài bản, đó là tổ chức Giải marathon đường mòn quốc tế; Lễ hội khinh khí cầu quốc tế... Chỉ riêng giải marathon tổ chức đầu năm 2020 đã thu hút gần 20.000 du khách quốc tế đến từ 43 nước và vùng lãnh thổ. Hình ảnh Mộc Châu nhờ đó đã được xuất hiện trên hệ thống truyền thông quốc tế, đặc biệt lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, tạo được hiệu ứng truyền thông tích cực, hứa hẹn trở thành một giải thể thao kết hợp du lịch tầm cỡ trong nước và khu vực.

                 

Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách, huyện Mộc Châu cũng định hướng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư khá đồng bộ vào hệ thống khách sạn, nhà nghỉ. Hiện nay, toàn huyện có 228 cơ sở lưu trú; trong đó,12 khách sạn đã được xếp hạng từ 1-4 sao, 1 khu resort... với gần 5.000 lao động phục vụ trong lĩnh vực du lịch. Năm 2019, huyện Mộc Châu đón trên 1,2 triệu lượt khách; trong đó, có 67.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 2 lần so với năm 2015), doanh thu từ du lịch đạt gần 1.130 tỷ đồng.

                 

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường thu hút đầu tư, mở rộng liên doanh, liên kết với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển du lịch; khuyến khích bà con sở tại xây dựng các sản phẩm quà tặng du lịch, phát triển các làng nghề truyền thống ở bản... Đồng thời, chú trọng đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh về du lịch; quản lý tốt các quy hoạch và tranh thủ sự hỗ trợ từ các dự án quốc tế để xây dựng và hoàn thành các tiêu chí của một khu du lịch quốc gia.

                 

Tiềm năng và lợi thế Mộc Châu đang được khai thác, phát huy, trở thành động lực phát triển cho ngành “công nghiệp không khói”. Cùng những nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc nơi đây, Mộc Châu trong mắt du khách đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện và an toàn.

Thanh Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới