Nằm trên địa bàn xã Quang Huy, tiếp giáp với các xã Huy Bắc, Suối Tọ và thị trấn Phù Yên, rừng thông Noong Cốp có diện tích hơn 1.300ha, với hàng vạn cây thông trên 30 năm tuổi, đây được coi là lá phổi xanh và là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của huyện Phù Yên.
Khách tham quan du lịch rừng thông Noong Cốp (Phù Yên).
Những ngày tháng 6, chúng tôi có dịp đến khám phá rừng thông Noong Cốp, từ thị trấn Phù Yên theo đường Noong Bua qua trung tâm xã Quang Huy chừng 2 km, rừng thông Noong Cốp hiện ra xanh ngát trải dài hút tầm mắt, không gian trong lành, mát mẻ. Từ đây có thể bao quát hết toàn cảnh thị trấn Phù Yên và con suối Tấc uốn lượn qua cánh đồng Mường Tấc phì nhiêu.
Theo người dân địa phương “Noong Cốp” có nghĩa là “ao ếch”, xưa kia nơi đây là một vùng đất hoang vu rộng lớn, cỏ cây mọc um tùm, ở trên đỉnh đồi cao nhất có một cái ao tự nhiên rất lớn, hằng năm cứ vào mùa mưa có rất nhiều ếch đổ về sinh sản nên người dân bản địa gọi là Noong Cốp. Năm 1984, Lâm trường Phù Yên (nay là Công ty TNHH Nhà nước MTV lâm nghiệp Phù Yên) đã trồng hơn 1.300 ha thông mã vĩ, thông ba lá và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên.
Rừng thông Noong Cốp nằm ở độ cao 1.023 mét so với mặt nước biển, nhiệt độ quanh năm ở ngưỡng 21-220C. Điều đặc biệt phải kể đến là sự thay đổi cảnh quan trong ngày của khu rừng. Sáng sớm, cả khu rừng được bao phủ bởi làn sương mỏng; buổi trưa, khi mặt trời lên cao, nắng rực một màu vàng chiếu qua từng tán cây; khi chiều buông, những vệt sương chiều phủ xuống cho ta cảm giác của mùa thu; đêm về, không gian tĩch mịch, trời se se lạnh như những ngày đông. Rừng thông Noong Cốp đẹp nhất vào những đêm trăng, tiếng lá thông vi vu trong gió lẫn tiếng khe suối nhỏ róc rách, tiếng sáo réo rắt gọi bạn của những chàng trai bản, hòa lên khúc tình ca của miền sơn cước.
Đến với rừng thông Noong Cốp, du khách có thể đi bộ khám phá, leo núi hoặc cắm trại giữa thiên nhiên. Ở đây có rất nhiều loại rau rừng được coi là đặc sản của Phù Yên, như rau sắng, lá xồm pon, măng tre, măng đắng, măng lay, nhiều loại nấm... Không chỉ hòa mình với thiên nhiên, du khách còn được khám phá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và thưởng thức những món ăn dân tộc độc đáo do chính bàn tay của những “sơn nữ” chế biến. Đồng bào dân tộc Mường, Thái trắng ở đây không chỉ nấu ăn ngon, hiếu khách mà còn giỏi các nghề thủ công truyền thống như đan lát, thêu thùa. Với bàn tay khéo léo, họ đã tạo ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo, như: nhạc cụ dân tộc, đồ dùng mây tre đan, thổ cẩm...
Bà Đinh Thị Ngân, Trưởng phòng Văn hóa huyện Phù Yên, cho biết: Những năm gần đây, du lịch của Phù Yên đang có bước khởi sắc, huyện đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Nhiều điểm du lịch đã tạo được sức hấp dẫn và trải nghiệm mới mẻ đối với du khách cả trong và ngoài nước, như rừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đình Chu, hồ Suối Chiếu, chợ phiên trên hồ thủy điện Hòa Bình... Trong đó, tiềm năng du lịch rừng thông Noong Cốp đang được “đánh thức”, mặc dù cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu thốn, chưa có nhà đón khách, chưa có nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách lưu trú, chưa có nhiều dịch vụ vui chơi theo mô hình du lịch sinh thái, hướng dẫn viên du lịch... nhưng huyện đang khai thác và tổ chức các tour du lịch ngắn, nhằm từng bước tạo sức hút với du khách, đồng thời, tăng cường quảng bá, mời gọi đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch.
Được ví như rừng thông Đà Lạt, thiên nhiên thân thiện, con người hiếu khách, nét văn hóa dân tộc độc đáo, tất cả đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của khu du lịch rừng thông Noong Cốp, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Phù Yên.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!