Ngày 9/4, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ nhà báo Du lịch tổ chức buổi tọa đàm “Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt – Một năm nhìn lại”.
Tọa đàm “Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt – Một năm nhìn lại”.
“Bớt” không có nghĩa là “không còn”
“Nâng cao hình ảnh du khách Việt” được tổ chức nhằm tạo ra diễn đàn để các chuyên gia du lịch, nhà quản lý, doanh nghiệp cùng thảo luận, đưa ra các giải pháp để lấy lại hình ảnh cho du khách Việt Nam, góp phần xây dựng nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu du lịch trong thời kỳ mới. Sau 1 năm phát động, chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt mang lại hiệu quả rõ rệt trong ứng xử, hạn chế nhiều hình ảnh xấu, phản cảm của khách du lịch.
Theo ông Nguyễn Đức Xuyên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo du lịch: Trong một năm qua, ngành du lịch, cơ quan quản lý du lịch, Hiệp hội Du lịch các địa phương, doanh nghiệp, báo chí, người làm du lịch đã chủ động vào cuộc triển khai chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” trong cả nước. Chiến dịch này đã góp phần giảm bớt những hình ảnh xấu xí của du khách Việt khi đi du lịch ở trong, ngoài nước.
Tuy nhiên, giảm bớt không có nghĩa là không còn. Những hình ảnh xấu xí của du khách khi đi du lịch vẫn xảy ra và bị cộng đồng lên án mạnh mẽ. Trong đó có thể kể đến sự việc 2 thanh niên chụp ảnh khỏa thân ở đỉnh Pha Luông, Sơn La (tháng 10/2016); Đại hồng chung ở chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế) là bảo vật quốc gia nhưng đã bị nhiều du khách viết, vẽ bậy lên; du khách xả rác ở quảng trường Lâm Viên, Đà Lạt đầu năm 2017; du khách ăn mặc phản cảm khi đi lễ chùa…
Thêm vào đó, vẫn còn những hình ảnh xấu xí của du khách bị cộng đồng lên án mạnh mẽ như: Ăn uống lãng phí; nói to ở nơi công cộng; vô tư hút thuốc nơi có biển cấm; xả rác bừa bãi; ăn cắp vặt …
Doanh nghiệp cần đi đầu trong chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt
Tại cuộc tọa đàm, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Hiện nay những ứng xử trong du lịch và cả trong cuộc sống đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội do sự xuống cấp về đạo đức, lối sống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đất nước Việt Nam. Chính vì vậy, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhạy bén phát động chiến dịch “Nâng cao hình ảnh du khách Việt” và đưa ra lời khuyên về 10 hành động đẹp trong ứng xử khi đi du lịch trong và ngoài nước. Chiến dịch này sau khi phát động đã nhận được sự hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch. Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cả nước cũng phát động các chiến dịch ứng xử văn minh trong nhiều lĩnh vực.
Nhiều địa phương như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Quảng Ninh... đã ban hành bộ quy tắc ứng xử, hướng dẫn khách du lịch cách ứng xử đúng mực. Từ đầu năm 2016, ngành du lịch Đà Nẵng đã phát hành bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Việt và được minh họa bằng hình ảnh rất sinh động. Tiếp đó, tháng 7/2016, Đà Nẵng đã phát hành 5.000 bản in bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch bằng tiếng Trung Quốc cùng video quy tắc phát ở nơi công cộng như điểm du lịch, sân bay, nhà ga, khách sạn. Đồng thời, bộ quy tắc này cũng được gửi đến các công ty, đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch trên địa bàn để phổ biến trực tiếp đến du khách, đối tác gửi khách quốc tế đến Việt Nam để du khách nắm được trước khi du lịch đến Đà Nẵng. Thành phố Hồ Chí Minh phát hành vào tháng 1/2017 và tháng 6/2017, mỗi đợt 75.000 bản quy tắc ứng xử bằng 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga.
Tại Hà Nội, tháng 3/2016, UBND thành phố cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố. Bộ Quy tắc quy định các quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử tại 9 nơi công cộng cụ thể như: vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; nhà ga, bến xe ôtô, bến tàu, thuyền, sân bay; khi tham gia giao thông; khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch. Quy tắc ứng xử định hướng các cá nhân, tổ chức những việc "nên làm" và "không nên làm" mà không phải là những quy định bắt buộc. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong thời gian tới tới, thông tin về Bộ quy tắc sẽ được đưa lên tất cả các màn hình LED ở Hà Nội thuộc quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao để người dân tiện theo dõi.
Đáng chú ý, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Đây chính là tín hiệu tốt cho thấy sự quyết tâm của toàn ngành du lịch cũng như chính quyền các địa phương trong việc cải thiện, nâng cao hình ảnh của du lịch Việt Nam, hướng tới du lịch văn minh, thân thiện, hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Bộ quy tắc đang được đồng loạt triển khai trên hệ thống cả nước, nhằm tạo ra định hướng tốt, gây dựng một môi trường văn minh du lịch, giảm bớt những hành vi tiêu cực, xây dựng phong trào, nếp sống, hình ảnh mới cho du khách Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước. Từ đó, góp phần giúp những du khách quốc tế đến Việt Nam cũng tôn trọng nếp sống, văn hóa của Việt Nam.
Ông Ngô Hoài Chung, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, việc xây dựng hình ảnh du lịch Việt Nam văn minh nhằm tăng sức hút của du lịch Việt Nam đối với khách du lịch quốc tế". Các doanh nghiệp phải đi đầu trong chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt và hình ảnh du lịch Việt, vì xây dựng chiến dịch này chính là xây dựng văn hóa, thương hiệu cho doanh nghiệp. Mặt khác, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường vai trò quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm cùng với quá trình vận động, thuyết phục, tạo dư luận xã hội để môi trường du lịch dần đi vào nề nếp" - ông Ngô Hoài Chung nhấn mạnh.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!