Đến bản Cát Lình, xã Chiềng Muôn, huyện Mường La, sẽ được “thưởng ngoạn” bức tranh đa sắc của thiên nhiên và những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vùng cao nơi đây.
Bản Cát Lình nằm bên sườn dãy núi Pu Tha Kềnh.
Cách trung tâm huyện Mường La hơn 30 km, bản Cát Lình nằm bên sườn dãy núi Pu Tha Kềnh (núi múa khèn) cao hơn 2.500m so với mực nước biển. Để lên Cát Lình chỉ duy nhất con đường từ trung tâm xã Chiềng Muôn nối với các bản Hua Đán - Nậm Kìm - Cát Lình. Trên các sườn núi là những biển mây bồng bềnh; những thửa ruộng bậc thang đang độ chín vàng trải dài từ sườn đồi này sang sườn đồi khác.
Biển mây Cát Lình.
Những năm 70 của thế kỷ trước, một bộ phận đồng bào dân tộc Mông ở Chiềng Ân, Ngọc Chiến, và huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) về đây lập bản và sinh sống đến nay. Trước đây, bản được gọi là Co Linh, nghĩa là khu rừng nhiều khỉ, bây giờ phiên âm ra tiếng phổ thông là Cát Lình.
Anh Hàng A Ký, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Cát Lình, cho biết: Bản có 49 hộ, với hơn 270 nhân khẩu. Bà con canh tác gần 40 ha lúa ruộng bậc thang; trồng hơn 20 ha cây thảo quả dưới tán rừng và nuôi trên 130 con trâu, bò, hơn 100 con dê và các loại gia cầm. Bản đã có điện lưới thắp sáng; bê tông hóa hơn 1 km đường nội bản; trên 400m đường được lắp đèn chiếu sáng; có điểm trường mầm non. Từ năm 2010 đến nay, bản nhận khoanh nuôi, bảo vệ hơn 1.840 ha rừng tự nhiên, với nhiều cây gỗ quý, như pơ mu, chò chỉ, chai, sâng lụa, thộ lộ... Trong đó 1.710 ha được giao cho cộng đồng bản và 130 ha giao 18 hộ dân. Mỗi năm được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng từ 800 triệu đồng đến 1,1 tỷ đồng.
Đường nội bản Cát Lình đã được đổ bê tông.
Mùa lúa chín ở Cát Lình bắt đầu từ giữa tháng 9 hằng năm.
Mùa lúa chín là thời điểm đẹp nhất trong năm của bản Cát Lình.
Phụ nữ Cát Lình có nghề thêu thổ cẩm, may trang phục truyền thống, với những chiếc khăn, váy, áo thêu hoa văn độc đáo, tinh xảo. Trẻ em gái 13 - 14 tuổi đều biết thêu, may vá thành thạo. Sản phẩm làm ra vừa phục vụ nhu cầu hằng ngày và bán cho các cửa hàng trưng bày sản phẩm trên địa bàn huyện, tỉnh và huyện Mù Cang Chải để có thêm thu nhập lúc nông nhàn và giữ gìn nghề truyền thống.
Chị Giàng Thị Sua, bản Cát Lình, chia sẻ: Những phụ nữ lớn tuổi, thêu thành thạo sẽ dạy con, cháu từ khi còn nhỏ về cách chọn vải, se chỉ, chọn hoa văn đặc trưng để thêu lên những bộ trang phục của dân tộc.
Phụ nữ bản Cát Lình thêu thổ cẩm.
Với vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, những thửa ruộng bậc thang thể hiện sự lao động sáng tạo, cùng cuộc sống yên bình, giản dị, mến khách của người dân nơi đây, Cát Lình hứa hẹn là điểm đến lý tưởng trong hành trình của những du khách phương xa yêu thích khám phá và trải nghiệm.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!