Việt Nam – Nam Phi: Quan hệ "đối tác vì hợp tác và phát triển"

Quan hệ giữa hai nước Việt Nam – Nam Phi hiện nay dựa trên nền tảng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, ủng hộ lẫn nhau trong hơn 60 năm qua. Nền tảng quan hệ đó chính là cơ sở quan trọng để nhân dân hai nước tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng mỗi nước.

Bước sang 2016, bên thềm Xuân mới Bính Thân, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Huy Hoàng, Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi, về triển vọng đẩy mạnh hợp tác toàn diện trong khuôn khổ quan hệ “Đối tác vì hợp tác và phát triển” giữa Việt Nam và Nam Phi trong thời gian tới.

Đại sứ Việt Nam tại Nam Phi Lê Huy Hoàng (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi)

Phóng viên:  Đại sứ đánh giá như thế nào về quan hệ Việt Nam – Nam Phi trước đây cũng như hiện nay? Đại sứ cho biết những “điểm sáng” hiện nay trong quan hệ giữa hai nước?

Đại sứ Lê Huy Hoàng: Hai nước Việt Nam và Nam Phi có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp trong nhiều năm qua, với dấu mốc lịch sử là từ cuộc gặp giữa đại diện chính phủ Việt Nam và đại diện Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) vào năm 1955 nhân Hội Nghị Bangdung tại Indonesia. Hai nước luôn dành cho nhau sự ủng hộ quý báu.  Đảng ANC luôn đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam đối với quá trình đấu tranh của nhân dân Nam Phi chống chế độ phân biệt chủng tộc A-pác-thai. Nhiều bạn bè Nam Phi khi gặp tôi hay kể về việc Cố Chủ tịch ANC Olivier Tambo đã tới thăm nước ta năm 1978 để học tập kinh nghiệm đấu tranh của Việt Nam và khi trở về đã xây dựng cuốn sách “Green Book” làm cẩm nang cho Bộ Chính trị và các đảng viên nòng cốt của ANC trong cuộc đấu tranh giành chính quyền từ chế độ A-pác-thai. Thắng lợi hào hùng của chúng ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là nguồn cảm hứng, khích lệ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của người dân Nam Phi để họ đánh đổ chủ nghĩa A-pác-thai, xây dựng thành công nền dân chủ mới vào năm 1994. Mối quan hệ lịch sử truyền thống tốt đẹp nêu trên luôn là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác ngày càng mạnh mẽ, đa dạng giữa Việt Nam và Nam Phi, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993 – một năm trước khi ANC dành chính quyền. Quan hệ hai nước hiện nay có nhiều điểm sáng, không chỉ biểu hiện ở quan hệ chính trị tốt đẹp, mà còn ở nhiều lĩnh vực hợp tác thực chất có nhiều kết quả, đặc biệt là về kinh tế thương mại, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường. Về chính trị, cùng là các nước đang phát triển, Việt Nam và Nam Phi luôn có sự ủng hộ tích cực lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế. Việt Nam và Nam Phi ủng hộ, phối hợp với nhau rất chặt chẽ tại các cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc như Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC) hay Hội đồng Nhân quyền, cũng như tại nhiều tổ chức quốc tế khác. Việt Nam hiện là đối tác hàng đầu của Nam Phi trong khu vực Đông Nam Á và Nam Phi rất muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam để mở rộng lợi ích của mình trong cả khu vực của chúng ta. Về kinh tế thương mại, kim ngạch thương mại Việt Nam và Nam Phi luôn ở mức đứng đầu trong quan hệ của ta với các nước châu Phi. Vì vậy, đây có thể coi là điển hình, điểm sáng trong quan hệ thực chất giữa Việt Nam với các nước trong cả châu lục. Trong gần 10 năm qua, tổng kim ngạch thương mại song phương của hai nước đã tăng hơn 5 lần, từ 192 triệu USD vào năm 2007 lên 920 triệu USD năm 2013 và đạt mức 1,2 tỷ USD vào năm 2015. Hàng hóa của Việt Nam khi vào Nam Phi – cửa ngõ của châu Phi – sẽ có thể thâm nhập vào thị trường rộng lớn của cả khu vực. Về quốc phòng an ninh, với nền tảng quan hệ tin tưởng gắn bó với nhau từ lâu và việc hình thành Diễn đàn đối thoại quốc phòng cấp Thứ trưởng (tháng 11/2015) vừa qua tại Hà Nội, hai bên đang có những cơ hội mới để thúc đẩy hợp tác nhiều mặt, trong đó có việc đào tạo cán bộ, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đẩy mạnh hợp tác về công nghiệp quốc phòng. Hợp tác về môi trường và khoa học công nghệ cùng nhiều lĩnh vực hợp tác khác cũng đang có những bước tiến thực chất, góp phần củng cố lòng tin, đẩy mạnh quan hệ hai nước nói chung, đặc biệt sau khi hai bên ký Bản ghi nhớ hợp tác MOU (tháng 12/2012) và Chương trình Hành động (tháng 5/2013) về bảo vệ động vật hoang dã, cùng Bản ghi nhớ hợp tác MOU về khoa học công nghệ trong chuyến thăm tháng 8/2015 của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Như vậy, có thể nói quan hệ hai nước đã và đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp tục phát triển. Nam Phi luôn có vị trí quan trọng đối với Việt Nam trong chính sách chung của chúng ta đối với khu vực. Việc Việt Nam không ngừng phát triển hợp tác với Nam Phi – nước luôn được coi là cửa ngõ quan trọng của châu Phi, thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS, thành viên G-20 và nhiều tổ chức quốc tế quan trọng – sẽ giúp củng cố hình ảnh, vai trò của Việt Nam, góp phần để hàng hóa, hoạt động đầu tư và nhiều lợi ích khác của chúng ta có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn đối với cả châu lục. Phóng viên: Xin Đại sứ cho biết những ưu tiên thúc đẩy phát triển quan hệ giữa hai nước trong nhiệm kỳ của Đại sứ? Đại sứ Lê Huy Hoàng: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, trong mấy năm qua, với vai trò là người đứng đầu Cơ quan Đại diện (CQĐD) Việt Nam tại Nam Phi, bản thân tôi cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên trong CQĐD luôn nỗ lực triển khai các hoạt động đối ngoại đa dạng, trong đó: Ưu tiên hàng đầu là củng cố mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước (quan hệ với Đảng Cộng sản, ANC và các đảng phái chính trị khác), tạo nền tảng vững chắc cho các lĩnh vực hợp tác quan trọng khác như thương mại, môi trường, quốc phòng an ninh; đồng thời nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam với nước sở tại. Tôi rất vui mừng là trong hơn hai năm qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã tổ chức đón và hỗ trợ tốt cho hơn 50 đoàn công tác của các Chính phủ, Quốc hội và các ban ngành địa phương sang thăm và làm việc tại Nam Phi, trong đó có nhiều đoàn cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Gần đây nhất là Đoàn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm chính thức Nam Phi (tháng 8/2015), được Lãnh đạo và các bộ, ngành bạn rất hoan nghênh. Chuyến thăm góp phần tạo động lực mới cho việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước. Ưu tiên thứ hai là đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao kinh tế, chú trọng yếu tố thực chất hiệu quả, bám sát yêu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp ta để nỗ lực mở rộng thị trường sở tại. Trong hơn hai năm qua, Đại sứ quán, trong đó có bộ phận Thương vụ, đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quảng bá thương mại, thúc đẩy đầu tư tại Nam Phi, trong đó có các Diễn đàn quảng bá kinh tế – thương mại tại các thành phố lớn như: Durban, Cape Town, Johannesburg cũng như tại các nước lân cận như: Namibia, Zimbabwe và Botswana. Chúng ta cũng đã làm tốt khâu cung cấp thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường, tháo gỡ khó khăn, tổ chức cho nhiều đoàn doanh nghiệp hai bên tham gia Hội chợ quốc tế như Hội chợ SAITEX (tại Johannesburg, trung tâm kinh tế – thương mại hàng đầu của Nam Phi và cả khu vực, với sự tham dự của hàng nghìn doanh nghiệp từ gần 40 quốc gia trên thế giới), tạo cơ hội trao đổi, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam, thúc đẩy giao lưu thương mại với Nam Phi và khu vực. Ưu tiên thứ ba là việc thúc đẩy công tác ngoại giao văn hóa thông qua việc tổ chức nhiều hoạt động động giao lưu văn hóa, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp giới thiệu ẩm thực, các danh lam thắng cảnh của Việt Nam tại Nam Phi… Hoạt động quảng bá về Đà Nẵng và đất nước con người Việt Nam nói chung gần đây tại Cape Town trong khuôn khổ cuộc đua thuyền buồm Clipper vòng quanh thế giới khi tàu mang tên Đà Nẵng cập cảng Cape Town (tháng 10/2015) là một ví dụ điển hình, góp phần để nhân dân Nam Phi ngày càng hiểu hơn về đất nước, con người và truyền thống văn hóa của Việt Nam. Bên cạnh đó, công tác cộng đồng bảo hộ công dân cũng luôn được chú trọng do đặc thù địa bàn là cửa ngõ châu Phi luôn có nhiều công dân của ta qua lại làm ăn. Những lĩnh vực hoạt động ưu tiên nói trên đã thu được khá nhiều kết quả tốt và thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh để quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước phát triển ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ phải nỗ lực củng cố và mở rộng quan hệ với chính giới cũng như các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp sở tại; làm tốt hơn nữa công tác quảng bá về đất nước và con người Việt Nam; nỗ lực để Đại sứ quán luôn là địa chỉ cầu nối tin cậy để doanh nghiệp, các tổ chức cơ quan địa phương hai nước thúc đẩy giao lưu hợp tác trong mọi mặt; phấn đấu trong vòng 2 – 3 năm tới đóng góp nâng kim ngạch thương mại hai nước lên mức gấp đôi so với mức 1,2 tỷ USD hiện nay. Ngoài ra, tôi hy vọng trong năm tới, sẽ đẩy mạnh hơn nữa quan hệ Việt Nam – Nam Phi về mặt giáo dục và du lịch. Nam Phi là nước có tiếng Anh sử dụng rộng rãi, nền giáo dục phát triển, chi phí giáo dục khá hợp lý so với nhiều nước con em chúng ta thường đi du học. Chúng ta có thể gửi sinh viên Việt Nam sang đây học tập, các bạn trẻ đó sẽ là cầu nối góp phần để quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền chặt trong tương lai. Đại sứ quán cũng đang thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng từ Nam Phi tới thành phố Hồ Chí Minh. Nếu đường bay này được thiết lập, ngoài thúc đẩy quan hệ thương mại, Việt Nam và Nam Phi cũng như các nước ở hai khu vực sẽ có điều kiện thuận lợi thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về du lịch.

Phóng viên: Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Nam Phi? Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi có những biện pháp, chính sách nào để hỗ trợ những người Việt Nam đang sinh sống tại đây?

Đại sứ Lê Huy Hoàng: Cộng đồng người Việt Nam ở Nam Phi là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng người Việt Nam trên thế giới và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam và Nam Phi. Cộng đồng người Việt ở Nam Phi với thành phần chủ yếu là doanh nghiệp, sinh viên và tri thức, sống hòa hợp và tuân thủ luật pháp sở tại, có tinh thần yêu nước, luôn đoàn kết hướng về đất nước. Cộng đồng ta đã có những đóng góp cho việc trao đổi thương mại (đạt mức 1,2 tỷ USD), giúp tăng cường giao lưu văn hóa và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Tôi vui mừng nhận thấy cộng đồng người Việt ở đây ngày càng hòa nhập vào quá trình phát triển của nước sở tại. Nhiều anh chị em đang rất thành công trong các hoạt động kinh doanh và là nhân tố tích cực góp phần thúc đẩy mối quan hệ ngày càng bền chặt giữa hai nước, luôn hướng về quê hương đất nước, tích cực hưởng ứng các phong trào quyên góp do Đại sứ quán phát động ủng hộ đồng bào trong nước bị bão lụt, hướng về “Trường Sa và Hoàng Sa thân yêu”...  Hỗ trợ cộng đồng luôn là một trong những mảng công việc trọng tâm của Đại sứ quán. Đại sứ quán luôn là chỗ dựa tin cậy, gắn bó, giúp bà con sinh sống học tập hòa nhập với môi trường sở tại. Cán bộ Đại sứ quán thường xuyên thăm hỏi, động viên bà con những lúc ốm đau, khó khăn, giải quyết kịp thời chu đáo các yêu cầu của bà con về cấp phát giấy tờ, công chứng lãnh sự. Nhiều buổi giao lưu gặp gỡ với cộng đồng đã được tổ chức nhân dịp các ngày lễ lớn, trong đó chúng tôi kết hợp phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về các lĩnh vực bà con rất quan tâm như: xuất nhập cảnh, cư trú, quốc tịch, về đầu tư kinh doanh, về quyền được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong đó có những chính sách mới được ban hành gần đây như: Quy chế miễn thị thực cho người Việt Nam ở nước ngoài, Luật Quốc tịch sửa đổi, Luật sửa đổi điều 121 Luật đất đai… Đại sứ quán cũng thường xuyên tiến hành tuyên truyền, tư vấn nhắc nhở cộng đồng tuân thủ quy định pháp luật của sở tại. Điều rất vui mừng là số lượng các vụ vi phạm pháp luật sở tại gần đây đã giảm đáng kể. Phóng viên: Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Theo Đại sứ, việc ban hành văn bản này sẽ có tác động như thế nào đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài? Khi đi vào thực tiễn, phía Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài có gặp phải những khó khăn nào không, thưa Đại sứ? Đại sứ Lê Huy Hoàng: Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đông đảo bà con người Việt cùng thân nhân tại Nam Phi và trên thế giới khen ngợi. Bà con đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng như thân nhân của họ, tin tưởng Nghị định này sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để bà con đi lại, hướng về quê hương đất nước, tăng cường chính sách đại đoàn kết dân tộc.   Việc triển khai nghị định trên tại địa bàn được tiến hành thuận lợi, cho tới nay không thấy có trở ngại khó khăn gì. Đại sứ quán đã nhanh chóng phổ biến rộng rãi quy định mới về miễn thị thực cho bà con, các thủ tục cụ thể được triển khai nhanh chóng tuân thủ các quy định của Nhà nước. Nhiều trường hợp người Việt tại các nước lân cận như Botswana, Swaziland đã trực tiếp đến hoặc gửi hồ sơ cho Đại sứ quán xin giấy miễn thị thực cho người nhà (vợ, chồng, con) để kịp về Việt Nam thăm gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Khi nhận được giấy miễn thị thực, công dân ta và người thân của họ đều thể hiện sự biết ơn đánh giá cao sự hỗ trợ của CQĐD và sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Phóng viên: Những năm qua, bảo hộ công dân luôn được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII một lần nữa nhấn mạnh công tác bảo hộ công dân đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Đại sứ có thể cho biết rõ thêm về vấn đề này? Đại sứ Lê Huy Hoàng: Từ khi đất nước ta thực hiện chính sách mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng, số người Việt Nam đi ra nước ngoài, trong đó có Nam Phi, không ngừng tăng với nhiều mục đích khác nhau. Tôi được biết hàng năm có khoảng 500.000 lao động, 230.000 người Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, 100.000 sinh viên đang theo học ở nước ngoài, bên cạnh đó là 4,5 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở trên 100 quốc gia và lãnh thổ, tạo thành một cộng đồng không nhỏ ở nước ngoài. Việc công dân gặp khó khăn, bị lâm vào các tình huống như chiến tranh, thiên tai v.v… là khó lường trước. Do đó, nhu cầu bảo hộ công dân là thường xuyên và cần thiết. Đảng và Nhà nước đã rất chú trọng đến công tác bảo hộ công dân, Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Việc bảo hộ những quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài là hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của Nhà nước ta đối với thế giới cũng như trong con mắt người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần khuyến khích, động viên ngày càng nhiều hơn sự đóng góp của bà con vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.  Bộ Ngoại giao và các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, luôn xác định công tác bảo hộ công dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ trong 5 năm qua, Bộ Ngoại giao và các CQĐD đã tiến hành bảo hộ 621 vụ đối với 1.008 tàu và 7.784 ngư dân; giúp đỡ, bảo hộ 53.790 công dân gặp khó khăn, hoạn nạn ở nước ngoài; bảo hộ 13.168 công dân trong vùng khủng hoảng (chiến sự ở Lybia, động đất ở Nê-pal…); Quỹ bảo hộ công dân đã hỗ trợ, trực tiếp giúp 3.000 ngư dân, công dân về nước. Tổng đài bảo hộ công dân (+84981848484) đã trực 24/7 và trực tiếp cùng Bộ Ngoại giao hỗ trợ giải đáp, giải quyết 6.700 cuộc gọi của công dân và thân nhân ở trong và ngoài nước về bảo hộ công dân. Trong Văn kiện Đại hội XII cũng đã có đánh giá tốt về công tác bảo hộ công dân của chúng ta trong 5 năm qua. Tại Nam Phi và các nước láng giềng, số lượng cộng đồng người Việt tới đây sẽ ngày càng tăng, nhu cầu của bà con ta ngày càng đa dạng, hoạt động bảo hộ công dân của Đại sứ quán cũng sẽ ngày một gia tăng. Phóng viên: Trong thời gian tới, cùng với quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của đất nước, công tác bảo hộ công dân sẽ tiếp tục được Đại sứ quán chú trọng triển khai như thế nào, thưa Đại sứ? Đại sứ Lê Huy Hoàng: Để tiếp tục làm tốt mảng việc quan trọng này, chúng tôi sẽ chú trọng triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, trong đó tăng cường mối quan hệ khăng khít với Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng của Nam Phi như Bộ Công an, Bộ Nội vụ cũng như chính quyền các địa phương nơi có nhiều người Việt sinh sống nhằm kịp thời tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền sở tại cũng như có các biện pháp đấu tranh, can thiệp khi có các trường hợp công dân Việt Nam cần bảo hộ. Chúng tôi cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong nước như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và chính quyền các tỉnh để có sự phối hợp hỗ trợ kịp thời, cần thiết đối với công dân ta; tiếp tục làm tốt công tác thăm lãnh sự công dân bị giam giữ, hỗ trợ kịp thời công dân vị tai nạn, vướng mắc tại sân bay/cảng biển. Thêm vào đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi sẽ tăng cường nâng cao nhận thức của cộng đồng về các quy định của luật pháp sở tại, nhất là những quy định về cư trú, những điều cấm vi phạm của sở tại … Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, thay mặt cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi, tôi xin gửi tới Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và các độc giả lời chúc năm mới 2016 thật nhiều sức khỏe và thắng lợi!

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Xây dựng Đảng -
    Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã chỉ đạo cụ thể hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, lực lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.
  • 'Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Xã hội -
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ cơ sở được chú trọng; việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm... Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc.
  • 'Điểm tựa nơi bản mường

    Điểm tựa nơi bản mường

    Xã hội -
    Gương mẫu trong cộng đồng dân cư, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh trật tự... là những việc làm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La. Là “điểm tựa” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và mặt trận tổ quốc các cấp.
  • 'Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện biên giới

    Triển khai hiệu quả chính sách dân tộc ở huyện biên giới

    Xã hội -
    Là huyện biên giới của tỉnh, huyện Sốp Cộp có 8 xã, 101 bản và 2 điểm dân cư, dân số gần 55.500 người, có 6 dân tộc sinh sống, trong đó, dân tộc thiểu số chiếm 96,8%. Những năm qua, huyện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả chính sách dân tộc, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con.
  • 'Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh

    Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh

    An ninh trật tự -
    Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học được ngành Giáo dục và Đào tạo chú trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền được đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh.
  • 'Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động "ly khai", "tự trị"

    Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động "ly khai", "tự trị"

    Nhằm thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, tổ chức phản động tăng cường các hoạt động tuyên truyền, kích động, vu cáo Ðảng, Nhà nước trên không gian mạng, với rất nhiều chiêu trò, thủ đoạn tinh vi.