Nằm ở vị trí thuận lợi trong việc kết nối giữa châu Á và châu Âu, Kazakhstan đang triển khai nhiều chương trình, sáng kiến kết nối nhằm hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm quá cảnh và logistics tại Trung Á.
Kazakhstan tập trung thực hiện chính sách kinh tế-thương mại theo hướng mở cửa thị trường, hội nhập với nền kinh tế thế giới. Quốc gia này cũng thực hiện đường lối đối ngoại đa phương, cân bằng, phấn đấu nâng cao vị thế ở châu Á; tích cực hợp tác với Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế; tăng cường hội nhập khu vực và thế giới.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Kazakhstan tiếp tục phát triển tốt đẹp. Thời gian qua, hai bên thường xuyên có sự trao đổi đoàn, trong đó có nhiều đoàn cấp cao trên các kênh Đảng, Nhà nước và Quốc hội, qua đó tăng cường sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.
Hai nước phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Hội nghị cấp cao về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA)…
Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam đã ủng hộ Kazakhstan vào Nhóm Viễn Đông thuộc IAEA.
Kể từ khi Việt Nam và Kazakhstan chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992 đến nay, mối quan hệ giữa hai nước ghi nhận nhiều bước phát triển tích cực.
Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Kazakhstan trên đà phát triển tốt đẹp. Việc Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) ký Hiệp định Thương mại tự do vào năm 2015 đã mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam với các nước EAEU nói chung và với Kazakhstan nói riêng.
Từ khi EAEU được ký, kim ngạch thương mại Việt Nam-Kazakhstan tăng trưởng tích cực, trung bình khoảng 28%/năm. Kazakhstan là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong EAEU.
Bốn tháng đầu năm 2023, trao đổi thương mại song phương đạt 124,2 triệu USD, tăng 34,5% so mức cùng kỳ năm 2022. Về đầu tư, Kazakhstan có 5 dự án FDI tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 500 nghìn USD, tập trung vào các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thông tin truyền thông, bán buôn, bán lẻ và sửa chữa.
Bên cạnh kinh tế, thương mại, đầu tư, quan hệ Việt Nam-Kazakhstan cũng ghi nhận nhiều kết quả hợp tác tốt đẹp trên các lĩnh vực du lịch, văn hóa, giáo dục-đào tạo...
Hai bên đã ký Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và thể thao. Du lịch cũng là lĩnh vực hợp tác có tiềm năng lớn. Trung bình lượng khách du lịch từ Kazakhstan sang Việt Nam đạt khoảng 10 nghìn lượt mỗi năm và có xu hướng tiếp tục tăng, nhất là sau khi có đường bay thẳng. Hiện nay, có bảy chuyến bay thẳng mỗi tuần giữa Việt Nam và Kazakhstan.
Từ tháng 9/2019, Kazakhstan áp dụng quy chế miễn thị thực đơn phương cho công dân Việt Nam trong thời hạn 30 ngày. Ngoài ra, tiềm năng tăng cường hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới còn rất rộng mở, nhất là trong các lĩnh vực tài chính-ngân hàng, khoa học-công nghệ, giao thông vận tải.
Đón tiếp Tổng thống Kazakhstan thăm chính thức, Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ với các nước bạn bè hữu nghị truyền thống thuộc Liên Xô (trước đây), trong đó có Kazakhstan.
Đây cũng là dịp Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev thành công tốt đẹp sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ, đưa quan hệ Việt Nam-Kazakhstan phát triển ngày càng sâu rộng, hiệu quả, đóng góp cho ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!