Đất nước ta vừa đi qua năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với rất nhiều sự kiện quan trọng. Đặc biệt, năm 2016 tiếp tục là một năm thành công về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, trong đó công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng ghi dấu nhiều bước tiến tích cực.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Trước thềm năm mới Đinh Dậu 2017, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài về những kết quả đã đạt được cũng như những định hướng, trọng tâm công tác trong năm mới.
Phóng viên: Xin Thứ trưởng cho biết những đánh giá chung về kết quả công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong năm 2016 vốn được đánh giá là một năm ghi nhiều dấu ấn quan trọng?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Năm 2016 là một năm rất đặc biệt đối với đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước ta. Chúng ta đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra những đường hướng phát triển kinh tế, những chiến lược phát triển đất nước trong thời gian sắp tới. Đặc biệt, trong cương lĩnh của Đại hội Đảng cũng đã dành một phần rất quan trọng để đề ra những nhiệm vụ to lớn cho cả hệ thống chính trị, cho các cơ quan trong nước thực hiện hỗ trợ cộng đồng NVNONN phát triển, và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, huy động sức mạnh tổng lực của nhân dân, kiều bào cùng chung tay xây dựng quê hương.
Trước đó, chúng ta cũng có tiền đề rất căn bản là Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài - kim chỉ nam cho việc triển khai toàn diện công tác về NVNONN. Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 36, ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 45 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác đối với NVNONN trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị trong tình hình mới giai đoạn 2016 - 2020. Các bộ, ngành và địa phương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, xây dựng Kế hoạch hành động theo chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ chế triển khai, phối hợp thống nhất trong công tác đối với NVNONN. Đây là những căn cứ quan trọng để triển khai công tác tại tất cả các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đại diện và các tổ chức, hội đoàn trong cộng đồng NVNONN.
Có hành lang pháp lý, có đường hướng rất rõ nét như vậy nên trong năm 2016, công tác đối với NVNONN được tiến hành rất sôi nổi, toàn diện về mọi mặt. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đặc biệt quan tâm tới công tác tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của kiều bào và phát huy tối đa nguồn lực của NVNONN phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thêm vào đó, nhằm mục tiêu xây dựng cộng đồng, chúng ta cũng đã chú trọng tới công tác hội đoàn và thu được những kết quả cụ thể. Chúng ta đã thành lập được Liên hiệp các hội Việt Nam tại châu Âu. Đây là một thành công rất ý nghĩa góp phần nâng cao thêm uy tín, vị thế của người Việt Nam tại châu Âu, giúp quảng bá rộng rãi hình ảnh Việt Nam, đất nước, con người tại châu lục. Ngoài ra, tại nhiều địa bàn, các hội đoàn cũng được củng cố và phát triển... Những chi hội, hội vùng miền đã giúp đỡ rất nhiều cho bà con kiều bào ta. Như vậy, có thể thấy công tác hội đoàn thu được những kết quả rất rực rỡ trong năm 2016 và đây chính là tiền đề tạo nên sự gắn kết, là sức mạnh để tạo ra khối đại đoàn kết dân tộc. Chính trong các hội đoàn đó mà bà con kiều bào ta cùng tập hợp lại, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc làm ăn cũng như trong cuộc sống, đem lại lợi ích cho mọi người và mọi nhà. Từ đó, khối đại đoàn kết được củng cố một cách mạnh mẽ.
Ngoài ra, một dấu ấn đặc sắc trong năm 2016, đó chính là phong trào dạy và học tiếng Việt phát triển rộng khắp trên toàn thế giới. Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên tiếng Việt của cộng đồng. Năm 2016, khóa tập huấn cho giáo viên kiều bào có số lượng học viên đông đảo là 60 người. Ủy ban đồng thời cũng cử giáo viên từ trong nước sang dạy tiếng Việt tại một số địa bàn; triển khai nhiều đề án cung cấp sách, báo, tài liệu, trang thiết bị và đồ dùng học tập, hỗ trợ xây dựng trường lớp... Từ các quốc gia ở Nam bán cầu như Angola cho tới phía Bắc bán cầu như Canada, hay các nước châu Âu như Nauy cho tới châu Á như Nhật Bản…, phong trào dạy và học tiếng Việt đều phát triển mạnh mẽ. Đây là dấu ấn đậm nét trong năm 2016 và là tiền đề rất tốt để chúng ta tiến tới những bước tiếp theo nhằm phổ cập tiếng Việt, để tất cả những người con mang dòng máu Việt đều biết nói tiếng Việt.
Công tác thông tin tuyên truyền, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được đẩy mạnh. Chúng ta tiếp tục tổ chức các đoàn đại biểu kiều bào về nước tham dự các hoạt động nhân dịp các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của đất nước, như: Chương trình Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào về Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm Trường Sa, dự 70 năm Quốc khánh 2/9, Trại hè Việt Nam...
Năm 2016, chúng ta đã tạo được dấu ấn toàn diện trong đời sống văn hóa, cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết. Và chúng ta đã làm rất thành công điều mà chúng ta hằng trăn trở, đó là: Làm thế nào để thu hút bà con kiều bào về xây dựng đất nước? Chúng ta đã tổ chức Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ ba với chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng TP. Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế”. Đây là hội nghị kiều bào lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, số thành viên kiều bào là các chuyên gia khoa học, các trí thức nổi tiếng, các nhà kinh tế của chúng ta trên toàn thế giới đều có mặt và có những ý kiến đóng góp rất quý báu, hướng tới mục tiêu rất cụ thể là phát triển TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.
Phóng viên: Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo ra cả những cơ hội và thách thức mới đối với đất nước ta và với sự phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Xin Thứ trưởng cho biết làm thế nào để củng cố và thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với đất nước, trong đó đặc biệt là lực lượng trí thức, doanh nhân kiều bào?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Trước khi nói về những việc chúng ta cần làm để thu hút nguồn lực kiều bào thì tôi muốn nói về niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của bất kỳ người Việt Nam nào khi ra nước ngoài. Đó là khi chúng ta gặp những người bạn ở nước sở tại, họ đều nói về cộng đồng người Việt ta ở nước đó với một niềm tự hào. Họ kể về đời sống của bà con người Việt ta ở đó, kể đến những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam ta,… Họ biểu dương sự cần cù, chăm chỉ của những người con đất Việt. Điều đó cho thấy cộng đồng NVNONN ngày càng ổn định cuộc sống, phát triển và hòa nhập vào xã hội nơi cư trú, có vị trí ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị - xã hội nước sở tại, là cầu nối vững chắc cho mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Và để tiếp tục củng cố, thúc đẩy sự đóng góp quan trọng của cộng đồng NVNONN đối với đất nước thì nhiệm vụ của chúng ta rất lớn. Với khoảng 4,5 triệu kiều bào sống trải dài trên khắp 109 quốc gia và vùng lãnh thổ thì nhiệm vụ này rất quan trọng vì mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ có một đặc thù riêng. Chúng ta không thể áp dụng cùng một “công thức” ở nước này vào một vùng lãnh thổ khác, chúng ta cũng không thể áp đặt mô hình ở nước này cho tất cả các nước. Do vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu đặc tính của cộng đồng, từ đó mới hiểu được nhu cầu của cộng đồng. Từ những nhu cầu về cuộc sống, về kinh tế, văn hóa,… cho tới nhu cầu nội tại bên trong mỗi người Việt Nam sống xa quê hương là muốn hướng về quê hương. Từ đó, chúng ta giúp ý nguyện của họ thành hiện thực. Ví dụ những bà con có đời sống kinh tế khá và vững mạnh muốn đầu tư phát triển đất nước… thì chúng ta tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho bà con và khi gặp vướng mắc thì kịp thời giải quyết.
Đặc biệt, các chuyên gia, trí thức, các nhà khoa học luôn có tâm huyết vô cùng lớn là làm thế nào để đóng góp cho đất nước. Thông qua Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ ba vừa tổ chức trong năm qua, chúng ta có thể thấy rõ được điều đó. Đây là dịp để chúng ta kết nối những ý tưởng, ý nguyện của bà con với nhu cầu trong nước. Do vậy, chúng ta cần thường xuyên tổ chức những hội nghị tương tự. Ngoài ra, bên cạnh những hội nghị lớn để xây dựng ngân hàng ý tưởng, chúng ta cũng đã bắt đầu nghiên cứu, phân tích và triển khai phát triển các ý tưởng. Rõ ràng rằng khi có những diễn đàn để đưa ra ý tưởng, để kết nối ý tưởng, thì chúng ta hoàn toàn có thể ươm mầm cho những ý tưởng đó. Đồng thời, chúng ta cũng phải có chính sách thù lao hợp lý để kiều bào ta có thể bảo đảm được cuộc sống, đồng thời tạo dựng các môi trường khoa học như viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, trung tâm đại học lớn…
Đây là những nhiệm vụ rất lớn nhưng chúng ta đã có chủ trương chính sách, Chương trình hành động của Chính phủ, có quyết tâm, thì tôi tin rằng việc thu hút nguồn lực kiều bào, đặc biệt là đội ngũ trí thức, doanh nhân kiều bào, về nước sẽ thành công.
Phóng viên: Bên cạnh những thành tựu đạt được, không thể phủ nhận rằng công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài còn một số tồn tại nhất định. Thứ trưởng có thể cho biết rõ thêm về những khó khăn, tồn tại đã và đang gặp phải và giải pháp cụ thể để giải quyết những vấn đề đó trong thời gian tới?
Thứ trưởng Vũ Hồng Nam: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu song không thể phủ nhận rằng công tác đối với NVNONN vẫn còn một số tồn tại nhất định và chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào những tồn tại đó để hướng tới hoàn thiện. Trước hết, tồn tại có sức ì và cản trở lớn nhất là nhận thức của chúng ta. Mặc dù chúng ta triển khai quán triệt rất tốt Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với NVNONN, song một số bộ phận, nhất là tại các địa phương, vẫn chưa nhận thức đúng, còn có những vướng mắc, cản trở khi một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa thực sự nhiệt tâm giúp đỡ bà con. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng Chương trình hành động của chính phủ, vấn đề này rất được chú trọng, để làm sao xây dựng nhận thức thống nhất từ trung ương tới địa phương. Thêm nữa, hiện, tại một số khu vực vẫn còn bà con chưa hiểu hết về quê hương, còn chưa cập nhật và thiếu thông tin về đất nước. Công tác thông tin tuyên truyền tới bà con còn hạn chế. Do vậy, trong thời gian tới, cần tiếp tục củng cố và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, vận động cộng đồng, trong đó cần tận dụng nguồn lực chung của toàn xã hội. Cuối cùng, đó là vấn đề duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ kiều bào. Hiểu biết và giao tiếp bằng tiếng Việt nghĩa là các bạn trẻ kiều bào sẽ hiểu biết về văn hóa, con người Việt, lịch sử và truyền thống hào hùng hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ cho các thế hệ NVNONN không chỉ góp phần cho các thế hệ trẻ hiểu để bảo tồn bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc mà còn giúp các em tự hào về nguồn cội của mình ở nước sở tại.
Bước vào năm mới Đinh Dậu 2017, chúng ta tiếp tục triển khai nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và có một sự kiện lớn là Năm APEC tổ chức tại Việt Nam. Tôi rất mong bà con kiều bào cùng tiếp tục phát huy truyền thống “con Lạc cháu Hồng”, tiếp tục xây dựng hình ảnh, uy tín của cộng đồng NVNONN trong cộng đồng quốc tế.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!