Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Xinh-ga-po đang tiếp tục đà phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Xinh-ga-po Lý Hiển Long và Phu nhân tiến hành chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 - 24/3/2017. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Xinh-ga-po đang tiếp tục đà phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Là một quốc gia nằm trong Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Cộng hoà Xinh-ga-po có diện tích 692,7 km2, gồm 1 đảo lớn và 63 đảo nhỏ, dân số: 5,47 triệu người (9/2015). Quy mô GDP hàng năm: 395 tỉ USD (2015). Thu nhập bình quân đầu người: xấp xỉ 50.000 USD (2015).

Đảo quốc Xinh-ga-po hầu như không có tài nguyên, phần lớn nguyên, nhiên liệu và lương thực, thực phẩm đều phải nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, Xinh-ga-po có hệ thống cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển hàng đầu Châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Xinh-ga-po có 12 khu vực công nghiệp lớn và cũng là nước đứng hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn; là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu Châu Á; là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức với kế hoạch đến năm 2018 sẽ trở thành một thành phố hàng đầu thế giới, một đầu mối của mạng lưới mới trong nền kinh tế toàn cầu và Châu Á và một nền kinh tế đa dạng nhạy cảm kinh doanh.

Việt Nam và Xinh-ga-po chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1973. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ hai nước có những bước phát triển tốt đẹp và toàn diện, đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức Xinh-ga-po của Thủ tướng Phạm Văn Đồng (16-17/1/1978), trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung khẳng định những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước. Tháng 12/1991, Đại sứ quán Việt Nam tại Xinh-ga-po và tháng 9/1992, Đại sứ quán Xinh-ga-po tại Hà Nội được thành lập.

Kể từ năm 1991, đặc biệt từ khi Việt Nam là thành viên ASEAN (1995), quan hệ hai nước phát triển nhanh chóng. Xinh-ga-po coi trọng quan hệ với Việt Nam và Việt Nam trở thành một trong những thị trường chính về thương mại, đầu tư của Xinh-ga-po ở Đông Nam Á. Năm 2004, hai nước đã ký “Tuyên bố chung về Khuôn khổ Hợp tác Toàn diện trong thế kỷ 21”, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm của Thủ tướng Lý Hiển Long tới Việt Nam và kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam - Xinh-ga-po.

Cơ chế Tham khảo chính trị thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao giúp tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa hai Bộ Ngoại giao, tạo cơ hội để hai bên trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao. Hai bên đã luân phiên tổ chức phiên họp vào các năm 2003, 2004, 2005, 2007, 2009, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016. Từ năm 2009, hai bên kết hợp tham khảo chính trị với giao lưu hai Bộ Ngoại giao gồm các hoạt động tọa đàm chuyên môn, giao lưu thể thao. Tính đến 12/2016, hai bên đã tổ chức được 10 kỳ họp tham khảo chính trị và 5 lần giao lưu hai Bộ Ngoại giao.

Cùng với đó, Hội Hữu nghị Việt Nam - Xinh-ga-po được chính thức thành lập ngày 18/9/2014 đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hai nước, nhất là giao lưu nhân dân. Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Xinh-ga-po (Tháng 11/2016).

Về hợp tác quốc phòng - an ninh, Bộ Quốc phòng hai nước đã ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng (9/2009); hai bên trao đổi nhiều chuyến thăm cấp Bộ trưởng. Các cơ chế Đối thoại chính sách Quốc phòng cấp Thứ trưởng và Nhóm làm việc chung về quan hệ quân sự - quốc phòng thường xuyên được tổ chức. Hợp tác hải quân hai nước phát triển tốt; từ năm 2009 trở lại đây, tàu Hải quân Xinh-ga-po đều ghé thăm giao lưu với Hải quân Việt Nam; tàu Hải quân Việt Nam cũng có chuyến ghé thăm Xinh-ga-po trên đường sang Ấn Độ dự diễu binh hải quân (01/2016). Xinh-ga-po tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo về chỉ huy tham mưu, ngoại ngữ và các lĩnh vực mới như không quân, hải quân, tàu ngầm. Hai bên đã ký Thỏa thuận về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự và Thỏa thuận về cứu hộ tàu ngầm tháng 9/2013. Xinh-ga-po đang tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho các cán bộ quốc phòng Việt Nam.

Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Xinh-ga-po đã ký Thỏa thuận Hợp tác (12/2006); hàng năm hai Bộ duy trì các chuyến thăm cấp Bộ trưởng và tổ chức họp cấp Thứ trưởng Thường trực. Hợp tác hai nước trong lĩnh vực an ninh, tình báo, phòng chống tội phạm ngày một phát triển cả ở tầm khu vực. Hai bên tích cực triển khai Chương trình Đào tạo và Phát triển dành cho các cán bộ thực thi pháp luật cao cấp của Bộ Công an Việt Nam, giai đoạn 2014-2016 và khóa Nâng cao năng lực dành cho các bộ làm công tác cứu hộ cứu nạn và phòng cháy chữa cháy tại Xinh-ga-po...

Về quan hệ kinh tế thương mại, từ 1996 đến nay, Xinh-ga-po luôn là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai nước tăng theo từng năm: năm 2005, 6,4 tỷ; năm 2006, 7,7 tỷ USD; năm 2007, 9,8 tỷ USD; năm 2008, 12 tỷ USD; năm 2009, 5,8 tỷ USD; năm 2010, 6,2 tỷ USD; năm 2011, 8,7 tỷ USD; năm 2012, 9,6 tỷ USD; năm 2013 đạt gần 9 tỷ USD; năm 2014 đạt xấp xỉ 9,8 tỉ USD; năm 2015 đạt 9,2 tỉ USD; năm 2016 đạt 7,1 tỉ USD. Các sản phẩm chủ yếu giữa hai nước là xăng dầu (Việt Nam xuất gạo, dầu thô, phương tiện vận tải và phụ tùng; nhập xăng dầu thành phẩm), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại; ngoài ra, ta xuất các sản phẩm thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả… Đầu tư trực tiếp từ Xinh-ga-po vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Xinh-ga-po tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101) với tổng vốn 39 tỉ USD1. Xinh-ga-po chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng. Khu Công nghiệp Việt Nam - Xinh-ga-po (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore, đã hoạt động được hơn 11 năm với 7 khu: VSIP 1 và VSIP 2 tại Bình Dương, VSIP 3 tại Bắc Ninh (12/2007), VSIP 4 tại Hải Phòng (01/2010); VSIP 5 tại Quảng Ngãi (9/2013) ; VSIP 6 tại Hải Dương (8/2015) và VSIP 7 tại Nghệ An (9/2015). Các dự án đầu tư của Xinh-ga-po được đánh giá hiệu quả, triển khai nhanh, tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu trong chuyển dịch kinh tế vùng miền của Việt Nam. Hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập VSIP tại Bình Dương (9/2016). Ngày 06/12/2005 tại Xinh-ga-po, Bộ trưởng Công thương Xinh-ga-po Lim Hng Kiang và Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển đã ký chính thức Hiệp định Khung về Kết nối Việt Nam - Xinh-ga-po và 06 phụ lục kết nối (6 lĩnh vực: tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, giao thông, đầu tư, thương mại và dịch vụ). Theo thoả thuận, các cuộc họp cấp Bộ trưởng Công Thương được tổ chức định kỳ (8 tháng) và luân phiên tại mỗi nước để rà soát tình hình triển khai Hiệp định và hoạch định phưong hướng hợp tác tiếp theo. Cho tới nay đã hai bên đã họp được 12 kỳ, kỳ thứ 11 được tổ chức ngày 16-17/4/2015 tại Thừa Thiên Huế; kỳ thứ 12 tại Xinh-ga-po (tháng 9/2016).

Hợp tác giáo dục-đào tạo: Hai nước ký Bản Ghi nhớ về Hợp tác Giáo dục (4/2007); thành lập Trung tâm Đào tạo Việt Nam - Xinh-ga-po (VSTC) tại Hà Nội (11/2001), hoạt động theo kinh phí của Chính phủ Xinh-ga-po; thành lập Trung tâm Đào tạo chất lượng cao tại Học viện Quản lý Giáo dục Việt Nam. Hàng năm, Chính phủ Xinh-ga-po cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam học đại học tại Xinh-ga-po. Bộ Ngoại giao hai nước đã ký Thỏa thuận về Chương trình đào tạo dành cho cán bộ trung, cao cấp Đảng Cộng sản Việt Nam tại Xinh-ga-po giai đoạn 2011 - 2013 và Thỏa thuận về Chương trình đào tạo chuyên đề cho cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2013 - 2015, 2016 - 2017. Năm 2014, Xinh-ga-po đứng thứ 5 trong top các điểm đến du học của sinh viên Việt Nam với khoảng 8.500 sinh viên.

Trong lĩnh vực văn hóa, hai bên chủ yếu hợp tác theo khuôn khổ của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN - COCI), tích cực ủng hộ lẫn nhau. Hợp tác du lịch giữa hai nước tương đối hiệu quả. Xinh-ga-po là thị trường du lịch quan trọng của Việt Nam, đồng thời là địa điểm du lịch hấp dẫn của du khách Việt Nam. Hai bên cũng thường xuyên tổ chức họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam - Xinh-ga-po; đến nay đã họp được 14 phiên; từ năm 2012 họp 2 lần/năm. Phiên họp gần nhất diễn ra tháng 5/2016 tại Đà Lạt, chủ yếu bàn về hợp tác tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, phát triển du lịch tàu biển, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư, kết nối tuyến điểm du lịch. Từ 2006, hợp tác du lịch được đưa vào khuôn khổ kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Xinh-ga-po. Tổng cục Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Y tế Singhealth Xinh-ga-po (2013) với nội dung khai thác phối hợp trong các lĩnh vực khoa học và y tế thể thao, chú trọng công tác chữa trị và điều trị chấn thương cho vận động viên.

Về hợp tác pháp luật, tư pháp: Tháng 3/2008, Bộ trưởng Tư pháp hai nước đã ký Bản ghi nhớ hợp tác Pháp luật và Tư pháp. Để triển khai Bản Ghi nhớ, Bộ Tư pháp hai nước đã tổ chức 03 Phiên họp Ủy ban Hỗn hợp về Pháp luật và Tư pháp tại Hà Nội (2009, 2011 và 2015, dự kiến phiên thứ 4 vào năm 2017 tại Xinh-ga-po). Tháng 01/2015, đoàn Chánh án TAND tối cao Việt Nam Trương Hòa Bình thăm Xinh-ga-po, dự lễ khai mạc năm tư pháp Xinh-ga-po 2015, lễ công bố thành lập Tòa án Thương mại quốc tế Xinh-ga-po và chuẩn bị thiết lập quan hệ hợp tác song phương giữa Tòa án Tối cao hai nước. Tòa án Nhân dân tối cao Việt Nam vừa ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác với Tòa án tối cao Xinh-ga-po (02/2017), Ngân hàng Trung ương của hai bên hợp tác chặt chẽ, thường xuyên trao đổi đoàn nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Xinh-ga-po tích cực hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ Việt Nam và mong muốn được tham gia quá trình tái cấu trúc lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam.

Về giao thông-vận tải, hai bên hợp tác tốt trong cả lĩnh vực hàng không, hàng hải và giao thông đường bộ. Hàng không: năm 2013 đạt 1.76 triệu lượt khách, tăng 1,7% so với năm 2012; đã có các đường bay thẳng từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Phú Quốc (mở tháng 11/2014) đi Xinh-ga-po. Năm 2016, Việt Nam đón 257.014 lượt khách Xinh-ga-po, tăng 8,7% so với 2015; khách Việt Nam đến Xinh-ga-po đạt 4.705 nghìn lượt, tăng 12% so với 2015. Về hàng hải, hai bên chia sẻ quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển, lựa chọn cảng phù hợp tiến hành hợp tác kết nối cảng biển (phát triển, quản lý và khai thác các bến cảng); liên doanh xây dựng, quản lý cảng Thị Vải (Bà Rịa – Vũng Tàu).

Hai bên hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và quốc tế như ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc. Xinh-ga-po cam kết ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc  nhiệm kỳ 2014-2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và UNESCO nhiệm kỳ 2015-2019. Việt Nam nhất trí ủng hộ Xinh-ga-po tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; Hội đồng Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế năm 2016. Xinh-ga-po cũng tích cực hỗ trợ, ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán TPP nhất là về vấn đề Doanh nghiệp Nhà nước tiếp cận thị trường. Xinh-ga-po tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng chương trình nghị sự cho APEC 2017. Liên quan đến các vấn đề an ninh chiến lược ở khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, hai nước tích cực hợp tác, chia sẻ quan điểm và bảo vệ lập trường chung của ASEAN.

Trong khuôn khổ chuyến thăm lần này, hai bên sẽ trao đổi các phương hướng chiến lược, biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược trong thời gian tới, bắt kịp với những chuyển biến nhanh chóng hiện nay của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ lẫn nhau phát triển bền vững, thịnh vượng, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, trong đó có ASEAN, APEC, ASEM và Liên hợp quốc./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới