Những ngày này, Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu đang được khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại để khánh thành đúng dịp Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ II, năm 2017 và “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” dự kiến sẽ tổ chức vào tháng 7 sắp tới.
Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào, tại bản Lao Khô.
Những năm tháng lịch sử hào hùng khắc sâu tình hữu nghị
Cách đây 68 năm, ngày 14/6/1948, Bộ Tổng chỉ huy, Bộ chỉ huy Liên khu 10 ra chỉ thị thành lập Ban xung phong Lào-Bắc gồm 14 người, do đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Trưởng Ban. Sau đó, Ban xung phong Lào - Bắc hành quân qua một số địa phương của Việt Nam như Mộc Hạ, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã và dừng chân tại bản Phiêng Sa, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La (nay là bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu) để tổ chức huấn luyện quân sự và nắm bắt tình hình trước khi trở về xây dựng căn cứ địa cách mạng tại huyện Xiềng Khọ, tỉnh Hủa Phăn và các tỉnh phía bắc của nước Lào. Tại đây, nhân dân bản Phiêng Sa và gia đình ông Tráng Lao Khô đã tạo mọi điều kiện giúp đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Ban xung phong Lào - Bắc hoạt động an toàn, bí mật. Từ căn cứ địa ở Phiêng Sa, Ban xung phong Lào - Bắc đã tiến sang đất Lào, xây dựng căn cứ cách mạng tại các tỉnh phía Bắc Lào, góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Lào phát triển, hình thành lực lượng vũ trang cách mạng của nhân dân Lào. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, LLVT của hai nước Việt Nam - Lào đã hợp tác chặt chẽ, đánh đuổi kẻ thù chung, giành độc lập dân tộc cho mỗi nước.
Nơi ghi dấu tình hữu nghị đặc biệt
Năm 2012, Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào tại bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Đây là di sản Quốc gia có giá trị lịch sử, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa và truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Ngày 24/4/2012, Quốc hội hai nước Việt Nam - Lào đã tổ chức Lễ động thổ trùng tu, tôn tạo Khu di tích lịch sử này trên diện tích 49,26 ha, gồm: Các khu di tích gốc, Đài biểu tượng Hữu nghị Việt Nam - Lào và các công trình phụ trợ. Dự án được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 53,7 tỷ đồng; nhà thầu liên danh Mỹ thuật Việt Nam - Mỹ thuật Trung ương được lựa chọn.
Công trình gồm các hạng mục chính: Khu vực I (di tích gốc) là khu nền nhà cũ của ông Tráng Lao Khô và các lán trại của Ban xung phong Lào - Bắc thời kỳ 1948-1951. Tại đây, được đặt bia lưu niệm bằng đá xanh Thanh Hóa, với nhiều họa tiết hoa văn đặc trưng của các dân tộc Tây Bắc. Nội dung bia ghi lại công lao của gia đình ông Tráng Lao Khô và nhân dân bản Phiêng Sa đối với Ban xung phong Lào - Bắc. Khuôn viên, sân vườn được rào bằng cây trúc để bảo vệ, ngoài ra còn trồng các loại cây bản địa như mơ, mận, đào, sơn tra... Khu vực II là thung lũng được bao quanh bởi rừng cây nguyên sinh và dòng suối Mơ Tươi chảy 4 mùa. Nơi đây được tôn tạo thành khu giáo dục truyền thống, gồm: Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào cao 18 mét (bằng đá xanh Thanh Hóa); lõi bằng bê tông cốt thép, hình cánh hoa sen và hoa chăm pa - thể hiện nét văn hóa đặc trưng của hai nước Việt Nam - Lào.. Sân đài biểu tượng rộng 205 m2, ôm sát xung quanh đài biểu tượng. Từ sân lễ hội lên đài biểu tượng gồm 51 bậc đá, chia làm ba chặng. Thành bậc lên và lan can xung quanh được đục bằng đá xanh Thanh Hóa với các họa tiết hoa văn Tây Bắc. Cũng tại khu vực II còn có sân lễ hội và nhà trưng bày. Sân lễ hội rộng 1.296 m2 lát bằng đá xanh Thanh Hóa và các ô cỏ. Riêng Nhà trưng bày được quy hoạch đối xứng theo hướng Bắc - Nam của sân Lễ hội, rộng 262,8 m2, gồm 5 gian, bằng bê tông cốt thép và gạch bloc, sơn giả gỗ, mái ngói. Trong nhà trưng bày có nơi dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Cay xỏn Phôm-vi-hản. Đồng thời, có các hình ảnh, tư liệu, hiện vật quan trọng về tình hữu nghị Việt Nam - Lào. Phần trưng bày theo hai chủ đề chính, đó là: Quá trình hình thành, hoạt động của Ban xung phong Lào - Bắc, những đóng góp quan trọng của nhân dân bản Phiêng Sa và ông Tráng Lao Khô; tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.
Tính đến ngày 6/2/2017, Dự án Khu di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào đã hoàn thành các hạng mục: Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam - Lào; Nhà trưng bày; nhà đón tiếp, bảo vệ; sân vườn khu giáo dục truyền thống, cây xanh; nền nhà cũ của ông Tráng Lao Khô; đường bê tông, cầu qua suối; công trình phụ trợ; san nền cải tạo mặt bằng. Phần trưng bày di tích hoàn thành hiệu đính chữ Lào trước khi in pano, poster ảnh, etiket; hệ thống khung xương của đai, bục, vách, bục bệ, hệ thống điện trưng bày, tủ trưng bày, đồ thờ, các pa no... Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Công ty TNHH nhà nước một thành viên Môi trường đô thị Sơn La thống nhất điều chỉnh, bố trí lại vị trí một số cây xanh trồng trong khuôn viên để phù hợp với tổng thể và mỹ quan của Khu di tích... Các hạng mục còn lại cũng đang được khẩn trương thi công, bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Di tích lịch sử cách mạng Việt Nam - Lào chứa đựng giá trị to lớn về lịch sử, minh chứng thêm về truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa hai nước và cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau của hai nước Việt - Lào anh em.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!