Nhật Bản coi trọng mối quan hệ ngoại giao với Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ một cách hiệu quả cho Việt Nam trong thời gian tới. Nội dung này đã được phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kawamura Yasuhisa khẳng định trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nhân dịp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sang thăm Việt Nam (16-17/1).
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Kawamura Yasuhisa.
Phóng viên: Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Shinzo Abe quay trở lại Việt Nam. Thưa ông, nội dung trọng tâm của chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là gì?
Ông Yasuhida: Chính phủ Nhật Bản rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam trong chính sách ngoại giao của mình ở khu vực châu Á. Đây cũng là lý do Thủ tướng Shinzo Abe đã lựa chọn Việt Nam là điểm đến trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm mới.
Trong bối cảnh môi trường an ninh, chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến “không rõ ràng” thì chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe tới Việt Nam sẽ một lần nữa giúp khẳng định mối quan hệ đối tác sâu rộng giữa hai nước.
Phóng viên: Qua chuyến thăm này, Thủ tướng Shinzo Abe muốn gửi thông điệp gì tới chính phủ và nhân dân Việt Nam?
Ông Yasuhida: Chính phủ Nhật Bản có trách nhiệm chung trong duy trì an ninh, an toàn trong khu vực. Và vào thời điểm mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản đã được đăng cường thì Nhật Bản càng nhận thức rõ trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh sự giao lưu qua lại giữa các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước đã được tăng cường và coi trọng. Tới mùa xuân năm nay, Nhà Vua và Hoàng hậu Nhật Bản sẽ sang thăm Việt Nam. Chuyến thăm này sẽ được coi là một biểu tượng cho mối quan hệ giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời là một cơ hội để chúng ta vun đắp mối quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Đó cũng là những nội dung mà Thủ tướng muốn truyền tải tới người dân Việt Nam trong chuyến thăm lần này.
Phóng viên: Chuyến thăm này của Thủ tướng Shinzo Abe có vai trò gì trong việc khẳng định tầm quan trọng của quan hệ thương mại tự do giữa Nhật Bản với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh các bên đang thúc đẩy tiến trình thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)?
Ông Yasuhida: Hiệp định TPP có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước trong khu vực và các nước tham gia đàm phán. Chính vì thế, Nhật Bản rất mong muốn TPP được khởi động và sẽ hợp tác với Việt Nam cùng các nước tham gia đàm phán TPP để có thể hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu này.
Phóng viên: Dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước, ngày 16/1, các đại diện Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng. Ông có thể đánh giá chuyến thăm này của Thủ tướng Shinzo Abe sẽ đóng vai trò gì trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực?
Ông Yasuhida: Ngoài những hiệp định và văn bản được trao đổi ngày 16/1, hai bên đã nhất trí rằng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam đóng mới 6 tàu tuần tra. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn nhằm khẳng định thành quả chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Abe. Việc nhất trí đi tới hỗ trợ đóng mới 6 tàu tuần tra cho Việt Nam là một trong những đóng góp của Nhật Bản trong việc nâng cao năng lực an toàn hàng hải của Việt Nam.
Ngoài ra, trong các cuộc gặp gỡ ngày 16/1, đại diện hai nước đã ký kết nhiều dự án hợp tác, trong đó có Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SPICC). Đây là một dự án sẽ giúp Việt Nam cải thiện những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần tạo cơ hội việc làm, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Trong năm tài khóa 2016 (từ tháng 3/2016 – 3/2017), Nhật Bản đã hỗ trợ Việt Nam ODA là 130 tỷ Yên. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ Việt Nam trong phát triển hạ tầng chất lượng cao.
Phóng viên: Sau chuyến thăm của Thủ tướng Shinzo Abe, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục có những chính sách gì để hỗ trợ Việt Nam cũng như triển khai các văn kiện hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng gồm: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chống biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh hàng hải, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam?
Ông Yasuhida: Trong thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lĩnh vực:
Về lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Chúng tôi sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển; hỗ trợ xây dựng trường đại học Nhật – Việt để mở rộng quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng như thực hiện các chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ trong các cơ quan Đảng.
Về vấn đề biến đổi khí hậu: Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam một dự án ODA nhằm giảm tình trạng xâm nhập mặn. Ngày 16/1, đại diện hai nước cũng đã thông qua thỏa thuận hỗ trợ Việt Nam 11 tỷ Yên trong dự án về SPICC.
Về tăng cường an ninh hàng hải: Trong cuộc gặp gỡ ngày 16/1, phía Nhật Bản đã nhất trí hỗ trợ cho Việt Nam đóng mới 6 tàu tuần tra. Đây là một nội dung sẽ được triển khai trong thời gian tới cùng với chương trình hỗ trợ đào tạo lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam.
Về hỗ trợ ODA: Trong năm nay, Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam 130 tỷ Yên. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam khoảng 120 tỷ Yên, trong đó có một khoản ODA trị giá 24,3 tỷ Yên nhằm khắc phục tình trạng xâm nhập mặn; hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam 38,5 tỷ Yên để đóng 6 tàu tuần tra mới; hỗ trợ Việt Nam trang bị vệ tinh nhân tạo hỗ trợ phòng chống thiên tai trị giá 30 tỷ Yên; hỗ trợ 24,7 tỷ Yên cho dự án xử lý nước ngầm ở Biên Hòa – Đồng Nai…
Phóng viên: Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng. Ông có thể cho biết, trong chuyến thăm này, Thủ tướng Abe đã đưa ra đề xuất gì cho Hội nghị APEC 2017?
Ông Yasuhida: Ngày 16/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mời Thủ tướng Shinzo Abe tham gia Hội nghị APEC 2017 và Nhật Bản sẽ cân nhắc về lời đề nghị này.
Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ song phương, Thủ tướng hai nước đã đề cập tới rất nhiều nội dung, trong đó có lĩnh vực kinh tế, an ninh hàng hải, tình hình trên Biển Đông… Về những vấn đề này, hai bên nhất trí sẽ cùng hợp tác để chắc chắn có thể thực hiện và triển khai trong thời gian tới. Đó cũng là một trong những nội dung để chuẩn bị cho Hội nghị APEC 2017.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!