Khơi nguồn đoàn kết, giữ vững biên cương

Gần 60 năm qua, tuyến mương hữu nghị Việt Nam - Lào đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp của nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La và Cụm bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào). Tuyến mương không chỉ mang đến những mùa vàng no ấm, giúp bà con ổn định cuộc sống, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân các bản trong khu vực.

Giọng nữ
Ông Tòng Văn Nố (đầu tiên bên phải), bản Chiềng Khương, huyện Sông Mã, kể chuyện tham gia xây dựng tuyến mương hữu nghị Việt Nam - Lào.

Công trình của tình hữu nghị

Trước năm 1964 của thế kỷ XX, tận dụng dòng suối Nậm Lẹ chảy từ bản Mo, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, sang Cụm bản Đán, nước bạn Lào, bà con hai bên biên giới đã làm tuyến mương tạm và các cọn nước để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do mương bé, lượng nước ít, thời điểm đó, máy bay Mỹ lại thường xuyên ném bom, bà con phải đi sơ tán liên tục, nên diện tích sản xuất nhỏ, thiếu lương thực trầm trọng. Năm 1964, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, để giúp bà con đảm bảo nguồn nước sản xuất, Bộ Thủy lợi đã cử hơn 200 cán bộ kỹ thuật và công nhân lên xã Chiềng Khương xây dựng mương hữu nghị Việt Nam - Lào. Công trình đầu mối được xây dựng tại bản Mo, xã Chiềng Khương, dài 12 km. Trong đó, gần 4 km nằm trên đất Chiềng Khương, hơn 8 km nằm trên đất bạn Lào, đáp ứng nhu cầu tưới tiêu khoảng 100 ha lúa ruộng của bà con hai bên biên giới.

Năm 19 tuổi, ông Tòng Văn Nố, bản Chiềng Khương, xã Chiềng Khương tham gia lực lượng thanh niên xung phong của huyện Sông Mã, thực hiện việc xây dựng các công trình thủy lợi. Đến năm 1965, ông Nố và hơn 50 người trong đội chuẩn bị các tư trang cần thiết, hành quân từ trung tâm huyện về xã Chiềng Khương để cùng lực lượng công nhân miền xuôi xây dựng tuyến mương hữu nghị Việt Nam - Lào. Ông Nố kể: Thời điểm đó, ban ngày tranh thủ lúc không có máy bay Mỹ, chúng tôi đào đất; ban đêm thắp đèn dầu để tiếp tục công việc. Lòng mương rộng 1 m và sâu 2 m, chủ yếu là sức người sử dụng cuốc, xẻng, xà beng để đào. Khu vực nào gặp cây to hoặc đá, sử dụng mìn để nổ.

Cũng trong năm 1965, công trình đang thi công qua biên giới đến đất nước bạn Lào thì bị máy bay Mỹ ném bom khiến 3 công nhân hy sinh. Dù vậy, các công nhân không nản lòng, ai cũng ra sức thực hiện phần việc của mình, mong muốn hoàn thành công trình phục vụ tưới tiêu đồng ruộng. Sau 4 năm thi công liên tục, tuyến mương đã hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 1967. Có nguồn nước dồi dào, bà con hai bên biên giới phấn khởi mở rộng diện tích gieo cấy.

Ông Nố chia sẻ thêm: Xây tuyến mương này, ngoài 3 công nhân hy sinh, còn nhiều công nhân tử vong do sốt rét, ngộ độc nước, bởi thời tiết khắc nghiệt. Ngày khánh thành tuyến mương được tổ chức tại bản Hát Củ, Cụm bản Đán, có đội văn công khu Tây Bắc của Việt Nam về biểu diễn, bà con ai nấy phấn khởi đến xem rất đông. Tôi rất tự hào vì được đóng góp công sức xây dựng công trình ý nghĩa này.

Từ khi hoàn thành tuyến mương đến nay, công trình mương hữu nghị Việt Nam - Lào được nhân dân xã Chiềng Khương và cụm bản Đán quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả. Hiện nay, tuyến mương có tổng chiều dài 8 km, cung cấp nước tưới cho 67 ha lúa ruộng 2 vụ của 7 bản: Pục, Chiềng Khương, xã Chiềng Khương và bản Đán, Bỉa, Hát Củ, Xôn Khủa, Huổi Củ, cụm bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương giúp nhân dân thu hoạch lúa xuân.

Mang đến những mùa vàng no ấm

Những ngày đầu tháng 6, cánh đồng lúa ở hai bên Trạm cửa khẩu Chiềng Khương và nước bạn Lào trải dài màu vàng của lúa chín, phảng phất hương thơm. Anh Lò Văn Pâng, bản Chiềng Khương, phấn khởi: Nhờ tuyến mương hữu nghị chảy quanh năm, đảm bảo nguồn nước nên năm nay, dù thời tiết nắng nóng kéo dài, vụ lúa xuân của gia đình vẫn bội thu. Với 2.600 m² lúa ruộng, gia đình trồng giống nếp 86, thu 1,4 tấn, tăng 0,3 tấn so với vụ xuân năm 2023.

Tuyến mương hữu nghị qua địa phận bản Chiềng Khương và bản Pục dài 2,6 km, cung cấp nước tưới cho 14 ha lúa ruộng của bà con. Từ năm 2015, đoạn mương được Nhà nước đầu tư xây dựng thành mương hộp, duy trì nguồn nước quanh năm, giúp nhân dân yên tâm lao động, sản xuất. Vụ lúa xuân năm nay năng suất đạt 6 - 7 tấn/ha, cao hơn các năm trước.

Ông Bun Thăm, Trưởng bản Bỉa, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, cho biết: Cùng nhau sản xuất trên cánh đồng, bà con nước bạn Việt Nam đã hướng dẫn chúng tôi gieo cấy các loại giống lúa mới năng suất cao, cách phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, đảm bảo lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Vụ lúa xuân năm 2024, năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha. Đời sống của bà con từng bước khởi sắc, nhiều hộ gia đình đã có của ăn của để.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, giúp nhân dân thu hoạch lúa.

Còn anh Viêng Phong, bản Đán, huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, phấn khởi: Được hưởng lợi từ tuyến mương hữu nghị, chúng tôi thêm gắn bó với bà con xã Chiềng Khương. Chúng tôi sẽ nỗ lực sản xuất, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no.

Quản lý và khai thác hiệu quả tuyến mương hữu nghị Việt Nam - Lào, hằng năm, xã Chiềng Khương đã chỉ đạo cán bộ địa chính - nông, lâm nghiệp phối hợp với các bản tiến hành kiểm tra, nhất là các khu vực có nguy cơ bồi lấp, sạt lở vào tuyến mương để kịp thời huy động nhân dân nạo vét, tu sửa. Hướng dẫn bà con gieo trồng đúng thời vụ, lựa chọn các loại giống, phân bón tốt và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. 2 lần/năm, xã phối hợp với Cụm bản Đán tổ chức họp, rút kinh nghiệm về công tác quản lý và sử dụng tuyến mương.

Ông Cà Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, cho biết: Ngoài đảm bảo canh tác 14 ha lúa ruộng 2 vụ, tuyến mương còn phục vụ tưới tiêu cho 7 ha cây ăn quả và 1 ha ao cá. Canh tác hiệu quả giúp bà con nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,16% năm 2023.

Nhân dân xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã và Cụm bản Đán (nước CHDCND Lào) khơi thông mương nước hữu nghị Việt Nam - Lào.

Cùng vun đắp nghĩa tình biên giới

Cùng chung tuyến mương, cùng lao động, sản xuất trên tuyến biên giới, bản Chiềng Khương và bản Đán, Cụm bản Đán, nước bạn Lào đã kết nghĩa bản - bản. Ông Quàng Văn Giới, Trưởng bản Chiềng Khương, huyện Sông Mã, cho biết: Hằng năm, hai bản luân phiên tổ chức gặp gỡ để trao đổi tình hình, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khai thác sử dụng tuyến mương, xây dựng các mô hình kinh tế tiêu biểu và tham gia bảo vệ biên giới. Vào những ngày lễ, tết cổ truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao để gặp gỡ, giao lưu.

Đứng chân trên địa bàn xã Chiềng Khương, mùa cấy hay mùa gặt, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương đều đặn giúp bà con khơi thông tuyến mương và thu hoạch mùa vụ. Trung tá Lò Văn Tích, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Chiềng Khương, cho biết: Ngoài hỗ trợ sản xuất, đơn vị còn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước, thực hiện nghiêm quy chế biên giới, các thỏa thuận giữa các bản giáp biên. Đồng thời, phối hợp với Đại đội Biên phòng 212, Trạm bản Đán, Công an tỉnh Hủa Phăn, tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc giới, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ tại khu vực biên giới.

Tuyến mương hữu nghị Việt Nam - Lào đã giúp nhân dân xã Chiềng Khương và Cụm bản Đán sản xuất những vụ mùa vàng bội thu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Dòng mương cũng là sợi dây gắn kết bền chặt, vun đắp tình hữu nghị đặc biệt của nhân dân các bản nơi biên giới tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng để xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Bài, ảnh: Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới