Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh nước CHDCND Lào. Những năm qua, công tác đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao cho nước bạn Lào của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng xây dựng, phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh nước bạn Lào nói riêng, giữa hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Lào nói chung.
Trường cao đẳng Y tế Sơn La là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sinh viên cho các tỉnh của nước bạn Lào. Bắt đầu từ năm 1971, nhà trường thực hiện đào tạo khóa y sỹ đa khoa đầu tiên cho tỉnh Hủa Phăn. Giai đoạn 1973-1985, với yêu cầu đào tạo cán bộ y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, hằng năm, các tỉnh Bắc Lào đều gửi lưu học sinh sang đào tạo chuyên ngành tại nhà trường. Đặc biệt, từ năm 2010, sau khi nâng cấp lên thành trường cao đẳng, số lượng lưu học sinh theo học tại đây tăng lên. Hiện nay, nhà trường đang đào tạo hơn 200 lưu học sinh Lào với 3 ngành nghề chính là dược sỹ, điều dưỡng và hộ sinh.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Y tế Sơn La, chia sẻ: Nhiều học sinh Lào dù theo học một thời gian, nhưng vốn tiếng Việt chưa được thành thạo, nhất là từ ngữ chuyên ngành y học; do đó, việc tiếp thu kiến thức so với sinh viên Việt Nam chậm hơn. Hiểu rõ điều đó, giảng viên của nhà trường luôn đổi mới trong cách soạn giáo án, phương pháp đào tạo, giúp các em rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật. Đồng thời, quan tâm, lắng nghe tâm tư và tạo điều kiện tối đa để các em dễ tiếp thu kiến thức, kỹ năng, nâng cao chất lượng học tập.
Em Kom-phan Su-kha-lak, lưu học sinh lớp dược sỹ K9A, chia sẻ: Ban đầu, khó khăn lớn nhất với em là học tiếng Việt chuyên ngành. Tuy nhiên, em và các bạn sinh viên Lào luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ rất lớn từ nhà trường, thầy cô giáo và các bạn sinh viên Việt Nam. Em mong muốn, sau khi tốt nghiệp mang những kiến thức đã học về cống hiến tại đất nước mình.
Còn Trường đại học Tây Bắc, từ khi thành lập đến nay đã tạo trên 1.000 lưu học sinh Lào ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ. Ông Đỗ Hồng Đức, Phó Hiệu trưởng, cho biết: Các lưu học sinh Lào trước khi vào học chuyên ngành nếu chưa biết tiếng Việt sẽ được học dự bị tiếng Việt trong thời gian một năm tại trường. Sau đó, được bố trí vào các lớp để học tập cùng các sinh viên, học viên Việt Nam theo chuyên ngành đã đăng ký. Cùng với đó, nhà trường dành một khu ký túc xá riêng, miễn hoàn toàn các chi phí về chỗ ở tại khu nội trú của trường, làm thẻ thư viện, bảo hiểm y tế, khám sức khỏe định kỳ cho lưu học sinh Lào.
Ngoài việc học, các lưu học sinh Lào còn được tham gia các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục, thể thao; thăm quan các di tích lịch sử, giúp các em hiểu biết, cùng vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước ngày càng bền chặt.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, có gần 3.000 lưu học sinh Lào học tập tại tỉnh Sơn La. Trong đó, gần 2.200 lưu học sinh Lào hoàn thành chương trình đào tạo về nước công tác. Hiện nay, gần 1.000 lưu học sinh Lào đang học tại các trường đại học, cao đẳng. Ngoài ra, có hơn 600 cán bộ của các tỉnh Bắc Lào được đào tạo về tiếng Việt đã trở về nước công tác. Qua đánh giá kết quả hợp tác đào tạo nguồn nhân lực các tỉnh Bắc Lào cho thấy, nhiều lưu học sinh Lào sau khi tốt nghiệp về nước công tác đã giữ các vị trí quan trọng, chủ chốt trong các cơ quan Nhà nước, phục vụ tốt sự nghiệp xây dựng và phát triển nước CHDCND Lào.
Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh nước CHDCND Lào, không chỉ góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ nước bạn có năng lực chuyên môn cao, mà còn góp phần khẳng định mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước, giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào ngày càng bền chặt.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!