Hội nghị AEM và AEM+3: Đảm bảo hiệu quả phòng chống dịch và khôi phục kinh tế

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau khi kết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN+3 (AEM+3) trực tuyến, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, các nước thống nhất mục tiêu cao nhất là tiếp tục đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đồng thời phối hợp chặt chẽ, đảm bảo những chương trình hợp tác về kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi họp báo 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hai Hội nghị đều đề cập đến những vấn đề lớn và những tác động, dự báo còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới, quan trọng trong tuyên bố chung và chương trình hành động đều đề cập đến những vấn đề lớn trong những chính sách để đảm bảo hợp tác giữa các nước trong khối ASEAN cũng như giữa ASEAN với các nước đối tác, để đảm bảo hiệu quả trong phòng chống dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ: ASEAN và ASEAN+3 đều khẳng định sự hợp tác của các nước nội khối cũng như ASEAN với 3 nước đối tác là vô cùng quan trọng và tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng ở khu vực và trên toàn cầu. Thực tế, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đều là những đối tác rất quan trọng của Việt Nam và các nước ASEAN. Chưa kể đến, các nước ASEAN cũng là thị trường rất quan trọng của Việt Nam, có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng ở các lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, các Bộ trưởng thống nhất đánh giá và đưa ra biện pháp cụ thể, đặc biệt trong Kế hoạch hành động Hà Nội.

Cùng với đó, ASEAN khẳng định tất cả các nước phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tăng cường hiệu quả sự liên kết nội khối, đảm bảo khôi phục hoạt động của nền kinh tế cũng như đảm bảo vai trò các nước ASEAN trong chuỗi cung ứng. Các nước ASEAN thống nhất phải hoàn thiện các hoạt động của quản lý nhà nước, nhất là trong khung khổ pháp luật và thể chế để đảm bảo ASEAN tiếp tục là nền kinh tế năng động, có sức hấp dẫn không chỉ trong các biện pháp phòng chống dịch bệnh có hiệu quả trong ổn định xã hội mà còn cả trong phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư và đối tác.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục rà soát, bãi bỏ những hàng rào thuế quan cũng như các hàng rào kỹ thuật cản trở cho sự luân chuyển dòng hàng hóa, dịch vụ và tín dụng của các nước trong ASEAN. Riêng với Kế hoạch hành động Hà Nội, các nước đều khẳng định, doanh nghiệp mà đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, là khu vực trọng tâm. Vì vậy, tất cả các nước sẽ tiếp tục các cơ chế chính sách để hỗ trợ thuận lợi nhất cho khu vực doanh nghiệp. Trong đó, sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế hợp tác hiệu quả giữa các khu vực công - tư.

Ngoài ra, ASEAN sẽ tiếp tục phối hợp trong Chương trình hành động việc rà soát pháp lý và việc tổ chức những khung khổ hợp tác và cơ chế hỗ trợ của các nước ASEAN trong tiếp cận các thị trường trong khung khổ hội nhập mới mà ASEAN tiếp tục triển khai thực hiện. Ví dụ, như Hiệp định Đối tác toàn diện và khu vực RCEP và chúng ta đang tiếp tục xây dựng kế hoạch để ký kết ngay trong năm 2020. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN cũng thống nhất tạo thuận lợi tối đa cho việc luân chuyển hàng hóa, đặc biệt là thông qua các hoạt động thương mại, hàng không, đường biển, đường bộ; tiếp tục rà soát các thủ tục hải quan, bao gồm việc dùng ứng dụng điện tử trong các hoạt động của hải quan cũng như thông quan điện tử, bao gồm cả cấp C/O điện tử và các thủ tục khác cho luân chuyển hàng hóa trong ASEAN và ASEAN +3 và các đối tác.

Bộ trưởng cho rằng, trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang tiếp tục đe dọa sự phát triển của các nước ASEAN, nhất là với các nền kinh tế đang hướng về xuất khẩu, các nước ASEAN cần tiếp tục thống nhất phát triển hơn nữa thị trường nội địa trên cơ sở tiếp tục tạo ra cơ chế chính sách để kích cầu nội địa cũng như thông qua các chương trình về đầu tư của nhà nước trong các lĩnh vực về hạ tầng và cho nền kinh tế để phối hợp hỗ trợ cho khu vực doanh nghiệp cũng như thị trường trong nước phát triển mạnh mẽ hơn. Ngoài ra, các biện pháp để tạo ra sự kết nối về thị trường giữa các nước ASEAN cũng là nội dung quan trọng để giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Sau các hội nghị này, Chính phủ và Bộ trưởng các nước sẽ nghiên cứu kỹ để xây dựng kế hoạch phù hợp giữa khu vực công và tư. Từ đó, sẽ tiếp tục đưa ra những nội dung cụ thể trong xây dựng chính sách điều hành của các nước. "Đặc biệt sẽ tính toán đảm bảo những khuyến nghị, kế hoạch này đáp ứng yêu cầu trước mắt nhưng đồng thời hướng tới mục tiêu lâu dài trong tái cơ cấu lại, đảm bảo bền vững hơn của các ngành kinh tế, chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia ở khu vực và toàn cầu, với vai trò của khu vực doanh nghiệp"- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới