Củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - I-xra-en

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Nhà nước I-xra-en Rơ-ven Ru-vi Ríp-lin (Reuven R. Rivlin) và Phu nhân bắt đầu tiến hành chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 19 - 25/3/2017.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Nhà nước I-xra-en Si-môn Pê-rét thăm Việt Nam năm 2011

Nhà nước I-xra-en nằm ở phía Đông Địa Trung Hải, phía Bắc giáp Libăng, Đông Bắc giáp Xi-ri, Đông giáp Gioóc-đa-ni, Nam và Tây Nam giáp biển Đỏ và Ai-cập, Tây giáp Địa Trung Hải. Diện tích: 22.072 km2. Dân số, khoảng 8,412 triệu người (2016). I-xra-en nghèo tài nguyên thiên nhiên, phần lớn đất đai khô cằn song nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất trong tất cả các ngành: nông nghiệp (cải tạo đất, giống, tưới tiêu, tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến sau thu hoạch); công nghiệp; quốc phòng…, I-xra-en đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, được xếp vào hàng các nước phát triển, là một trong số 25 nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới, GDP (theo PPP): 281,9 tỷ USD (2015). GDP bình quân đầu người (theo PPP): 33.700 USD (2015). Tăng trưởng GDP: 2,6% (2015), khoảng 3% (2016).

Nhà nước I-xra-en theo thể chế Cộng hoà nghị viện, chế độ Dân chủ nghị viện bao gồm ba nhánh quyền lực là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp. Quốc hội (Knesset) là cơ quan lập pháp cao nhất, gồm 120 đại biểu đại diện các đảng phái được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước được Quốc hội bầu ra với nhiệm kỳ 7 năm.

Chính phủ là cơ quan hành pháp, với thẩm quyền hoạch định chính sách trong rất nhiều lĩnh vực, từ nội trị cho tới ngoại giao, nếu như luật pháp không qui định cụ thể lĩnh vực đó thuộc thẩm quyền của các cơ quan khác. Chính phủ I-xra-en nhiệm kỳ 34 hiện nay là chính phủ liên minh cánh hữu và tôn giáo do ông B. Nê-tan-y-a-hu làm Thủ tướng được thành lập sau cuộc bầu cử Quốc hội trước thời hạn khoá 20 (ngày 17/3/2015). I-xra-en hiện có quan hệ ngoại giao với gần 170 nước trên thế giới. Ngoài ra, I-xra-en là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc (UN), Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức thương mại thế giới (WTO),…

I-xra-en đứng đầu thế giới về năng suất và chất lượng các sản phẩm nông nghiệp; có ngành công nghiệp rất phát triển với tỷ lệ sản xuất công nghiệp phục vụ xuất khẩu chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu hàng hoá; đứng thứ 2 về số lượng các công ty công nghệ thông tin, sau thung lũng Silicon tại Mỹ.

Cơ cấu kinh tế,  nông nghiệp chiếm 2,4%; công nghiệp chiếm 25,7%; dịch vụ chiếm 71,9%. Xuất khẩu chủ lực của I-xra-en là kim cương đã chế tác, thiết bị công nghệ cao, vũ khí, phần mềm tin học, hóa chất, dệt may... Đối tác chính của I-xra-en hiện nay là Mỹ, Trung Quốc, Anh, Bỉ...

Việt Nam và I-xra-en thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1993. Việt Nam mở Đại sứ quán tại Tel Aviv tháng 5/2009, I-xra-en mở Đại sứ quán tại Hà Nội tháng 12/1993. Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1993, Việt Nam và Nhà nước I-xra-en duy trì trao đổi đoàn các cấp, trong đó đáng chú ý có chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống I-xra-en Si-môn Pê-rét (2011) và chuyến thăm chính thức Ixra-en của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (2015)...

Về quan hệ kinh tế, ngày 29/5/2016, I-xra-en đã chính thức công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – I-xra-en (VIFTA). Kim ngạch thương mại song phương năm 2016 đạt 1,237 tỷ USD so với 1,695 tỷ USD năm 2015, trong đó Việt Nam xuất chủ yếu là điện thoại và linh kiện các loại, giày dép, cà phê, hạt điều, hàng dệt may, thủy sản và nhập chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ cao, phân bón... Về đầu tư trực tiếp (FDI), tính đến tháng 01/2017, I-xra-en có 25 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 46,37 triệu USD, xếp thứ 56/116 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Về hỗ trợ phát triển, tháng 8/2013, dự án Trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của I-xra-en (vốn ODA không hoàn lại của I-xra-en hơn 1 triệu USD, thành phố Hồ Chí Minh góp hơn 50 tỷ đồng) đã chính thức đi vào hoạt động sau khi được khởi công từ tháng 7/2011.

Về hợp tác nông nghiệp, I-xra-en đã hỗ trợ triển khai nhiều dự án nhằm chuyển giao công nghệ chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu tiên tiến… như các Trạm thực nghiệm tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án phát triển chăn nuôi, nghiên cứu nâng cao sản lượng cây ăn quả, tiết kiệm nước tưới, trồng trong nhà kính… tại nhiều địa phương Việt Nam.

Về hợp tác giáo dục - đào tạo - lao động, từ 2008 đến nay, I-xra-en đã tiếp nhận hơn 2.130 tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm tại các nông trại I-xra-en trong thời hạn 1 năm. Bên cạnh đó, I-xra-en đã tiếp nhận khoảng 1.400 lao động nông nghiệp Việt Nam làm việc trong thời hạn 5 năm từ 2010. Ngoài ra, Việt Nam và I-xra-en còn hợp tác về khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực khác hiện hai nước có nhu cầu và nhiều tiềm năng.

Chuyến thăm Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nhà nước I-xra-en Rơ-ven Ru-vi Ríp-lin và Phu nhân nhằm củng cố, thắt chặt hơn nữa quan hệ Việt Nam - I-xra-en, trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đồng thời trao đổi về các vấn đề khụ vực, quốc tế cùng quan tâm.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới