Theo đặc phái viên TTXVN, chiều 7/4, bên lề Đại hội đồng lần thứ 140 Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-140), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka Karu Jayasuriya (Ca-ru Gia-ya-xu-ri-ya).
Tại cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng gặp lại tại IPU-140; cùng nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước cần được phát triển sâu rộng hơn nữa dựa trên tiềm năng và lợi thế của mỗi bên.
Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka đánh giá hai nước có nhiều điểm tương đồng trong lịch sử. Để phát huy tiềm năng và lợi thế mỗi bên, hiện lãnh đạo Sri Lanka đã có những cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka và Đại sứ Sri Lanka tại Việt Nam về kết nối, thu xếp chuẩn bị cho các chuyến thăm, trao đổi đoàn trong thời gian tới, trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác, trong đó có thúc đẩy hàng hóa Việt Nam sang thị trường Sri Lanka, về khả năng hợp tác trong lĩnh vực điện gió… Chủ tịch Sri Lanka trân trọng mời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Sri Lanka.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Sri Lanka khi tới thăm trên cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội vào tháng 2/2013; trân trọng cảm ơn lời mời của Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka và cho biết sẽ thu xếp thăm chính thức Sri Lanka trong thời gian sớm nhất.
Việt Nam và Sri Lanka thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/7/1970. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa hai nước có bề dày lịch sử, được củng cố và phát triển tốt đẹp trong thời gian qua. Sri Lanka là một trong những quốc gia mà Việt Nam đã thiết lập cơ quan đại diện nước ngoài đầu tiên. Đây cũng là quốc gia mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dừng chân trên hành trình đi tìm đường cứu nước, cũng là nơi Người đã thăm chính thức trên cương vị Chủ tịch nước.
Thời gian qua, quốc hội hai nước tăng cường trao đổi đoàn các cấp. Lãnh đạo cấp cao và các ủy ban chuyên môn của quốc hội đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện; tăng cường phối hợp tiếp xúc, tham vấn và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương, phát huy hơn nữa vai trò của Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước trong việc thúc đẩy hợp tác hai quốc hội. Cùng với đó, quốc hội hai nước tăng cường vai trò giám sát và thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký giữa hai nước.../.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!