Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

Chiều 24/8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gặp mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhân dịp các đại biểu về nước dự Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi gặp mặt các Đại sứ,
Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 



Tham dự cuộc gặp có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc… 

Tại buổi gặp gỡ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo về Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 với chủ đề “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế - Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII” diễn ra từ ngày 22-26/8 tại Hà Nội. Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng; Đại sứ Việt Nam tại Đức Đoàn Xuân Hưng; Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc Nguyễn Phương Nga đã phát biểu chia sẻ về kết quả triển khai những hoạt động đối ngoại tại địa bàn công tác...

Thay mặt Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài; bày tỏ tin tưởng rằng, phát huy truyền thống và kết quả đạt được từ các Hội nghị ngoại giao trước đây, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 sẽ tiếp tục phát huy trí tuệ, kinh nghiệm và bản lĩnh của những nhà ngoại giao chuyên nghiệp, góp phần đắc lực thực hiện hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và đất nước.

Chúc mừng và biểu dương những thành tích to lớn của ngành ngoại giao đã đạt được thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ Ngoại giao chọn nội dung “Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội XII” làm chủ đề và trọng tâm của Hội nghị ngoại giao 29. Theo đó, ngành ngoại giao “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, toàn ngành đối ngoại và nhất là các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện phải luôn quán triệt đầy đủ đường lối đối ngoại của Đảng. Với sứ mệnh ở vị trí tuyến đầu, tiền đồn, hàng ngày trực tiếp tiếp xúc với những thay đổi của thế giới bên ngoài, các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện cần phát huy hiệu quả vai trò của cơ quan đại diện ở nước ngoài, chủ động kiến nghị với Đảng, Nhà nước về những biện pháp cụ thể để triển khai hiệu quả các hoạt động hội nhập; đồng thời có hỗ trợ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tranh thủ cơ hội, chuẩn bị tốt giải pháp, ứng phó xử lý thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế; xây dựng những quy định và triển khai trong nước phù hợp với pháp luật và lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc. 

Nhấn mạnh trách nhiệm hàng đầu, quan trọng nhất của cả hệ thống chính trị và toàn dân là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện chú trọng và làm tốt hơn nữa việc tìm hiểu, bám sát tình hình, nghiên cứu và cung cấp thông tin, phân tích đầy đủ, kịp thời và có chất lượng phục vụ cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại cũng như triển khai chính sách trong nước; chủ động và đẩy mạnh vận động, tranh thủ sự ủng hộ của các nước và cộng đồng quốc tế, làm cho thế giới hiểu rõ chính nghĩa và ủng hộ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước của Việt Nam. 

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong bối cảnh thế giới có những diễn biến phức tạp, quá trình hội nhập của nước ta ngày càng sâu rộng, đòi hỏi công tác bảo hộ công dân phải ngày càng được quan tâm và tăng cường. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện tại nước ngoài cần chủ động và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ công dân, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, cả về tinh thần, thông tin và pháp lý. Trong công tác bảo hộ công dân cần phát huy vai trò của các hội, đoàn của người Việt để làm cầu nối với cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền lợi của người Việt Nam, công dân Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, tiếp tục tích cực vận động chính quyền sở tại tạo mọi điều kiện thuận lợi cho kiều bào hội nhập vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. 

Nhấn mạnh nhiệm vụ ngoại giao văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để làm được điều này, ngành ngoại giao phải quảng bá, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Ở đâu có người Việt Nam, ở đó có văn hóa Việt, nếu không biết tiếng Việt thì không thể giữ gìn được văn hóa Việt Nam. Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cần quan tâm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng tổ chức các lớp học tiếng Việt cho con em kiều bào. Đây là việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong việc vận động kiều bào hướng về Tổ quốc; góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Các cơ quan đại diện là ngôi nhà chung, là mái ấm nuôi dưỡng tình cảm dân tộc, quê hương và cũng là nơi bảo vệ quyền lợi của công dân, kiều bào Việt Nam tại nước ngoài. 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, công tác đối ngoại gồm ba trụ cột, gồm: đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân. Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện ngoai giao ở nước ngoài phải đảm nhiệm vai trò chủ đạo trong ba trụ cột đối ngoại, trong đó cần nhận thức rõ đối ngoại Nhà nước bao bồm cả các hoạt động của đối ngoại của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Các hoạt động đối ngoại này gắn bó chặt chẽ với nhau...

Nhấn mạnh đến những nội dung cụ thể nhằm thực hiện tốt công tác ngoại giao trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Ngoại giao cần làm tốt chức năng tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai các chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Trong năm 2017, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật cơ quan đại diện sửa đổi; đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt dự án Luật này, đáp ứng nhiệm vụ đối ngoại trong tình hình mới. 

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trong thời gian tới, việc ký kết và triển khai thực hiện nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như giám sát việc thực hiện. Hiện nay, Quốc hội đang chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội phối hợp với Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ Ngoại giao tham mưu phương án tối ưu, đảm bảo có lợi nhất cho đất nước. 

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội để củng cố, mở rộng và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với nghị viện các nước, nhất là các đối tác hàng đầu quan trọng; mở rộng mạng lưới các tổ chức bạn bè, các Nhóm Nghị sỹ hữu nghị với Việt Nam, góp phần đưa các mối quan hệ hợp tác nghị viện đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững theo đường lối và định hướng đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. 

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị ngành ngoại giao chủ động hơn nữa tham mưu cho Quốc hội về kinh nghiệm xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, kinh nghiệm phòng ngừa và xử lý các tranh chấp thương mại quốc tế của các nước bạn, để từ đó góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. 

Thay mặt các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện ngoại giao cũng như toàn thể các đại biểu tham dự Hội nghị ngoại giao lần thứ 29, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tiếp thu các ý kiến phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cho biết, các ý kiến này sẽ được đưa vào trong Chương trình hành động của Hội nghị ngoại giao lần thứ 29./. 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới