Hôm nay (31/5), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Phiên họp dự kiến diễn ra trong 1,5 ngày làm việc, được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Truyền hình Quốc hội Việt Nam để cử tri và nhân dân theo dõi.
Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ tham gia giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Theo báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 vừa qua, năm 2022, trong bối cảnh rất khó khăn, Việt Nam vẫn thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó nhiều chỉ tiêu tốt hơn số đã báo cáo Quốc hội như: GDP năm 2022 tăng 8,02% (đã báo cáo là 8%); GDP bình quân đầu người đạt 4.109 USD (đã báo cáo là 4.075 USD); CPI bình quân tăng 3,15% (đã báo cáo là khoảng 4%); thu ngân sách nhà nước đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn số đã báo cáo là 201,4 nghìn tỷ đồng (tăng 12,5%)…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ vẫn còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, có 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch, đó là: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 24,76% (kế hoạch là 25,5-25,8%) và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt 4,8% (kế hoạch là khoảng 5,5%).
Giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia chưa đạt yêu cầu; công tác lập quy hoạch còn chậm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động, tiếp cận vốn…
Những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm. Dẫu vậy, tăng trưởng GDP quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn so với cùng kỳ (5,03%), trong đó nhiều địa phương sản xuất công nghiệp tăng trưởng thấp, thậm chí có địa phương tăng trưởng âm.
Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 26/5, các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ về những kết quả phát triển kinh tế-xã hội đạt được trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Đồng thời, các đại biểu cũng nêu một số bất cập, vướng mắc cần khẩn trương khắc phục trong thời gian tới, gồm: trách nhiệm thanh tra, kiểm tra trong các sai phạm về đăng kiểm; tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập; khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp…
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!