Từ những chính sách xuất phát từ nhân dân đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo nên sung lực mới khuyến khích đầu tư phát triển trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, viết nên câu chuyện “hiện tượng nông nghiệp” của Sơn La. Thành công của các nghị quyết theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rồi “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã giúp các hộ dân thấy được lợi ích và phát huy vai trò chủ thể, tích cực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tiếp sức cho nông nghiệp
Các cơ chế, chính sách HĐND tỉnh ban hành đã tạo động lực thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn tỉnh Sơn La và ghi dấu ấn đậm nét qua việc thực hiện Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc mở đầu cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho nông dân Sơn La. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh có quy định chính sách hỗ trợ 200 nghìn đồng/hộ dân tham gia ghép mắt cải tạo vườn tạp, riêng hộ tái định cư thủy điện Sơn La hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ.
Với nguồn ngân sách khoảng 18 tỷ đồng, từ năm 2017-2018, Sơn La hỗ trợ gần 90.000 hộ, với khoảng 30% dân số của tỉnh tham gia ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả các loại. Ghép mắt cải tạo vườn tạp giúp năng suất, chất lượng, giá trị các loại quả tăng lên rõ rệt, lan tỏa phong trào chuyển đổi cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh. Nhờ đó, đã chuyển đổi trên 52.000 ha cây trồng khác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 84.700 ha cây ăn quả các loại và sơn tra, trở thành tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và lớn thứ 2 cả nước.
Khi vùng chuyên canh nông sản đã định hình, để nâng cao giá trị nông sản, ngày 28/02/2020, HĐND tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết 128/2020/NQ-HĐND chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp, HTX và bảng tổng hợp sau khi rà soát từ các huyện, thành phố, từ năm 2020 đến nay, đã có gần 200 doanh nghiệp, HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ, với tổng kinh phí trên 22,5 tỷ đồng để tổ chức chứng nhận đánh giá, cấp giấy chứng nhận VietGAP, GlobalGAP hoặc các tiêu chuẩn tương tự; in nhãn mác, mua bao bì mới đóng gói sản phẩm đưa đi tiêu thụ; thuê đơn vị tư vấn xây dựng hệ thống nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia liên kết được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, hệ thống tưới tiết kiệm…
Chính sách thu hút các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, đến nay, toàn tỉnh có 560 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu. Nhiều nông sản đã đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm mía, chè, sắn, sữa cho người dân. Trong năm 2023, tỉnh Sơn La đã tổ chức khánh thanh nhà máy chế biến phân bón Sông Lam Tây Bắc; Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La; Nhà máy chế biến cà phê của Công ty cổ phần Cà phê Sơn La, huyện Mai Sơn...
Ông Nguyễn Xuân Thao, Giám đốc HTX Cà phê Bích Thao, bản Hoàng Văn Thụ, xã Hua La, Thành phố chia sẻ: Các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh đã hỗ trợ HTX đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng nhà xưởng chế biến, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao bì, nhãn mác và tham gia các hội chợ trưng bày giới thiệu sản phẩm. Hiện nay, HTX có 150 ha cà phê, trong đó có 40 ha đã cho thu hoạch, sản lượng cà phê quả tươi ước đạt trên 1.000 tấn/năm. Năm 2022, HTX đã xây dựng 2 vườn ươm cây giống cà phê, với quy mô 60 vạn cây. Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, thu mua sản phẩm ổn định và chất lượng với khoảng 800 hộ, quy mô 1.000 ha.
Hiệu quả chính sách ban hành của Sơn La đó là hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, tập trung không dàn trải. Bằng cách làm này, Sơn La đã đạt “mục tiêu kép” đó là tiết kiệm ngân sách Nhà nước, tạo lan tỏa phong trào thi đua sôi nổi giữa các hộ gia đình, giữa các bản, các xã và các huyện với nhau. Các mô hình cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng từ vùng thấp tới vùng cao, biên giới. Sơn La giờ không chỉ được biết đến là vựa trái cây của miền Bắc; với trên 20.000 ha cà phê Arabica – Sơn La còn là tỉnh có diện tích cà phê Arabica đặc sản lớn nhất cả nước, với sản lượng niên vụ 2023 – 2024 ước đạt trên 32.000 tấn cà phê nhân.
Những tuyến đường "đồng thuận"
Từ năm 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết 115 và Nghị quyết 77 của HĐND tỉnh Sơn La Quy định mức hỗ trợ cụ thể từ ngân sách nhà nước cho một số nội dung thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tại huyện Mường La phong trào làm đường đường giao thông nông thôn được triển khai rộng khắp, phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rồi “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” đã huy động được hàng trăm tỷ đồng từ nguồn lực do nhân dân, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đóng góp.
Điển hình như xã Ngọc Chiến, huyện Mường La, sự đóng góp của nhân dân vào xây dựng nông thôn mới đã biến nơi vùng cao khó khăn này thành "miền quê cổ tích" phát triển mạnh mẽ về du lịch. Ngoài các tuyến đường hỗ trợ của nhà nước thì xã đã tuyên truyền, vận động nhân dân bê tông hóa được 133 tuyến đường bằng bê tông với chiều dài 98,3 km; tất cả các tuyến đường trung tâm xã, các bản đều vận động nhân dân hiến đất mở rộng từ 1m đến 8m, đường từ trung tâm xã đi các bản đều có đường bê tông, 98% hộ gia đình có đường bê tông đến tận nhà.
Không chỉ góp đất, vật liệu, tiền, ngày công để làm đường nông thôn, xã Ngọc Chiến đã vận động các hộ cứng hóa nền nhà bằng bê tông hoặc lát gạch; làm nhà vệ sinh tự hoại tại gia đình và xây dựng 460 nhà vệ sinh tự hoại ở các lán trại; vận động nhân dân vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa, xây dựng không gian sống xanh – sạch – đẹp, với những bờ rào, cổng vào nhà được lát tạo hình bằng đá cuội, trồng, treo những giò hoa, với tổng giá trị thực hiện các công trình khoảng 200 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ 2.000 tấn xi măng còn lại nhân dân đóng góp.
Để có được kết quả đó, cán bộ, đảng viên xã Ngọc Chiến đã tiên phong đi đầu. Tiêu biểu là tấm gương của ông Lò Văn Phới, bản Đông Xuông, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã, khi thực hiện chủ trương của Đảng ủy xã về làm đường giao thông, gia đình ông đã hiến hàng nghìn mét vuông đất của gia đình để xây dựng trường mầm non và làm đường giao thông nông thôn trị giá hàng tỷ đồng.
Ông Lò Văn Phới, chia sẻ: Mỗi người bớt chút đất để đường rộng hơn, con trẻ có lớp học đẹp hơn lên tôi và gia đình ủng hộ luôn. Năm 2006, tôi đã hiến hơn 2.000 m² đất để xây dựng trường mầm non. Đến năm 2016, tôi tiếp tục hiến gần 800 m² đất thổ cư để xây dựng khuôn viên vui chơi, làm bếp ăn cho học sinh. Tiếp đó, gia đình tôi hiến 1.400 m² đất, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng cho xã, bản để mở rộng và bê tông hóa 3 tuyến đường giao thông liên xã, nội bản.
Ông Bùi Tiến Sỹ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ngọc Chiến, chia sẻ: Cách làm của Ngọc Chiến đó là bám sát chủ trương, định hướng của cấp ủy cấp trên. Quá trình thực hiện chủ động xây dựng kế hoạch, xác định lộ trình thực hiện cụ thể; phân công cán bộ phụ trách, chỉ đạo sâu sát việc tổ chức thực hiện công việc hằng ngày; chỉ đạo cách làm linh hoạt, không cứng nhắc, phù hợp với điều kiện của từng địa bàn; cán bộ, đảng viên phải tiền phong gương mẫu… Bằng cách làm này, đến nay xã Ngọc Chiến đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, dự kiến tổ chức lễ công bố vào cuối năm 2023.
Xã biên giới Lóng Phiêng, huyện Yên Châu cũng là một điểm sáng trong thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn của tỉnh. Từ tuyến đường “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, nhiều tuyến đường ở bản đã được bê tông hóa. Ông Phạm Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy xã Lóng Phiêng, chia sẻ: Năm 2020, qua rà soát, tổng hợp, toàn xã có trên 20 km đường nội đồng tại 10 bản cần bê tông hóa nếu trông chờ vào nhà nước thì không biết đến bao giờ mới đổ được bê tông. Năm 2021, xã phát động phong trào thi đua làm đường nội đồng giữa các bản trên tinh thần xã hội hóa, Bản Yên Thi đi đầu phong trào này, từ năm 2022 đến nay đã cứng hóa gần 6 km đường trục chính nội đồng, tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Giờ đây, nhiều tuyến đường vào khu sản xuất đổ bê tông, mặt đường rộng 2,5m, nhiều hộ mua xe ô tô tải, chở vật tư nông nghiệp vào tận nương hay đưa hoa quả đi tiêu thụ.
Với sự quan tâm đầu tư của nhà nước, đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã biên giới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thành phố Sơn La đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới..
Đảm bảo tính chiến lược, lâu dài
Những thành tựu nổi bật tỉnh Sơn La đã đạt được thời gian qua trên các lĩnh vực ghi dấu ấn của các cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành. Nhiều nghị quyết nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách ban hành vẫn có những chính sách khi ban hành chưa hiệu quả khi quy định hình thức hỗ trợ chưa phù hợp, dẫn tới không có đối tượng thụ hưởng phải bãi bỏ.
Để nghị quyết HĐND tỉnh khi ban hành thực sự hiệu quả, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Đảng đoàn HĐND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến nhân dân. Trọng tâm là tiếp tục chỉ đạo các Ban của HĐND tỉnh phối hợp rà soát các cơ chế, chính sách đã ban hành, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế các cơ chế, chính sách không còn phù hợp hoặc khi thực hiện còn chồng chéo; thực hiện tích hợp các chính sách đã ban hành thành chính sách tổng thể, đảm bảo tính chiến lược, lâu dài.
Đánh giá hiệu quả, tác động của chính sách, việc cân đối, phân bổ kinh phí, nguồn lực triển khai thực hiện, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tiếp tục tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của Nhân dân; đồng hành cùng UBND tỉnh kịp thời có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!