Trong Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 với 400 đại biểu đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc, thưc sự là những tấm gương thầm lặng đã và đang góp thêm sức mạnh nội lực góp phần xây dựng đất nước ngày một phát triển.
Vua nho Ba Mọi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Hơn 15 năm miệt mài lao động, bám trụ với cây nho, cái tên mộc mạc của ông Nguyễn Văn Mọi ở Ninh Thuận đã gắn liền với thương hiệu nho sạch nức tiếng trên thị trường cả nước. Nho Ba Mọi.
Giờ đây đã trở thành một doanh nhân có tên tuổi trong nghề canh tác trái nho tươi theo tiêu chuẩn VietGAP và rượu vang nho đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài trang trại và cửa hàng tại quê nhà, ông Ba Mọi còn mở thêm 6 đại lý tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nghệ An.
Điều đặc biệt, du khách trong và ngoài nước khi đến với Ninh Thuận thì không thể không đến tham quan trang trại nho sạch Ba Mọi hay xưởng chế biến rượu nho sẽ không thể quên hình ảnh lão nông dân tuổi đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn nhanh nhẹn, tinh tế như một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và thân thiện.
Nhiều lần được đứng trên bục vinh danh, nhưng với ông Nguyễn Văn Mọi mỗi lần lại mang đến những cảm xúc khó tả. Tại Lễ tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 ông không chỉ được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tấm gương tiêu biểu ở lĩnh vực phát triển kinh tế mà có rất nhiều những tấm gương bình dị tạo cho ông ấn tượng sâu sắc. Như câu chuyện về nữ họa sĩ Ái Việt và câu chuyện đi khắp đất nước trên chiếc xe Chaly cũ để qua nét vẽ của mình khắc họa chân dung những người Mẹ Việt Nam Anh hùng; hay câu chuyện về người chiến sĩ công an Phạm Ngọc Anh và những gian khổ trong quá trình tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế và ma túy trên địa bàn huyện Than Uyên, Lai Châu…
Ông mong muốn sẽ có thêm những lễ tuyên dương mang quy mô toàn quốc để các đại biểu đến từ khắp mọi miền của Tổ quốc có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, qua đó tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội.
* Cách đây 10 năm khi ông Vũ Văn Bằng ở xã Hòa Nam, huyện Di Linh Lâm Đồng quyết định thuê máy xúc vào dọn 24 ha cây cà phê bất chấp sự can ngăn của người thân, gia đình, bạn bè, ai bảo ông bị “khùng”, bị “điên”.
Thế nhưng sau 10 năm ông đã chứng minh cho mọi người thấy lựa chọn của mình hoàn toàn đúng. Với 2600 gốc sầu riêng, ông Bằng chia chúng thành các lô và lắp đặt các hệ thống tưới tự động khắp vườn. Từng gốc sầu riêng của ông đều có nhật ký riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy nếu trước kia với mỗi ha cà phê ông Bằng phải thuê 10 công nhân thì bây giờ một mình ông có thể chăm sóc cho 2 ha sầu riêng.
Nhờ sản lượng lớn, chất lượng cao nên sầu riêng của đều được các thương lái đến tận vườn ký bao tiêu toàn bộ để xuất đi Trung Quốc và Úc. Bình quân mỗi năm gia đình ông thu được từ 400 - 500 tấn/năm thu về trên 10 tỷ đồng, có những đợt một ngày gia đình ông xuất 26 tấn sầu riêng thu hơn 1 tỷ đồng.
Với ông Bằng, điều ông trăn trở là truyền lại kiến thức mà ông đã tích góp được trong nhiều năm làm kinh tế cho các con. Vì thế để các con có động lực tập trung vào sản xuất ông Bằng đã tuyên bố rằng “Bố sẽ chia di chúc theo ngày công” – Ông Bằng chia sẻ.
Là một trong gần 400 đại biểu có mặt tại Lễ Tuyên dương điển hình tiên tiến toàn quốc năm 2017 ông Bằng cảm thấy vinh dự và tự hào. “Với tôi đây là niềm tự hào không chỉ của bản thân mà còn của toàn gia đình. Đây là phần thưởng quý, như vậy là những nỗ lực cố gắng của tôi đã được ghi nhận. Đây là động lực để tôi không ngừng phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, đất nước”.
“Luôn luôn thay đổi tư duy, phát huy ưu điểm, bài trừ nhược điểm” đó là phương châm trong làm ăn kinh tế của ông Bằng, dù khó khăn thế nào ông cũng vẫn luôn tiến về phía trước. Ông cho rằng, người nông dân muốn thành công thì trước hết phải có lập trường kiên định với lựa chọn của mình; cùng với đó các cấp, các ngành cũng cần phải tạo ra sức mạnh lan tỏa để nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, giúp người dân được tiếp cận với khoa học công nghệ cao có thể ứng dụng vào sản xuất, đạt giá trị kinh tế cao.
*Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Lũng Niêm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa, nơi có nghề dệt thổ cẩm truyền thống cuộc sống của chị Hà Thị Dung cũng như bao nhiêu người con gái của vùng quê Lũng Niêm đã gắn liền với dệt thổ cẩm.
Khi xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao thì những nghề truyền thống sẽ dễ dàng bị mai một, vì thế từ việc chỉ dệt thổ cẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của người thân trong gia đình, chị Dung đã xây dựng thành mô hình dệt thổ cẩm để quảng bá sản phẩm thổ cẩm của địa phương đến nhiều người dân trong cả nước; đồng thời từ dệt chị đã giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trong xã.
Khi được biết mình là một trong những điển hình tiên tiến đại diện cho tỉnh Thanh Hóa được về Thủ đô tham dự Lễ tuyên dương điển hình tiến tiến năm 2017 chị Dung cũng như những người thân trong gia đình đã rất hạnh phúc và vinh dự. Với chị đây là phần thưởng cao quý có ý nghĩa rất quan trọng. “Phần thưởng này sẽ là động lực để tôi cố gắng, nỗ lực phấn đấu hơn nữa trong sự nghiệp giữ gìn, phát huy, lưu truyền những giá trị văn hóa nghề dệt thổ cẩm của Lũng Niêm”. Chị Dung bộc bạch.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!