Ngày 11/4/1946, trong thư kêu gọi điền chủ nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Việt Nam là một nước nông nghiệp, nền kinh tế canh nông làm gốc, nông dân giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh, nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh thì cần phải có HTX”. Thực hiện lời Bác dạy, những năm qua, tỉnh ta luôn quan tâm, tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể, HTX theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 806 HTX, với tổng số trên 38.000 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước, xây dựng, quỹ TDND, thương mại, dịch vụ du lịch, vận tải... Có 2.418 cán bộ quản lý các HTX, trong đó 25% có trình độ cao đẳng, đại học và 20% có trình độ trung cấp lý luận chính trị. Tổng số lao động làm việc thường xuyên tại các HTX là 10.238 người; lợi nhuận bình quân 150-200 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập thành viên từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Cùng với tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách và giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX; Liên minh HTX tỉnh đã phát huy vai trò, chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thành viên. Triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các HTX phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh đã tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân liên kết thành lập mới HTX, hoặc chuyển đổi hoạt động mô hình HTX kiểu mới theo Luật HTX năm 2012 để khai thác được tiềm năng, thế mạnh ở cơ sở và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn về quản trị HTX, xây dựng thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm thị trường ký kết hợp đồng sản xuất theo chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Hướng dẫn cách thức tổ chức, phương thức hoạt động, kỹ năng đàm phán cho cán bộ chủ chốt các HTX… Riêng năm 2022, Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức 8 đoàn công tác tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các HTX tại các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt. Tổ chức 20 hội nghị tư vấn khởi nghiệp gắn với mô hình HTX tại 7 huyện trong tỉnh. Khảo sát nắm bắt tình hình hoạt động và vùng nguyên liệu sản xuất của các HTX tại huyện Phù Yên, Mai Sơn, Mộc Châu và Mường La. Đồng thời, giải ngân cho 4 HTX vay 1,1 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh. Tư vấn 2 dự án của 2 HTX tại huyện Phù Yên và Vân Hồ vay 900 triệu đồng từ Quỹ HTX Trung ương...
Các HTX đã tập trung phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng liên kết vùng, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, bảo đảm an toàn, nông sản sạch, sản xuất hướng hữu cơ, quy trình VietGAP, GlobalGAP...; có tem nhãn, bao bì, đóng góp, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý cho nông sản, thủy sản. Nhiều HTX được cấp giấy chứng nhận đăng ký an toàn, sản xuất theo quy trình VietGAP... Đến hết năm 2022, toàn tỉnh công nhận 4 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 8.217 ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ; 281 mã vùng trồng, trên 4.600 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu và 34 cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; 24 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ; duy trì, phát triển 261 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; 109 sản phẩm OCOP...
Anh Vũ Văn Minh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Trung Dũng, xã Chiềng Cang, huyện Sông Mã cho biết: HTX có 14 thành viên, trồng 35 ha cây ăn quả các loại. Trong phát triển sản xuất, chúng tôi đã vận động các thành viên đầu tư hệ thống tưới ẩm cho diện tích cây ăn quả; áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, kỹ thuật thực hiện nhãn chín sớm, rải vụ, trái vụ... Thuận lợi trong tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình thành viên. Hiện nay, 20 ha được áp dụng theo quy trình VietGAP, 15 ha nhãn chín sớm, đã mang lại thu nhập bình quân cho hộ thành viên trên 300 triệu đồng/năm.
Ông Vũ Đăng Kế, Giám đốc HTX nông nghiệp Mường Bú, huyện Mường La, chia sẻ: Quy mô sản xuất của HTX gồm có 28 ha xoài, 12 ha nhãn, 5 ha mít, 20 ha táo đại, sản lượng bình quân đạt trên 700 tấn quả các loại/năm. HTX đã liên kết với các HTX, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nhân dân trên địa bàn. Ngoài giúp các thành viên có việc làm và thu nhập ổn định, HTX còn tạo việc làm thời vụ cho gần 20 lao động địa phương, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Tiếp tục nâng cao vai trò của kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, với vai trò là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các HTX, Liên minh HTX tỉnh tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về kinh tế tập thể, HTX. Phát triển HTX gắn với quy hoạch, thế mạnh của từng địa phương; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để HTX, liên hiệp HTX phát triển ổn định, đúng pháp luật.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!